Thanh Hóa: Gần 300 ngôi nhà bị đổ, sập và tốc mái do bão

Dù bị ảnh hưởng không lớn của bão số 2, nhưng đêm 16 rạng sáng ngày 17.7, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa bắt đầu mưa lớn, khiến gần 300 ngôi nhà bị ngập, sập đổ và tốc mái; gần 4.000 ha lúa, ngô và các loại hoa màu bị đổ, gãy…; nhiều hộ dân phải sơ tán khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đến vùng an toàn.

Cánh đồng ở huyện Thường Xuân chìm trong biển nước (Ảnh: HT)

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa: Thanh Hóa chỉ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2 nên không gây ra thiệt hại về người, nhưng đã khiến 10 ngôi nhà bị đổ sập, 6 nhà bị ngập, 282 căn nhà bị tốc mái, 305m đê điều, kênh bị sạt; 2.145 ha lúa và 1.851 ha ngô, mía và hoa màu các loại bị ngập úng, gãy đổ. Ngoài ra, còn 1.224 ha cây lâm nghiệp, 7.419 cây xanh bị đổ gãy. Bão còn làm gãy cột điện trung thế gây mất điện toàn bộ huyện Triệu Sơn và gây gãy đổ 537 cột điện hạ thế khác.

Tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa), sáng 17.7 mưa lớn kèm theo gió giật mạnh khiến nhiều cây cối tại các tuyến đường trung tâm, đường ven biển gãy, bật gốc nằm ngổn ngang ra đường. Nhiều quán bán hàng ăn dọc bãi C, D và đại lộ Nam sông Mã bị tốc mái, đổ sập. Số cây bị gãy, bật gốc quá nhiều khiến cho lực lượng môi trường khá vất vả để dọn dẹp, đến 15h ngày 17.7, công tác dọn dẹp vệ sinh sau bão mới cơ bản hoàn thành.

Trước đó, đêm 16.7, tại huyện miền núi Lang Chánh, Như Thanh, Thạch Thành, chính quyền đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện túc trực tổ chức sơ tán khẩn cấp 72 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét. Mặt khác, tiếp tục kiểm tra, rà soát hậu quả của cơn bão số 2 trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các Sở ngành, địa phương trong tỉnh tập trung lực lượng, phương tiện sẵn sàng tiêu úng cho diện tích cây trồng. Cùng với đó là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hồ đập.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có tới 121 hồ chứa không đảm bảo an toàn, trong đó có 18 hồ không tích nước, 103 hồ tích nước hạn chế. Ngoài ra, Thanh Hóa còn có 624/1.023 đập chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp.

Bên cạnh đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các huyện miền núi như Quan Hóa, Bá Thước, Như Thanh… sẵn sàng các phương án sơ tán dân khi có yêu cầu.

Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Hiện tỉnh Thanh Hóa đang tập trung rà soát lại các công việc, nhất là việc đảm bảo an toàn cho dân ở ven sông ven biển, miền núi, vùng dễ bị sạt lở. Tiếp tục theo dõi hệ thống hồ đập, những hồ không tích nước là cương quyết không tích nước, hồ tích nước hạn chế thì hạn chế mức độ theo đúng các phương án đã đề ra, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng, đáng tiếc. Tỉnh Thanh Hóa cũng đặc biệt yêu cầu các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện của UBND tỉnh Thanh Hóa, thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “ 4 tại chỗ” khi có tình huống xấu xảy ra".

Đường giao thông, ruộng đồng xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân là biển nước sau bão.

Nhiều tuyến đường ở miền núi bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: HT

Nước lũ ở thị trấn Quan Hóa. Ảnh: H.T

Thị trấn Quan Hóa, Thanh Hóa sáng 17.7. Ảnh: H.T

Thị trấn Quan Hóa nước lũ ngập thành sông. Ảnh: H.T

Xuân Hùng - Hoài Thu

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/thanh-hoa-gan-300-ngoi-nha-bi-do-sap-va-toc-mai-do-bao-684191.bld