Thanh Hóa: Người lao động xuất khẩu “đầm đìa” trong nợ

Những tưởng xuất khẩu lao động (XKLĐ) sẽ giúp người dân tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Thế nhưng, chưa đi XKLĐ thì chẳng sao, đi rồi mỗi gia đình lại gánh những khoản nợ lên tới vài chục triệu đồng, số tiền mà cả đời họ chưa từng được cầm.

Bà Hà Thị Ty thường phải bán lúa non để trả nợ.

Bỗng dưng mang nợ

Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, nên khi các công ty XKLĐ về tuyển dụng tại Thường Xuân, hàng trăm lao động hồ hởi đăng ký đi XKLĐ. Người này biết giới thiệu cho người kia, có gia đình 2-3 anh em đều đăng ký đi XKLĐ. Có thời điểm, đi đến đâu cũng nghe thấy thanh niên hỏi nhau: “Đi nước nào, bao giờ đi?”.

Chính quyền địa phương tin rằng, chỉ vài năm nữa những ngôi nhà kiên cố sẽ dần thay thế cho những căn nhà tranh vách nứa, số hộ nghèo theo đó sẽ giảm. Thế nhưng, thực tế không như những gì lao động mơ tưởng.

Đưa chúng tôi đến gia đình bà Hà Thị Ty (71 tuổi, xã Ngọc Phụng), anh Tuấn, một người dân trong làng cho biết, đã 5 năm trôi qua, kể từ ngày các công ty XKLĐ tràn về địa phương, gia đình bà Hà Văn Ty mới trả được món nợ trên trời rơi xuống. Bây giờ, nhà bà Ty chỉ còn “xác nhà” thôi.

Căn nhà nhỏ của bà Hà Thị Ty nằm ở giữa xóm. Đây vốn là khu dân cư đông đúc của thôn, nhưng nhà bà suốt ngày cửa đóng then cài. Anh Tuấn cho biết, bà đã yếu, lại ở nhà một mình nên đành mặc cỏ mọc um tum. Có lẽ gia đình bà Ty không phải chịu cảnh như hiện nay, nếu không có cơn lốc XKLĐ tràn về địa phương.

Gia đình bà Ty thuộc diện hộ nghèo của xã. Bà có một cậu con trai Lê Xuân Nguyên, năm nay đã 30 tuổi. Chồng mất sớm, hai mẹ con đùm bọc nuôi nhau. Học hết trung cấp pháp lý, Nguyên ở nhà chờ xin việc. Năm 2008, đại diện công ty XKLĐ về tuyển dụng lao động đi làm việc ở Libya.

Đại diện tuyển dụng của công ty cho biết, mức lương làm việc tại Libya là 10 triệu đồng/tháng. Chi phí xuất cảnh là 30 triệu đồng, nếu đồng ý đi, công ty hỗ trợ thủ tục vay ngân hàng 100%. Nguyên tính toán, nếu chăm chỉ làm việc chỉ 3 tháng sẽ trả hết nợ, sau đó sẽ dành dụm sửa lại nhà và để vốn cưới vợ, nên đăng ký tham gia.

Trước khi xuất cảnh, gia đình phải ký vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thường Xuân 30 triệu đồng. Nguyên được đưa xuống TP.Thanh Hóa học tiếng Anh ít ngày, rồi chuyển ra Hà Nội để sang Libya làm việc. Tuy nhiên, đúng lúc bên Libya xảy ra chiến sự, Nguyên không thể đi được. Nguyên xuống trụ sở công ty ở TP.Thanh Hóa yêu cầu trả lại tiền, nhưng công ty khất lần rồi không trả.

Bỗng dưng mang món nợ từ trên trời rơi xuống, gia đình bà Ty phải tìm mọi cách để trả nợ. Dù mẹ già ốm yếu, Nguyên cũng phải chia tay mẹ để ra Hà Nội tìm việc làm trả nợ. Lương công nhân của Nguyên mỗi tháng được gần 4 triệu đồng. Trừ hết chi phí sinh hoạt, mỗi tháng cũng chỉ dư được 500 ngàn đồng, dành dụm về để trả nợ. “Dù 30 tuổi, nó cũng không dám cưới vợ vì chưa trả hết nợ”, bà Ty nghẹn ngào.

Gần hết hạn, ngân hàng thúc giục, dọa sẽ thu nhà. Bà Ty đành bán hết lúa non, rồi trong nhà có tài sản gì giá trị cũng bán hết nhưng mới được non nửa. Cực chẳng đã, bà phải vay nóng lãi ngày hơn chục triệu đồng để trả nợ ngân hàng. Mãi tới tháng 6.2013, sau gần 5 năm vay vốn đi XKLĐ, gia đình bà mới trả hết nợ. “Không dưng mắc nợ 40 triệu đồng. Từ giờ chúng tôi xin kiếu, không còn dám đi XKLĐ nữa”, bà Ty than thở.

Bỏ làng đi biệt xứ

Ở Ngọc Phụng, cùng đi XKLĐ với Nguyên còn có 4 người nữa. Tuy nhiên, không có ai làm hết hợp đồng, cũng không có ai mang được tiền về mà mang nợ về nhà. Xấu hổ với gia đình, bạn bè, một số lao động đã phải bỏ nhà đi biệt xứ.

Hơn 12h trưa, chúng tôi tới thăm gia đình lao động Lê Duy Quang. Lúc này, có mình bà Chính - mẹ Quang một mình một mâm. Bữa cơm đạm bạc, chỉ có bát nước mắm, đĩa rau muống luộc và vài hạt lạc rang. Bà chính cho biết: “Hôm nay còn có mấy hạt lạc vì vừa thu hoạch. Những hôm trước, chỉ có cơm và mắm thôi. Cũng chỉ tại XKLĐ mà gia đình chúng tôi ra nông nỗi này đấy”.

Rồi bà kể, năm 2008, nghe những lời ngọt như mía lùi về một tương lai sán lạn nếu đi XKLĐ, lại được bạn bè khuyến khích, anh Quang đăng ký đi XKLĐ tại Malaysia. Sau khi làm thủ tục, anh được đưa xuống TP.Thanh Hóa học tiếng Anh. Trò vừa nghe cô giáo nói vừa cười, vì không ai hiểu gì.

Sau hơn 2 tháng, anh cũng nói được từ hello (xin chào) và đó là hành trang xuất ngoại của anh. Các thủ tục xuất cảnh, công ty hỗ trợ làm hết, từ hộ chiếu, visa cho đến khám sức khỏe, anh chỉ việc ký. Ngoài ra, anh còn phải ký vay ngân hàng chính sách xã hội huyện 35 triệu đồng nộp chi phí xuất cảnh.

Sang Malaysia, anh và 7 lao động khác được phân ở 1 phòng. Nhưng đồ ăn không quen, cộng với khí hậu nóng bức, ngột ngạt khiến những lao động như anh rất khó chịu. Công trường bắt đầu làm việc từ 6h sáng đến 18h, nghỉ 2 tiếng buổi trưa.

Đi muộn 5 phút thì nhắc nhở, lần 2 trở lên thì bị phạt khoảng 100.000 đồng. Với những lao động vốn xuất thân từ miền núi như anh, ở nhà thích thì làm, thích thì nghỉ, không quen gò bó. Khi vào môi trường công nghiệp, anh đi làm muộn thường xuyên. Tháng đầu tiên anh bị phạt tới 5 lần. Buồn, chán, mấy anh em lại tụ tập uống rượu. Rượu do những người Việt đi trước mang đến tận phòng bán. Nhiều lần bị chủ bắt gặp, nói với vẻ bực tức. Không những thế, mọi chi phí sinh hoạt đều bị trừ vào lương, trừ hết các khoản, mỗi tháng cũng chẳng còn được bao nhiêu nên anh bỏ về.

Khoản nợ 35 triệu đồng treo lơ lửng trên đầu buộc anh phải trả. Quang bèn vào miền Nam tìm việc. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, số tiền kiếm được chỉ đủ chi tiêu. Dù ngày bố mất, Quang cũng không có tiền về thắp cho bố nén hương. Ở nhà, mình bà Chính phải lo trả nợ cho ngân hàng. Bị đòi riết quá, bà phải bán con nghé mới nuôi được 6 tháng mà nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo theo theo phương thức 50/50 (lúc đó nhà nước hỗ trợ 5 triệu, gia đình bà bỏ 5 triệu) được 15 triệu đồng. Đồng thời, bà phải vay 20 triệu đồng ưu đãi dành cho hộ nghèo để trả nợ XKLĐ.

Món nợ XKLĐ đã tạm ổn, giờ bà phải lo trả nốt 20 triệu đồng vay ưu đãi. Trong khi đó, thu nhập của gia đình bà chỉ trông vào 3 sào ruộng, trừ chi phí cũng chỉ đủ ăn, trong khi Quang vẫn biệt tăm. Bà đã nghĩ đến phương án bán nhà để trả nợ. Nhưng rồi bà phân vân, nếu bán nhà thì bà sẽ ở đâu, rồi khi Quang có vợ con thì ở đâu nữa? Những câu hỏi ấy làm bà áy náy lắm. “Nếu không đi XKLĐ thì gia đình tôi không lâm vào nợ nần”, bà Chính ngậm ngùi.

Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam mới đưa được gần 8.000 lao động ở khu vực miền núi đi XKLĐ theo Đề án 71, nhưng có tới 60% số lao động phải về nước trước thời hạn. Nguyên nhân do những người lao động trước quen sống tự do, nay phải tuân theo giờ giấc, nhiều người không chịu được. Nhiều lao động vẫn giữ thói quen uống rượu, đánh nhau nên chủ không hài lòng. Nhiều người lấy lương xong là cờ bạc, rượu chè chỉ được vài ngày, nên chán nản và bỏ về nước. Về phía cơ quan chức năng, khi làm chính sách đã không tính tới yếu tố lao động người dân tộc có trình độ văn hóa thấp, tay nghề thấp, ngoại ngữ, tập quán.

Đồng thời, cũng chưa kiểm soát được hết các doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/thanh-hoa-nguoi-lao-dong-xuat-khau-dam-dia-trong-no-198010.bld