Thanh Hóa: UBND thị xã Sầm Sơn ra văn bản làm khó cho doanh nghiệp?

Khi việc tranh chấp liên quan đến khối tài sản là khách sạn Bằng Giang giữa Công ty TNHH Bằng Giang và Công ty TNHH PT Đá Đỉnh Vòm còn phụ thuộc phán quyết cuối cùng của các cấp tòa, thì UBND TX. Sầm Sơn lại “bất ngờ” ra văn bản “phân xử” vụ việc, khiến doanh nghiệp khiếu kiện.

Hợp đồng vô hiệu

Trong đơn gửi Báo Nhà báo và Công luận, ông Đào Trọng Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH Bằng Giang (Cty Bằng Giang) cho biết, ngày 3/5/2012 doanh nghiệp thỏa thuận bằng văn bản với Công ty TNHH Phát triển Đá Đỉnh Vòm (Cty Đá Đỉnh Vòm) với nội dung bán Cty Bằng Giang gồm tài sản hữu hình là Khách sạn Bằng Giang, địa chỉ phường Trường Sơn, TX Sầm Sơn (Thanh Hóa) và tài sản vô hình khác với giá 70 tỷ đồng.

Hình thức thanh toán là Cty Đá Đỉnh Vòm sẽ trả nợ thay Cty Bằng Giang hơn 47,3 tỷ đồng vay Ngân hàng Đông Nam Á theo HĐ tín dụng kí ngày 20/7/2010; thanh toán hơn 22,6 tỷ đồng cho các cá nhân có tên trong danh sách nợ đính kèm mà Cty Bằng Giang gửi. Đồng thời, Cty Bằng Giang sẽ giao GCN đăng ký kinh doanh, con dấu công ty và có trách nhiệm gửi hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh đổi tên người đại diện theo pháp luật cho bà Nguyễn Thị Giáng Hương (Giám đốc Cty Đá Đỉnh Vòm).

Tuy nhiên, sau khi kí kết hợp đồng, Cty Đá Đỉnh Vòm chỉ chuyển cho Cty Bằng Giang hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản mở tại NH Đông Nam Á theo thông báo và thanh toán hơn 3 tỷ đồng tiền nợ nhà thầu và không tiếp tục trả nợ theo thỏa thuận 2 bên. Không dừng lại ở đó, Cty Đá Đỉnh Vòm đã khởi kiện Cty Bằng Giang ra Tòa án nhân dân (TAND) quận Thanh Xuân (Hà Nội) yêu cầu hủy thỏa thuận mua bán ngày 3/5/2012 và phải trả cho Cty Đá Đỉnh Vòm số tiền hơn 23 tỷ đồng gồm số tiền thực tế đã thanh toán, tiền lãi, nâng cấp khách sạn, chi phí bảo vệ… với lí do Cty Bằng Giang có lỗi không thực hiện đúng nội dung thỏa thuận.

2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử buộc Cty Bằng Giang phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền trên cho Cty Đá Đỉnh Vòm để được nhận lại Khách sạn Bằng Giang. Cty Bằng Giang cho rằng, hai bản án trên có những nhận định cũng như viện dẫn áp dụng pháp luật không đúng, nên đã khiếu nại đề nghị được xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm.

Qua đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định:

Hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm của TAND TP Hà Nội và Bản án sơ thẩm của TAND quận Thanh Xuân về vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa nguyên đơn là Cty Đá Đỉnh Vòm và bị đơn là Cty Bằng Giang”; Giao hồ sơ cho TAND quận Thanh Xuân xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm theo quy định pháp luật, vì thấy rằng, thỏa thuận “mua công ty TNHH Bằng Giang” nêu trên giữa 2 doanh nghiệp là trái quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 nên hợp đồng ngày 3/5/2012 là vô hiệu. Do đó, phải giải quyết hậu quả của HĐ vô hiệu này. Tuy nhiên, TAND cấp sơ thẩm, phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả tiền 1,7 tỷ tiền lãi của hơn 9,5 tỷ đồng là không đúng. Ngoài ra, trước khi 2 bên ký thỏa thuận ngày 3/5/2012 thì khách sạn Bằng Giang được thế chấp để đảm bảo khoản vay cho bị đơn tại ngân hàng. Trong quá trình giải quyết vụ án, ngân hàng không có yêu cầu độc lập mà trình bày sẽ thực hiện các biện pháp đòi nợ và xử lý tài sản đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. TAND sơ thẩm và phúc thẩm tuyên Cty Đá Đỉnh Vòm có trách nhiệm bàn giao trả cho Cty Bằng Giang khách sạn Bằng Giang nhưng lại giao cho Cty Đá Đỉnh Vòm tiếp tục quản lí cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành là trái với nguyên tắc xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Văn bản làm khó doanh nghiệp?

Ngày 13/2/2017, TAND quận Thanh Xuân đã có Thông báo thụ lý lại vụ án nêu trên, đồng thời, ra văn bản số 37 ngày 23/2/2017, thông báo: Cty Đá Đỉnh Vòm tiếp tục quản lý khách sạn Bằng Giang; nghiêm cấm mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê, cơi nới, cải tạo… dưới mọi hình thức.

Cty Bằng Giang cho rằng nội dung Thông báo của TAND quận Thanh Xuân giống như một quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đi ngược với những nhận định và quyết định của Bản án Giám đốc thẩm, có sự bao che, lách luật… Bởi vậy, doanh nghiệp đã có đơn đề nghị Chánh án TAND quận Thanh Xuân được thay đổi Thẩm phán (đơn ngày 1/3/2017).

Khi “mớ bòng bong” còn chưa được tháo dỡ, Cty Bằng Giang tiếp tục nhận được văn bản số 777 của UBND Thị xã Sầm Sơn (ngày 29/3/2017) do ông Lê Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND TX ký với nội dung: Từ ngày 29/3/2017 đến 3/4/2017, đại diện giám đốc 2 công ty tự thỏa thuận việc sử dụng khách sạn. Nếu 2 bên không tự thỏa thuận được thì giao Chủ tịch UBND phường Trường Sơn chủ trì phối hợp với Công an Thị xã ra thông báo cho 2 công ty và các cơ quan có liên quan biết sẽ bàn giao Khách sạn Bằng Giang theo thông báo của TAND quận Thanh Xuân, thời gian xong trước 7/4/2017. Khi bàn giao khách sạn phải tháo gỡ các biển hiệu và nghiêm cấm hoạt động kinh doanh tại đây – văn bản nêu.

Cũng chính lý do trên, Cty Bằng Giang đã có Đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Chủ nhiệm UBKT TW Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và nhiều cơ quan, ban ngành của tỉnh, đề nghị UBND TX Sầm Sơn không can thiệp sâu vào công việc của TAND đang thụ lý, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành pháp.

Ghi nhận thông tin phản ánh của phóng viên theo nội dung đơn của Cty Bằng Giang, ông Phạm Văn Tuấn, Phó chủ tịch TX Sầm Sơn cho biết: Sẽ báo cáo lại sự việc với Chủ tịch UBND Thị xã để xem xét lại và có văn bản trả lời báo chí.

Ông Mai Xuân Liêm, Bí thư TX Sầm Sơn cho biết: Tôi đã nhận được văn bản báo cáo của UBND Thị xã và Đơn kêu cứu khẩn cấp của Cty Bằng Giang. “Với trách nhiệm đứng đầu cấp ủy, tôi sẽ có ý kiến đề nghị UBND TX xem xét, giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật”.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Báo Nhà báo và Công luận xin chuyển nội dung trên đến cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xem xét, giải quyết và phản hồi để Báo có cơ sở trả lời bạn đọc.

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ubnd-thi-xa-sam-son-ra-van-ban-lam-kho-cho-doanh-nghiep/