Thanh Hóa: Đảm bảo cung cấp đủ nước cho Khu Kinh tế Nghi Sơn là ưu tiên hàng đầu

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu nghi Sơn đang bước vào thi công, lắp đặt những công đoạn cuối cùng trước khi vào vận hành. Để đảm bảo cho Nhà máy lọc hóa dầu hoạt động cũng như cung cấp đủ nhu cầu nước cho Khu Kinh tế Nghi Sơn (KTNS) mở rộng. UBND tỉnh Thanh Hóa (thay mặt chính phủ) đặt mục tiêu bằng mọi giá phải làm tròn cam kết về đầu tư cơ sở hạ tầng giữa chính phủ và liên doanh Lọc hóa dầu. Trong đó, cung cấp nước là vấn đề cấp bách nhất hiện nay.

Vì sao phải có thêm một nhà máy cung cấp nước?

Dự án (DA) Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án trọng điểm quốc gia, có tổng vốn đầu tư lên tới 9 tỷ USD.Theo thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (GGU) về cung cấp nước đã qua xử lý cho DA, tỉnh Thanh Hóa được giao trách nhiệm đáp ứng đủ 30.000m3 nước đã qua xử lý/ ngày, đêm (từ tháng 11/2015 trở đi). Nếu không thực hiện cấp nước theo bản GGU, dẫn đến nhà máy lọc dầu phải ngừng vận hành thì Cty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) sẽ phải chịu thiệt hại khoảng 22 triệu USD/ngày về doanh thu.

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án trọng điểm Quốc gia

Trong khi đó, tại Nghi Sơn chỉ có duy nhất Nhà máy nước của Cty Bình Minh, công suất 30.000m3/ngày, đêm (giai đoạn một). Được biết Cty Bình Minh đang triển khai giai đoạn hai của DA (2015 – 2020), nâng công suất lên 90.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên việc triển khai diễn ra rất chậm, khó có khả năng cung cấp đủ nước sạch cho Khu KTNS, nhất là khi nhà máy lọc hóa dầu đi vào vận hành.

Để đảm bảo cấp nước cho Khu KTNS, tỉnh Thanh Hóa cũng từng tính đến dự án cung cấp nước thô do Cty TNHH MTV Sông Chu làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay ADB. Tuy nhiên, do hồ sơ, thủ tục vay vốn mất rất nhiều thời gian nên nếu nhanh nhất, dự án này cũng phải đến tháng 9/2016 mới có thể khởi công và hoàn thành vào tháng 2/2018. Như vậy sẽ chậm tới 15 tháng so với nhu cầu về nước của lọc hóa dầu. Thêm nữa, lượng nước thô từ Hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa để cung cấp cho Nhà máy của Cty Bình Minh hiện tại, theo lý thuyết chỉ mới đáp ứng được 30.000m3 nước thô/ngày, đêm (nhưng thực tế thấp hơn nhiều). Do đó, nếu như Cty Bình Minh đầu tư giai đoạn 2, chế biến đủ công suất 30.000m3/ngày, đêm hoặc cao hơn. Thì lượng nước thô, nguồn nguyên liệu đầu vào cũng không đủ cung cấp cho chế biến.

Lo ngại về vấn đề nước phục vụ cho nhà máy hoạt động, Cty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nhiều lần gửi văn bản đến Bộ Công thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý Khu KTNS. Theo đó, sau khi nhắc lại việc cấp nước là vấn đề trọng tâm, có tính chất quyết định đến thành công hay thất bại của dự án NSRP (lọc hóa dầu), đã được Chính phủ trong bản thỏa thuận về các bảo lãnh và cam kết của Chính phủ ngày 15/1/2013 (bản GGU) (trong đó quy định rõ về số lượng, chất lượng và thời điểm cấp nước được bảo đảm theo cam kết). Đã nêu lên “mối quan ngại sâu sắc về việc cấp nước cho NSRP sẽ không đáp ứng được yêu cầu … khi NSRP vận hành thử nhà máy lọc dầu”, “… Một lần nữa chúng tôi kính đề nghị các ngài khẩn trương hành động quyết liệt để giải tỏa mối quan ngại trên và đảm bảo cung cấp nước kịp thời cho NSRP”.

Như vậy, thực tế cho thấy, nếu không có thêm nhà đầu tư để đầu tư cả việc cung cấp nước thô và sản xuất, cung cấp nước sạch sẽ dẫn đến hậu quả Nhà máy lọc hóa dầu không thể đi vào sản xuất. Ngoài số tiền thiệt hại 22 triệu USD/ngày mà phía Việt Nam đương nhiên phải chịu, điều quan trọng không kém là uy tín của Chính phủ, môi trường đầu tư của đất nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng.

Liên danh Anh Phát – Sông Chu, Cứu cánh cho vấn đề cung cấp nước

Trong tình hình “Nước sôi lửa bỏng” như đã nêu. UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận cho nhà thầu liên danh Tổng Cty ĐTXD và thương mại Anh Phát – CTCP và Cty TNHH MTV Sông Chu ( liên danh Anh Phát – Sông Chu) triển khai đầu tư cả hệ thống cung cấp nước thô, cả nhà máy chế biến nước sạch bằng nguồn vốn tự có, với cam kết đủ điều kiện hoàn thành dự án vào cuối năm 2016. Đáng chú ý là việc triển khai dự án của nhà đầu tư này sẽ tiết kiệm thời gian và có nhiều thuận lợi, bởi hồ sơ dự án dựa trên việc tiếp nhận hồ sơ dự án hệ thống cung cấp nước Khu KTNS (đã được thẩm định). Ngoài ra mặt bằng hồ, mặt bằng xây dựng nhà máy chế biến nước; mặt bằng hồ Quế Sơn đã có sẵn do Cty Anh Phát đang quản lý (không phải giải phóng mặt bằng).

UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận cho nhà thầu liên danh Tổng Cty ĐTXD và thương mại Anh Phát – CTCP và Cty TNHH MTV Sông Chu ( liên danh Anh Phát – Sông Chu) triển khai đầu tư cả hệ thống cung cấp nước thô, cả nhà máy chế biến nước sạch bằng nguồn vốn tự có.

Về vấn đề vốn đã được Ngân hàng cam kết cho vay thực hiện dự án và do vốn doanh nghiệp nên giảm được thời gian đấu thầu xây dựng. Đặc biệt, việc cho phép liên danh này triển khai dự án đã chuyển đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước sang đầu tư bằng vốn tự có, vốn huy động của doanh nghiệp (xã hội hóa). Qua đó, tiết kiệm và giảm gánh nặng cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng, bởi nếu DA được triển khai bằng vốn ADB và đối ứng (30,523 triệu USD, khoảng 680 tỷ đồng), đây là khoản tiền mà phía Việt nam sẽ phải trả cho ADB.

Ngoài những ưu điểm trên, liên danh Anh Phát – Sông Chu đầu tư thêm nhà máy nước đặt tại hồ Quế Sơn, không những đáp ứng nhu cầu trước mắt của nhà máy lọc hóa dầu mà còn đảm bảo nhu cầu nước cho Khu KTNS mở rộng (từ 18.611ha lên 106.000 ha) theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ. Theo dự kiến, đến năm 2017, các dự án công nghiệp tại đây cần đến 45.000m3 nước sạch/ngày, đêm (tương đương 60.000m3 nước thô/ngày,đêm). Như vậy, vấn đề cung cấp nước cho Khu KTNS trước mắt cũng như trong tương lai sẽ được đảm bảo.

Mọi doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng, tạo điều kiện như nhau

Đó là khẳng định của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa trong các diễn đàn hội nghị, các cuộc họp, đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp. Mới đây nhất, tại buổi giao ban báo chí Quý 1/2017, bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã khẳng định như vậy, khi trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề cung cấp nước tại Nghi Sơn.

Làm việc với phóng viên Báo Xây dựng, ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh cho biết: Về tiến độ thi công dự án nước của Liên danh Anh Phát – Sông Chu đang được triển khai đúng kế hoạch. Theo ông Kỳ, việc có thêm một nhà máy cung cấp nước cho Khu KTNS, trước mắt là cho nhà máy lọc hóa dầu, không những là cần thiết mà còn rất cấp bách. Vì vậy, ý kiến lo ngại việc có thêm một nhà máy nước nữa sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy nước đã có là không đúng. Bởi nhu cầu nước của Khu KTNS là rất lớn. Việc có thêm một nhà máy nước vừa đảm bảo nguồn cung, vừa chống tình trạng “độc quyền” trong lĩnh vực cung cấp nước. Hơn nữa, trong Quy hoạch giai đoạn một Khu KTNS cũng đã quy hoạch hai nhà máy nước cùng hoạt động chứ không phải chỉ có một.

Bên cạnh đó, nước mới đi vào hoạt động sẽ cung cấp nước thô (nguyên liệu đầu vào chế biến nước sạch) cho cả nhà máy nước của Cty Bình Minh. Về ý kiến cho rằng vị trí nhà máy nước của Anh Phát – Sông Chu là không phù hợp bởi xa trung tâm … là không đúng. Ông Kỳ cũng cho biết: Vị trí nhà máy nước hoàn toàn không cần thiết phải nằm ở khu vực trung tâm. Thay vào đó, nơi đặt nhà máy phải đảm bảo thuận lợi, phù hợp và tiết kiệm nhất cho việc cung cấp nước. Do đó nhà máy đặt tại hồ Quế sơn là hoàn toàn thích hợp.

Như vậy, việc có thêm một nhà máy cung cấp nước cho Khu KTNS là hết sức cần thiết và có thể nói là cấp bách trong thời điểm này. Trong quá trình triển khai dự án này, tỉnh Thanh Hóa luôn báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan. Đồng thời tôn trọng ý kiến, quyền lợi của các doanh nghiệp (tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bên liên quan). Việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho liên danh Anh Phát – Sông Chu là đúng quy định về trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Đào Nguyên

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/thanh-hoa-dam-bao-cung-cap-du-nuoc-cho-khu-kinh-te-nghi-son-la-uu-tien-hang-dau.html