Thanh Hóa, Nghệ An: Chủ động ứng phó với bão số 10

Trước diễn biến của Bão số 10, UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã có công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 7h ngày 14/9; đồng thời yêu cầu các phương tiện đang hoạt động trên biển phải vào bờ neo đậu an toàn.

Tại Nghệ An

Chiều 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn về phòng chống cơn bão số 10.

Theo tin từ trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, Bão số 10 với cường độ rất mạnh, khi đổ bộ vào đất liền dự báo gió cấp 13, giật cấp 15, đạt cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 và còn diễn biến phức tạp. Nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, bão kèm theo mưa to đến rất to với lượng mưa từ 200 - 300mm.

Hầu hết các tàu thuyền ở Nghệ An đã vào nơi tránh trú bao an toàn

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu thuyền hoạt động trên biển, tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TX.Cửa Lò, TX.Hoàng Mai; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chi cục trưởng chi cục Thủy sản cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 7h ngày 14/9.

Đồng thời, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu an toàn; sử dụng mọi phương tiện, bằng các biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải); tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nối đảm bảo an toàn.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu tất cả các địa phương, đơn vị, cơ quan chức năng tập trung, quyết liệt phòng chống bão, giúp người dân, giảm tối đa thiệt hại, khắc phục tư tưởng chủ quan, bất cẩn, coi thường, gây hậu quả, đặc biệt là tính mạng con người. Đặc biệt, địa phương nào để xảy ra thiệt hại về người thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại Thanh Hóa

Để đối phó với cơn bão mạnh nhất trong vòng nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã lên phương án cụ thể sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ.

Toàn tỉnh có 4.726 phương tiện tàu, thuyền với 11.807 lao động hoạt động khai thác hải sản trên biển. Đến nay, nhiều tàu, thuyền đã vào các nơi tránh trú bão an toàn.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ra Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố chủ động theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, nhất là các khu vực neo đậu quanh các đảo, tránh những thiệt hại xảy ra.

Các ngành, đơn vị chức năng và các địa phương kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý, đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du.

Hiện, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực chỉ đạo lực lượng biên phòng và các địa phương ven biển kêu gọi số tàu thuyền còn lại tìm nơi tránh trú bão an toàn.

Tuyết Trang- Đình Tiệp

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong-va-phat-trien/201709/thanh-hoa-nghe-an-chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-10-2843379/