Thanh Hóa: Nhiều cán bộ công đoàn giáo dục có dấu hiệu trục lợi tiền phụ cấp đứng lớp

Dù đã chuyển công tác và không còn trực tiếp dạy học từ nhiều năm, nhưng một số cán bộ thuộc công đoàn giáo dục thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa vẫn hưởng phụ cấp đứng lớp, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước trong một thời gian dài.

Từ nguồn tin của đoàn viên thuộc công đoàn giáo dục thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa, PV báo Kinh doanh và Pháp luật đã về thị xã Bỉm Sơn để nắm bắt thông tin vụ việc. Qua khảo sát thực tế và sau khi làm việc với một số cơ quan chức năng của thị xã Bỉm Sơn, bước đầu PV đã có cơ sở để nhận định, có việc một số cán bộ đoàn viên thuộc công đoàn giáo dục, đang công tác tại phòng giáo dục đào tạo thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa vẫn hưởng phụ cấp đứng lớp dù đã không còn trực tiếp dạy học từ nhiều năm nay.

Cụ thể là một số trường hợp trước đó là giáo viên của một số trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn được biệt phái về công tác tại phòng giáo dục đào tạo.

Xin nêu một vài trường hợp PV nắm bắt từ danh sách cán bộ của Công đoàn giáo dục Bỉm Sơn. Như trường hợp của cô Hoàng thị H, trước đó là giáo viên dạy tại trường Tiểu học Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, dù đã chuyển lên phòng giáo dục công tác từ nhiều năm nay hiện tại vẫn hưởng phụ cấp đứng lớp 3319660 đ/tháng (Ba triệu ba trăm mười chín nghìn đồng một tháng); cô Phạm thị H, trường mầm non Hà Lan hưởng phụ cấp đứng lớp 2170000 đ/tháng (Hai triệu một trăm bảy mươi nghìn đồng một tháng); cô Trần Thị H, trường THCS Ba Đình hưởng phụ cấp 2860000 đ/tháng (Hai triệu tám trăm sáu mươi nghìn đồng một tháng)...

Danh sách đoàn viên công đoàn giáo dục thị xã Bỉm Sơn - Thanh Hóa nhận phụ cấp đứng lớp

Theo tìm hiểu của PV, tại khoản 1 Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 của Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập quy định về phạm vi và đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo (còn gọi là phụ cấp đứng lớp) bao gồm:

- Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật);

- Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm;

- Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Như vậy, căn cứ theo quy định tại các điều luật này thì chỉ những người được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (mã số ngạch có 2 chữ số đầu của mã ngạch là 15) đang trực tiếp giảng dạy thì mới được hưởng phụ cấp đứng lớp. Trường hợp đã chuyển sang ngạch khác và không trực tiếp giảng dạy nữa sẽ không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp đứng lớp theo quy định.

Để có thông tin chính xác và đầy đủ hơn về vụ việc này PV đã liên hệ với ông Bùi Quang Trung, Chủ tich công đoàn giáo dục thị xã Bỉm Sơn, (người trực tiếp lãnh đạo, quản lý các cô giáo nêu trên và cũng là cơ quan đoàn thể được giao nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động) nhưng ông Trung viện nhiều lý do để tránh gặp PV.

Liên hệ qua điện thoại ông Trung cho biết: "sự việc này tôi cũng mới biết do anh em không báo". Khi PV hỏi khi biết sự việc ông có thông báo và tham mưu cho UBND thị xã để có hướng xử lý không, ông Trung cho biết: "UBND thị xã là cơ quan ngang cấp nên tôi không có trách nhiệm phải báo cáo, tôi đã báo cáo liên đoàn lao động cấp trên".

Tuy nhiên khi liên hệ với ông Ngô Tôn Tẫn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa và bà Tạ thị Liên, Thị ủy viên, Chủ tịch liên đoàn lao động Thị xã Bỉm Sơn thì cả 2 đồng chí đều xác nhận ông Trung không hề báo cáo về sự việc này.

Một động thái khác, khi làm việc với PV, ông Phạm Xuân Duy, Phó chủ tịch công đoàn giáo dục kiêm Trưởng phòng giáo dục thị xã Bỉm Sơn lại tỏ ra vô cùng thiếu trách nhiệm.

Ông Duy cho rằng "Phòng giáo dục chỉ biết dùng người còn chế độ chính sách là do ủy ban và phòng nội vụ, báo chí cứ việc đưa tin..."

Về phía UBND thị xã Bỉm Sơn, ông Mai Đình Lâm, Phó Chủ tịch UBND thị xã sau khi tiếp nhận thông tin từ PV đã giao một số phòng ban kiểm tra và đã thông tin ban đầu cho PV: " Sự việc PV phản ánh là có, một số trường hợp đang công tác tại phòng giáo dục trước đây là giáo viên được biệt phái về do hiệu trưởng một số trường không báo cáo kịp thời nên vẫn đang hưởng phụ cấp đứng lớp. UBND thị xã sẽ cho rà soát tất cả các trường hợp, nếu có đủ cơ sở sẽ truy thu nộp ngân sách"

PV báo Kinh doanh và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này sau khi UBND thị xã Bỉm Sơn có kết luận và hình thức xử lý chính thức về vụ việc này.

Nguồn KD&PL

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/bim-son--thanh-hoa-nhieu-can-bo-cong-doan-giao-duc-co-dau-hieu-truc-loi-tien-phu-cap-dung-lop_n26283.html