Thanh Hóa: Mưa lớn, cảnh báo nguy cơ lũ lụt sau bão

Tuy không ảnh hưởng trực tiếp tâm bão, nhưng Thanh Hóa có nguy cơ đối mặt với lũ lụt do mưa to ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 10.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có ảnh hưởng hoàn lưu bão số 10, sẽ có lượng mưa lớn những những ngày tới, dễ gây nguy cơ ngập úng, lũ dâng trên các sông gây thiệt hại đến tài sản hoa màu.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Sầm Sơn.

Nhằm triển khai công tác đối phó cơn bão số 10, sáng nay, tại các huyện trọng yếu ven biển, lãnh đạo UBND tỉnh cùng các phòng ban chuyên môn đã có mặt trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão.

Tại biển Sầm Sơn, sóng cao gần 3m, uy hiếp bờ kè tuyến đường Hồ Xuân Hương. (Ảnh: A.Thắng)

Tại biển Sầm Sơn, sóng cao gần 3m, uy hiếp bờ kè tuyến đường Hồ Xuân Hương. (Ảnh: A.Thắng)

Theo thống kê, toàn tỉnh có 52.138 ha lúa đang triển khai thu hoạch gấp. Tại nhiều huyện đã huy động lực lượng bộ đội, dân quân tham gia giúp dân gặt lúa tránh bão.

Công tác ứng phó được chủ động lên phương án tại các huyện thị. Ngoài các lực lượng của địa phương, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã huy động 1.100 cán bộ chiến sĩ sẵn sàng tham gia công tác phòng chống thiên tai; các ngành Công an, Biên phòng sẵn sàng phương án khi có lệnh điều động.

Tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị 780 tấn gạo, 84.500 thùng mỳ tôm, lương khô, 104.500 thùng nước đóng chai, 1.100 tấn muối i-ốt, 100.000m2 vải bạt và các mặt hàng phục vụ xây dựng sản xuất trị giá 9 tỉ đồng...nhằm ứng cứu các tình huống thiên tai khi cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn triển khai công tác chống bão tại TP Sầm Sơn sáng 15/9. (Ảnh: A.Thắng)

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng cộng 101.741 hộ/421.134 người nằm trong diện phải sơ tán khi có lệnh. Bao gồm: 57.801 hộ sinh sống ở khu vực mép nước, cửa sông, ven biển; 36.294 hộ ở khu vực bãi sống và 7.646 hộ nằm trong khu vực có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Nước biển dâng cao, sóng đánh sập bốt an ninh tại bãi D biển Sầm Sơn. (Ảnh: Băng Thanh)

Công tác quản lý đê diều, hồ đập cũng được đặc biệt chú trọng bởi tại Thanh Hóa hiện có 610 hồ chứa nước, 1.023 đập dâng. Nhưng trong đó, 121 hồ chứa khi kiểm tra trước mùa mưa lũ cho thấy không đảm bảo an toàn.

Một số tuyến đường ven biển tại TP Sầm Sơn, nước ngập đường giao thông kèm sóng lớn. (Ảnh: Băng Thanh)

Tại các huyện ven biển, gió lớn kèm mưa to đã khiến nhiều xã phường bị ngâp nước, nhiều đoạn đường ách tắc cục bộ. Tại xã đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia), nước biển ngập đường giao thông, sóng đập uy hiếp các ngôi nhà ven biển. Theo thông tin từ UBND xã, đã có 2 ngôi nhà bị sóng đánh sập cùng nhiều công trình phụ khác.

Tại TP Sầm Sơn, tất cả những thuyền mảng đều được di chuyển lên tuyến đường Hồ Xuân Hương từ chiều ngày 14/9, hạn chế xảy ra thệt hại. (Ảnh: A.Thắng)

Tại xã Ngư Lộc huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), hiện 1 tàu cá cùng 10 thuyền viên đang ngoài khơi, đã mất liên lạc.

Xác nhận thông tin trên, UBND xã Ngư Lộc cho biết, tàu cá TH 9366 có công suất 829 CV do anh Nguyễn Văn Tuy (trú tại xã Ngư Lộc) làm thuyền trưởng, chở theo 10 thuyền viên đã bị mất liên lạc 3 ngày nay.

Vừa qua tàu TH 9366 đi từ cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vào vùng biển Nha Trang (Bà Rịa Vũng Tàu) để đánh bắt thủy hải sản. Khi nhận được thông tin về cơn bão số 10, thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuy đã liên lạc được về với gia đình và địa phương.

Tuy nhiên từ ngày 13/9 đến nay, chiếc tàu đã mất liên lạc hoàn toàn. Hiện UBND xã Ngư Lộc đã thông báo đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và ngư dân để tham gia tìm kiếm tàu TH 9366 TS.

Theo bản tin phát lúc 14h30 ngày 15/9 của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to đến rất to, nguy cơ lũ trên các sông, lũ quyét và sạt lở đất, cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 2.

Lượng mưa đo được trong 24 giờ qua ở khu vực Hà Tĩnh phổ biến từ 100-150mm; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị phổ biến từ 150-200mm.

Lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị đang lên. Trong 12 giờ tới, mực nước trên các sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ khả năng ở mức 13,5m (mức báo động 3); tại Hòa Duyệt lên mức 8,0m, trên báo động 1 là 0,5m. Mực nước sông Gianh tại Đồng Tâm là 14,0m, trên báo động 2 là 2m, tại Mai Hóa là 6,2m, dưới báo động 3 là 0,3m. Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 2,4m, dưới báo động 3 là 0,3m. Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn là 3,5m, dưới báo động 2 là 0,5m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Đặc biệt là các huyện Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Đức Thọ (thuộc Hà Tĩnh). Huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch (thuộc Quảng Bình). Huyện Đăkrông, Hướng Hóa, Hải Lăng (thuộc Quảng Trị).

Hoàng Anh Thắng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/thanh-hoa-mua-lon-canh-bao-nguy-co-lu-lut-sau-bao-d52961.html