Thanh Hóa: Nhiều bất thường trong Dự án xây dựng nhà máy nước hồ Quế Sơn

Để phục vụ cấp nước cho khu vực phía Đông Nam Khu kinh tế Nghi Sơn, hiện nay đã có nhà máy của Cty TNHH Xây dựng và sản xuất VLXD Bình Minh (Cty Bình Minh) với công suất hiện có 30.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa lại tiếp tục cho xây dựng thêm nhà máy nước tại hồ Quế Sơn, dẫn đến năng lực cấp nước dư thừa và hậu quả để lại có thể sẽ rất lớn.

Cấp phép “thần tốc”

Với lý do khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án công nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn và đặc biệt là Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nhà máy nước sạch tại khu vực hồ Quế Sơn.

Chủ trương xây dựng nhà máy này đã được thông qua nhanh chóng một cách bất ngờ. Ngày 24/5/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa mới nghe chủ đầu tư báo cáo về Dự án, ngày 6/6/2016, chủ đầu tư là Liên danh Tổng Cty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát và Cty TNHH MTV Sông Chu (Liên danh Anh Phát – Sông Chu) có văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư thì đến ngày 10/6, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án. Việc cấp phép “thần tốc” chỉ trong 4 ngày cho một dự án có vốn đầu tư lên tới hơn 1.000 tỷ đồng khiến dư luận đặt vấn đề: có phải địa phương đã bỏ qua các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục quy định tại Điều 33 của Luật Đầu tư, đồng thời đặt dấu hỏi về sự minh bạch của dự án này.

Dự án đầu tư giai đoạn 2 nhà máy nước sạch của Công ty Bình Minh với quy mô đầu tư trên 500 tỷ đồng.

Hơn nữa, việc chấp thuận đầu tư Dự án nhà máy nước hồ Quế Sơn đã phá vỡ quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1364/QĐ-TTg ngày 10/10/2007. Theo quy hoạch, việc cấp nước cho khu vực Đông Nam Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2025 không có nhà máy cấp nước đặt tại hồ Quế Sơn; tại khu vực này chỉ có nhà máy nước của Cty Bình Minh với công suất 90.000 m3/ngày đêm cung cấp nước cho Khu kinh tế.

Mặc dù không có trong quy hoạch, chưa được cấp phép đầu tư xây dựng, nhưng Dự án nhà máy nước hồ Quế Sơn vẫn được khởi công xây dựng từ tháng 6/2016 và chủ đầu tư hứa sẽ hoàn thành vào tháng 12/2016. Sau đó, thời hạn hoàn thành lại được chủ đầu tư kéo dài, với cam kết đến 1/4/2017 sẽ cung cấp nước. Tuy nhiên, tất cả những mốc thời gian đó đã qua nhưng dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Theo một số người am hiểu chuyên môn về đầu tư xây dựng, nhanh nhất cũng phải 5- 6 tháng nữa nhà máy này mới có thể cấp nước.

Có “lợi ích nhóm”?

Trong khi nhà máy còn chưa rõ hình hài thì Liên danh Anh Phát – Sông Chu lại được tỉnh Thanh Hóa ưu ái một cách khó hiểu. Nhà máy vẫn trong giai đoạn xây dựng, chưa có sản phẩm, chưa rõ chất lượng nước có đạt tiêu chuẩn hay không nhưng tỉnh Thanh Hóa đã hai lần có văn bản thúc ép Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn sớm thương thảo, ký hợp đồng cung cấp nước với Liên danh Anh Phát – Sông Chu. Kỳ lạ hơn, văn bản này còn ra điều kiện rằng: “Nếu NSRP LLC (Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn) không giải quyết được các vấn đề nêu trên, tỉnh Thanh Hóa sẽ không đủ cơ sở để khẳng định sẽ cung cấp nước, đáp ứng yêu cầu cung cấp nước cho dự án NSRP”.

Nhà máy nước giai đoạn 2 đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị cấp nước.

Tiếp đó, Liên danh Anh Phát – Sông Chu lại được tỉnh Thanh Hóa cho phép làm chủ đầu tư xây dựng tuyến dẫn nước thô 90.000 m3/ngày đêm, dẫn nước từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa mà không qua đấu thầu. Liên quan đến dự án này, dư luận cũng hết sức băn khoăn khi hồ Đồng Chùa, nơi đặt nhà máy của Cty Bình Minh chỉ được cấp 30.000 m3, còn 60.000 m3 sẽ cấp cho hồ Quế Sơn, nơi đặt nhà máy của Liên danh Anh Phát- Sông Chu. Trả lời báo chí, Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho rằng Cty TNHH MTV Sông Chu được giao thực hiện dự án nhà máy nước hồ Quế Sơn là doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên lại lờ đi rằng, phần vốn của Sông Chu trong liên danh chỉ chiếm chưa đến 5%.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 26/8/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đưa ra lý do là Khu kinh tế Nghi Sơn được mở rộng từ 18.000 ha lên 106.000 ha nên quyết định chủ trương đầu tư nhà máy nước số 2 tại hồ Quế Sơn là hợp lý. Tuy nhiên, thực tế là Khu kinh tế Nghi Sơn được mở rộng về phía Bắc và phía Tây chứ không được mở rộng về phía Đông, phía Nam, do đó nếu tỉnh Thanh Hóa cho đầu tư nhà máy nước tại khu vực phía Tây và phía Bắc thì hợp lý bởi khu vực này còn thiếu hụt nguồn cung. Cũng vì lẽ đó, quy hoạch năm 2007 đã tính đến việc đáp ứng nhu cầu về nước cho Khu kinh tế sau năm 2015, đó là sẽ đầu tư xây dựng nhà máy nước tại hồ Kim Giao, công suất 50.000m3/ngày đêm phục vụ khu vực phía Tây quốc lộ 1A. Nhưng tỉnh Thanh Hóa đã không cho xây dựng nhà máy nước ở hồ Kim Giao (cách nhà máy của Cty Bình Minh khoảng 15 km) mà lại cho xây dựng nhà máy tại hồ Quế Sơn, chỉ cách nhà máy của Cty Bình Minh khoảng 4 km. Trong khi đó, Cty Bình Minh đang thực hiện dự án theo quy hoạch đã được duyệt, công suất cấp nước sẽ được nâng lên 90.000 m3/ngày đêm vào cuối năm 2017.

Cty Bình Minh đã đầu tư nhà máy nước tại hồ Đồng Chùa đi vào hoạt động từ năm 2011, công suất thiết kế 30.000 m3/ngày đêm.

Việc “dự án chồng dự án” gia tăng nguy cơ dư thừa năng lực cấp nước cho khu vực phía Đông Nam Khu kinh tế Nghi Sơn đã hiển hiện. Cty Bình Minh đã đầu tư nhà máy nước tại hồ Đồng Chùa từ gần 10 năm nay với tổng nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ khó khăn, thua lỗ khi thị phần bị chia sẻ, nguồn cấp nước thô bị thiếu hụt.

Ông Tào Quốc Tuấn, Giám đốc Cty Bình Minh cho biết, hiện nay Bình Minh vẫn đang cung cấp nước bình thường, đạt các tiêu chuẩn chất lượng cho các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Với việc nâng công suất lên 90.000 m3/ngày đêm, Bình Minh vẫn đảm bảo cung ứng đủ nước cho Khu kinh tế theo quy hoạch đã được duyệt. Tuy nhiên, việc xây dựng thêm nhà máy nước tại hồ Quế Sơn dẫn đến nguồn cung nước cho khu vực bị thừa, tạo ra sự lãng phí vốn đầu tư, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và dự án đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng của Bình Minh sẽ bị “bức tử”.

Được biết, để hợp thức hóa nhà máy nước Hồ Quế Sơn vốn không có trong quy hoạch, ông Nguyễn Văn Thi – đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn – cho biết, Thanh Hóa đang khẩn trương làm lại quy hoạch Khu kinh tế và sẽ bổ sung nhà máy nước tại hồ Quế Sơn vào quy hoạch. Song việc bổ sung “dự án chồng dự án” bất hợp lý như trên có được duyệt hay không thì chưa ai dám chắc. Trong trường hợp việc xây dựng nhà máy nước tại hồ Quế Sơn không được các bộ ngành và Chính phủ chấp thuận thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho những hậu quả mà nó để lại?

T.Toàn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nhieu-bat-thuong-trong-du-an-xay-dung-nha-may-nuoc-ho-que-son/