Thành nhà Hồ - bao giờ mới mới xứng tầm di sản thế giới?

Cổng Thành nhà Hồ

Vùng đất của di sản, thắng cảnh

Vĩnh Lộc là huyện đồng bằng, cách thành phố Thanh Hóa 45km về phía tây bắc, từng là kinh đô của nước Đại Ngu dưới vương triều Hồ, nơi phát tích 12 đời chúa Trịnh. Là vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, cùng với Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ, tính đến năm 2016, huyện đã có 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 50 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Dãy núi Xuân Đài có thể là đẹp nhất trong các núi đá ở Việt Nam. Dưới chân núi Xuân Đài có di tích Động - Chùa Thông đã được xếp hạng di tích quốc gia, bia Phùng Khắc Khoan độc nhất ở Việt Nam cao 2,5m, cả 4 mặt đều là văn bia chữ Hán...

Các di tích vệ tinh liên quan đến việc xây thành, việc tổ chức tế trời, cuộc chiến chống quân Chiêm Thành, đến việc đoạt ngôi (từ Trần sang Hồ...) như đền Bình Khương thờ người con gái đã đập đầu vào đá lấy cái chết để minh oan cho chồng là Cống Sinh Trần Công Sỹ được đảm trách xây thành cửa Đông. Gần đền Bình Khương có di tích đình Đông Môn có kiến trúc độc đáo với những mảng chạm khắc tứ linh, tứ quý rất tinh xảo. Xung quanh thành đá là núi Dục Tượng, Eo Vần, Tứ Linh, hang Nàng nơi vua Trần Thiếu Đế bị giam, hồ Mỹ Đàm do binh lính nhà Hồ đào từ phía tây thành chạy suốt làng Mỹ Xuyên ngày nay.

Bên cạnh đó là đền Trần Khát Chân - nơi thờ Trần Khát Chân và sáu vị tướng (Phạm Ông Thiên, Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm Ngưu Tất, Phạm Khả Vĩnh, Trụ Quốc Trần Nhật Đôn) đã bị nhà Hồ hành quyết ngày 24/4 năm Kỷ Mão (1399).

Trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc còn rất nhiều di tích lịch sử thời Chúa Trịnh như: Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, đền thờ quốc công Hoàng Đình Ái, quận công Hoàng Đình Phùng, Đường Công Lê Quang Lộc, lăng mộ Triết Vương Trịnh Tùng, Chùa - Phủ Báo Ân.

Mô hình tổng thế Thành nhà Hồ và vùng phụ cận

Thành nhà Hồ - sức hút cho phát triển du lịch di sản

Cách đây 5 năm, vào ngày 27.6.2011, Thành nhà Hồ được Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) ghi vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là di sản văn hóa thứ 5 của Việt Nam trở thành di sản của nhân loại.

Năm 2011 trở thành dấu mốc quan trọng đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt quan trọng này, sau 50 năm kể từ ngày Thành nhà Hồ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia đợt đầu tiên của cả nước (năm 1962).

Một tháng sau ngày di sản được công nhận (tháng 7.2011), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã phát hiện và nghiên cứu công trường khai thác đá cổ An Tôn. Qua kết quả khai quật, các nhà khoa học khẳng định núi An Tôn (xã Vĩnh Yên) chính là công trường khai thác nguyên liệu đá xây dựng kinh thành Tây Đô. Đây là đáp án cho câu hỏi khuyến nghị trước đó của UNESCO và các chuyên gia quốc tế đối với Việt Nam về việc nghiên cứu nguồn đá nào đã cung cấp xây dựng Thành nhà Hồ. Tiếp sau công trường An Tôn, hàng loạt các công trường khai thác đá cổ khác đã được phát hiện như núi Xuân Đài, núi Nhà Rồng, núi Tiến Sĩ (xã Vĩnh Ninh), huyện Vĩnh Lộc.

Trong các năm 2015 - 2016, di tích hào thành phía Nam và hào thành phía Bắc được khai quật, nghiên cứu với diện tích 5000m 2 . Di vật thu được trong địa tầng khai quật như các loại đục sắt, các khối đá đang trong quá trình hoàn thiện, các mảnh dăm cổ đã minh chứng cho sự tồn tại một đại công trường tập kết, chế tác, tu chỉnh đá dưới chân tường thành với diện tích ước khoảng 180.000m 2 .

Tháng 5.2016, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã cùng với chuyên gia nghiên cứu bảo tồn quốc tế Vũ Nam Sơn - quốc tịch Thụy Sĩ, khảo sát phát hiện được 24 dấu tích kỹ thuật (các rãnh đục) còn lưu trên các phiến đá xây tường thành với kích thước khác nhau. Đó là những dấu tích của kỹ thuật khai thác và chế tác đá thời Hồ còn lưu dấu trên chính những khối đá lớn trên tường thành.

Hiện vật được khai quật trong năm 2015

Để thực thi cam kết của tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu toàn diện di sản, một đề án nghiên cứu khai quật khảo cổ học chiến lược giai đoạn 2013 - 2020 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt với diện tích khai quật 56.000m 2 , trong đó có các hạng mục: Hào thành, chính điện, đường hoàng gia, các cổng thành. Đây là một trong những kế hoạch nghiên cứu khảo cổ quy mô lớn không chỉ ở Thanh Hóa nói riêng mà còn ở Việt Nam nói chung.

Ngày 12.9.2016, ông Phạm Đăng Quyền- PCT tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3480/QĐ-UBND, về PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG HUYỆN VĨNH LỘC, TỈNH THANH HÓA, trong đó nêu rõ quan điểm: "Phát triển du lịch gắn liền với chuyển dịch kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng dân cư địa phương đồng thời phải tuân thủ quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 12.8.2015 của Thủ tướng Chính phủ".

Mục tiêu là đến năm 2020 thu hút được 8.000 lượt khách du lịch quốc tế, 216.000 lượt khách du lịch nội địa; năm 2025 thu hút được 13.500 lượt khách du lịch quốc tế, 383.600 lượt khách nội địa; năm 2030 thu hút được 20.000 lượt khách du lịch quốc tế, 640.000 lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ hoạt động du lịch: Năm 2020 đạt 106,4 tỷ đồng; năm 2025 đạt 242,2 tỷ đồng; năm 2030 đạt 494,4 tỷ đồng.

Khát nhà đầu tư tầm cỡ

Rõ ràng những gì thiên nhiên và lịch sử đã ban tặng cho huyện Vĩnh Lộc là không thể tuyệt vời hơn. Nhưng làm thế nào để biến nó trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước là điều mà Vĩnh Lộc đang loay hoay tìm lời giải.

Ông Nguyễn Đức Hà - Chủ tịch xã Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc) mong muốn: "Người dân lao động trong vùng đất lõi của Thành nhà Hồ không còn thiết tha với trồng lúa, màu nữa, họ mong Nhà nước có những chính sách, quy hoạch kết hợp di tích với sản xuất (như trồng sen, trồng hoa..) hoặc thu hồi đất canh tác để phục vụ cho nghiên cứu, khảo cổ."

Đồng quan điểm, ông Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết: "Từ năm 2011 đến nay, trung tâm đón được gân 1 triệu lượt khách, con số đó chưa tương xứng với tiềm năng du lịch, một phần là hệ thống ăn nghỉ, dịch vụ phục vụ du lịch chưa được đầu tư, và cũng khát nhà đầu tư tầm cỡ nên chưa thu hút được đông khách".

Để di sản quý giá về mặt lịch sử văn hóa này đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương cần phải có sự vào cuộc, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan ban ngành và toàn thể nhân dân. Hy vọng trong tương lai không xa chúng ta sẽ tự hào về một di sản thế giới Thành nhà Hồ là trung tâm du lịch của cả nước, là một biểu tượng văn hóa - du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

Hoàng Đức

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/thanh-nha-ho-bao-gio-moi-moi-xung-tam-di-san-the-gioi-621240.bld