Thanh niên… 80 tuổi

Rất khó để nói cụ thể ông Hoàng Hải nghề gì là chính. Trong tay ông có cả đống nghề. Gọi ông là gì, là họa sĩ, là nhà báo, là nhạc sĩ hay nhà kiến trúc phong cảnh?

Rất khó để nói cụ thể ông Hoàng Hải nghề gì là chính. Trong tay ông có cả đống nghề. Gọi ông là gì, là họa sĩ, là nhà báo, là nhạc sĩ hay nhà kiến trúc phong cảnh? Cảm giác ở ông gọi sao cũng được vì thảy đều tinh thông các nghề mà ông đeo đuổi. Chẳng thế, trên đài truyền hình Việt Nam từng phát một chương trình Cây cao bóng cả khắc họa chân dung ông với cái tên Đống nghề vẫn sống, như nhại lại câu xưa: Một nghề thì sống, đống nghề thì chết.

Hoàng Hải vào đời bằng nghề báo. Ông theo học Lớp Báo chí Trung ương khóa đầu tiên do Ban Tuyên huấn Trung ương tổ chức tại Hà Nội vào năm 1960. Cùng lớp báo chí ngày ấy nhiều người có khả năng thơ, văn. Cá biệt có người còn ít tuổi nhưng đã có tác phẩm như Hoàng Quốc Hải, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Xuân Quý, Bùi Bình Thi... Tốt nghiệp ra trường vào đầu năm 1961, ông được phân công về Tạp chí Dân tộc thuộc Ủy ban Dân tộc Trung ương. Ngày ấy ông đã là một trong những cây bút chủ lực của tạp chí. Ngoài việc viết bút ký, phóng sự, biên tập... theo yêu cầu của báo, ông còn luôn được phân công đi theo những đồng chí lão thành cách mạng người dân tộc thiểu số có thời gian trực tiếp giúp việc cho Bác Hồ, để ghi lại hồi ức của họ rồi đăng trên báo và in vào sách. Tại Thư viện Quốc gia hiện còn lưu giữ tập hồi ký Một lòng theo Bác trong đó có nhiều bài viết của ông.

Thời gian công tác ở Tạp chí Dân tộc, ông thường xuyên phải đi về các địa phương, nhất là vùng dân tộc và miền núi, nên con người, cuộc sống và phong cảnh nơi đây quyến rũ ông, buộc ông luôn mang theo bên mình những tờ giấy trắng và bút vẽ để ghi chép, ký họa sau đó dựng tranh. Hoàng Hải đã theo học Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu từ đầu những năm 70. Tranh ông bán được, nhất là cho những khách nước ngoài. Họa sĩ Trần Huy Oánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từng nhận xét về học trò lớn tuổi này: Họa sĩ Hoàng Hải có khả năng thẩm mỹ cao, tranh thường có bố cục chặt chẽ. Với con mắt của một họa sĩ, Hoàng Hải còn đi sâu vào trang trí điêu khắc phong cảnh, mày mò tạo dựng những khoảng không gian mỹ thuật, bố cục trong gia đình hoặc những nơi có không gian thoáng rộng, hoành tráng. Ông được coi là họa sĩ đầu tiên đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa hội họa, điêu khắc và kiến trúc để dựng nên các tác phẩm nghệ thuật. Không ngờ trong lĩnh vực này ông được nhiều người biết tới và ông nổi tiếng, rất nhiều gia đình và các công ty, thậm chí có cả đơn vị nhà nước còn mời ông. Một trong những công trình đáng kể nhất của ông là công trình Rùa thần dâng gươm được thực hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Hoàng Hải còn được mời sang Lào để thực hiện một công trình tại Savanakhet. Bà con Nam Định, nhất là những hộ dân quanh chợ Rồng bây giờ vẫn nhắc về ông. Hóa ra ông chính là người đã thiết kế công trình điêu khắc đôi rồng ở đầu chợ, nơi hàng ngày ra vào vẫn thấy.

Chợ Rồng Nam Định.

Bận rộn với các công việc trên, nhưng Hoàng Hải lại rất yêu âm nhạc. Từ nhỏ ông đã tự chơi đàn ghi ta và đã sáng tác ca khúc. Ông đam mê âm nhạc, mặc dù công việc này không đem lại cho ông tiền bạc như hội họa hay kiến trúc phong cảnh. Quan trọng âm nhạc giúp ông thư giãn, một cứu cánh cần thiết sau những lúc căng thẳng trong tâm lý hay do áp lực công việc. Cao tuổi rồi nhưng bây giờ mỗi khi đi đâu xa ông vẫn mang theo bên mình cây đàn ghi ta làm bạn. Tưởng âm nhạc chỉ là tay trái nhưng ông quá mê say nên đã dành rất nhiều thời gian, sức lực cho nó. Tới nay gia tài ca khúc của ông lên tới cả trăm bài. Nhiều bài hát của ông được các ca sĩ tên tuổi biểu diễn như bài Bông hồng trắng Ngọc Hà, Mảnh vỡ, Khoảng trống, Bình yên… Ông đã có cho cho riêng mình 5, 6 đĩa nhạc. Vào những buổi sinh hoạt chuyên môn tại Hội Âm nhạc Hà Nội, ông thường tự trình bày các ca khúc của mình, còn khi thu băng đĩa thì mời danh ca. Hoàng Hải còn được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác thuộc Hội Nhạc sĩ Hà Nội. Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nhận xét về đồng nghiệp: Nhạc sĩ Hoàng Hải viết về rất nhiều đề tài, trong đó chú ý hơn cả là đề tài về Hà Nội, nhiều bài có giá trị.

Hoàng Hải năm nay đã vào tuổi 80, người vào tuổi ông dễ lụ khụ, chậm chạp nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, thân hình quắc thước, đôi tay rắn chắc, tác phong nhanh nhẹn do trong công việc ông thường xuyên phải trực tiếp dùng dùi, búa nặng để đục đẽo, cả những khối đá lớn mà người không đủ sức rất khó thực hiện. Ông xác định nghề nghiệp không cho phép ông chỉ mãi một chỗ mà phải luôn xê dịch. Đi đâu gần thì ông đi bộ, bảo vận động vậy cho khỏe, còn đi xa thì chủ yếu bằng xe máy. Cách đây ít lâu, bạn của chúng tôi, một nhà thơ nữ ở Nam Định không may qua đời vì bệnh tim. Khi chị mất, chúng tôi biết tin chậm không có mặt nên 49 ngày bạn, tôi đi xe khách còn ông phóng xe máy. Xong công việc ông rủ tôi cùng về xe máy với ông. Tôi lấy lý do không có mũ bảo hiểm. nhưng thật ra xe máy đường dài những cả trăm cây số, tôi sợ mệt, lại sợ cả bụi dọc đường, mà cái chính người điều khiển xe là ông, già cả thế rồi. Nên, rồi tôi mua vé ôtô. Khi xe tôi chuyển bánh thì ông mới phóng xe máy theo. Tôi thấy ông cũng là người cẩn thận. Khẩu trang, mũ bảo hiểm, loại “nồi cơm điện”, kính râm bảo hiểm đôi mắt chu đáo. Ban đầu ngồi trên xe nhìn ra, vẫn thấy ông bám theo một quãng cách. Nhưng rồi trên đường quốc lộ, xe cộ qua lại quá nhiều, tôi không thấy ông nữa. Khi về tới đường Giải Phóng, đúng chỗ hẹn tôi xuống xe chờ ông vì nghĩ ông không thể nhanh hơn, nhưng bất ngờ, đến nơi đã thấy ông chờ sẵn. Tôi phục, ca ngợi ông tay lái lụa, nhưng ông bảo, nhằm nhò gì, mấy chục cây số. Tận mắt qua lần ấy tôi nể ông. Không ai nghĩ, một người ở tuổi ông mà lái xe máy còn ngon lành đến vậy. Ông cho biết, xe máy đi xa quen rồi, trăm cây số ngày là chuyện bình thường. Và hiện nay ông vẫn thường xuyên đi các tỉnh, lúc về Yên Bái thăm họ hàng, khi đi Hòa Bình, Hải Phòng... lúc sang Nam Định, Thái Bình... để vẽ, để viết nhạc hay thực hiện hợp đồng công việc điêu khắc. Nếu không có xe ôtô đưa đón thì phương tiện cũng chỉ bằng xe máy.

Ngay cả những ngày này muốn gặp ông cũng không phải dễ, vì ông bận mải nhiều công việc. Muốn cà phê, trà lá với ông cũng phải nói trước để ông sắp xếp. Thế mà cũng có hôm đang nhâm nhi thì có điện thoại đột xuất khiến ông xin lỗi nói phải đi ngay.

Nhiều lần lấy tình thân bạn bè tôi nói với ông, làm cả đời rồi, tuổi già nghỉ ngơi đi cho khỏe. Nhưng ông quan niệm, nếu ngồi một chỗ không làm gì có khi lại ốm ngay. Vả lại, người ta còn cần mình, hay mình còn thấy hứng thú với công việc thì vẫn nên làm. Khi làm việc, vừa giúp bản thân vừa có thêm tiền giúp vợ đau yếu luôn. Ông tự hào, là người biết lắng nghe cơ thể mình, có dấu hiệu gì khác là biết để đi khám bệnh ngay. Ông tâm sự, cơ địa mình được trời cho, may mắn là đến bây giờ vẫn không thấy đau yếu gì. Vậy nên còn sức khỏe thì mình còn tranh thủ làm việc. Ông tự hào: Có lẽ nhờ công việc và làm việc một cách khoa học, hài hòa, cân bằng giữa lao động chân tay, cơ bắp và lao động đầu óc nên mình khỏe ra đấy.

Sức khỏe và cường độ làm việc của Hoàng Hải từng khiến nhiều bạn bè rất nể. Với tôi, quen biết rồi thân thiết với ông tới nay cũng đã hơn nửa thế kỷ, vẫn thấy ông lúc nào cũng luôn luôn bận rộn, không ngừng say mê làm việc và cũng chưa thấy ông ốm đau, bệnh viện gì.

Hỏi, trong cả đống nghề ông theo đuổi thì nghề nào quan trọng? Ông cười, không trả lời thẳng vào câu hỏi: Với mình, nghề nào mình làm tốt, có ích thì đều quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là phải có sức khỏe. Sức khỏe tốt còn hơn cả đống nghề.

Huy Thắng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thanh-nien-80-tuoi-n126537.html