Thanh khoản giảm và khối ngoại bán ròng: Áp lực lớn lên thị trường

Thị trường chứng khoán đang đối diện với những áp lực lớn, đan xen trong đó vẫn có những động lực giúp thị trường đi lên.

Phiên hôm nay, mặc dù các chỉ số chứng khoán tăng điểm, nhưng thanh khoản sụt giảm, thị trường giao dịch khá ảm đạm.

Cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân chính giúp VN-Index tăng điểm. Trong rổ VN30 có 13 mã tăng giá, trong khi chỉ có 11 mã giảm giá và 6 mã đứng giá. Các mã tăng mạnh đáng chú ý như BCM tăng 3,91%, MWG tăng 3,09%, VIC tăng 2,33%, VIB tăng 1,87%, VNM tăng 1,06%...

Các nhóm cổ phiếu bán lẻ, cao su, hóa chất, nhựa, công nghệ thông tin, chế biến thủy sản, bất động sản diễn biến khá tích cực, tạo lực nâng cho thị trường chung.

Thanh khoản giảm và khối ngoại bán ròng, chứng khoán vẫn đối diện áp lực lớn. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Thanh khoản giảm và khối ngoại bán ròng, chứng khoán vẫn đối diện áp lực lớn. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Trong khi đó, cá mã vốn hóa lớn trong nhóm cổ phiếu ngân hàng BID, VCB và TCB giảm giá tạo áp lực rất lớn lên chỉ số.

Chốt phiên giao dịch ngày 14/5, VN-Index tăng 3,1 điểm lên 1.243,18 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 640,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 15,613,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 226 mã tăng giá, 201 mã giảm giá và 79 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,59 điểm lên 236,95 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 87,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.562 tỷ đồng. Toàn sàn có 89 mã tăng giá, 78 mã giảm giá và 68 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,14 điểm lên 91,62 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 46,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 570,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 148 mã tăng giá, 120 mã giảm giá và 89 mã đứng giá.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh phiên thứ 5 liên tiếp với 855 tỷ đồng. Cụ thể, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 801 tỷ đồng trên HOSE; 12 tỷ đồng trên HNX; 42 tỷ đồng trên UPCOM.

Thực tế, thị trường chứng khoán đang phải đối diện với những khó khăn. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect), mặc dù lạm phát chỉ tăng nhẹ trong tháng 4 so với tháng trước, đà tăng mạnh của giá lợn hơi, cùng với mức tăng trên cơ sở hàng tháng thấp của cùng kỳ năm ngoái là yếu tố “khuếch đại” thêm mức tăng lạm phát so với cùng kỳ

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI Việt Nam tăng 0,07% so với tháng trước chủ yếu do giá xăng dầu trong nước và giá các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dược phẩm tăng. CPI lũy kế 12 tháng tăng 4,4%, vẫn trong mục tiêu kiểm soát 4-4,5% đặt ra đầu năm 2024, nhưng đã rất sát mức cận trên.

Áp lực lớn còn đến từ tỷ giá USD/VND. Căng thẳng địa chính trị cùng với dữ liệu tăng trưởng tốt hơn dự báo gần đây của Mỹ khiến chỉ số đồng Dollar (DXY) tăng cao. Tính đến ngày 13/5, tỷ giá USD/VND đã tăng tới 4,9% so với đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động can thiệp cụ thể nhằm chặn đà mất giá của tiền đồng. Cụ thể là Ngân hàng Nhà nước công bố bán USD cho các ngân hàng thương mại đang có “tình trạng ngoại tệ âm” ở mức 25.450 đồng nhằm bình ổn thị trường.

Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức đấu giá vàng nhằm tăng nguồn cung vàng SJC và thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Mặc dù vậy, biện pháp này chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.

Lãi suất huy động có dấu hiệu tạo đáy và tăng trở lại cũng là một áp lực cho thị trường chứng khoán. Tính đến cuối tháng 4, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại tư nhân dao động quanh mốc hơn 4,61%/năm, tăng 0,05 điểm % so với cuối tháng 3.

VNDIRECT cho rằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy, nhưng khó có khả năng tăng mạnh trở lại ngay, ít nhất trong quý tới do nền kinh tế và tăng trưởng tín dụng mới phục hồi ở tốc độ vừa phải.

Công ty chứng khoán này cho rằng, ở mặt tích cực, xu hướng cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2024 sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán (P/E dự phóng của VN-Index cho năm 2024 ở mức 11,9 lần).

Ngoài ra, định giá của VN-Index được coi là khá hợp lý nếu so với các thị trường mới nổi khi xét trên tỷ lệ P/E và tương đối rẻ khi xét trên tỷ lệ P/B. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi của lợi nhuận sẽ giúp cải thiện định giá thị trường.

Rủi ro giảm điểm đã hạ nhiệt khi các doanh nghiệp niêm yết trên sàn ghi nhận kết quả kinh doanh phục hồi trong quý I/2024 và bài phát biểu “ôn hòa” về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) góp phần làm hạ nhiệt áp lực tỷ giá trong nước, VNDirect nhận định.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thanh-khoan-giam-va-khoi-ngoai-ban-rong-ap-luc-lon-len-thi-truong/333067.html