Thanh niên cần có định hướng lập thân, lập nghiệp, xây dựng gia đình hạnh phúc

Trao đổi tại buổi làm việc sáng 24/9 với Trung ương Đoàn TNCS HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải xác định rõ đặc thù vận động thanh niên, giúp cho thanh niên có định hướng rõ ràng trong lập thân, lập nghiệp, chăm lo văn hóa, sức khỏe để làm bệ đỡ để giúp thanh niên chăm sóc, xây dựng gia đình.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.

Đây là buổi làm việc thứ 4 sau khi Bộ Chính trị quyết định phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp phụ trách, chỉ đạo 5 tổ chức chính trị-xã hội.

Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS HCM Lê Quốc Phong; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình và tập thể lãnh đạo Ban Bí thư Trung ương Đoàn cùng dự buổi làm việc.

Báo cáo về kết quả công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 8 tháng đầu năm và một số nội dung công tác trọng tâm đến cuối năm 2016, Bí thư Thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm, các cấp bộ đoàn tổ chức sinh hoạt chính trị với chủ đề “Nghị quyết Đại hội Đảng XII và hành động của tuổi trẻ”, tập trung tuyên truyền, học tập, quán triệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác thông tin, tuyên truyền đã triển khai hiệu quả, đặc biệt trang facebook “Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn”, “Thanh niên chuẩn” được đông đảo thanh niên quan tâm theo dõi.

Phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” được triển khai rộng khắp trên cả nước. Công tác xây dựng Đoàn vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên được các cấp bộ đoàn quan tâm và luôn thực hiện rà soát, củng cố, nắm tình hình tổ chức và hoạt động của Đoàn trên địa bàn.

Đoàn thanh niên đã phối hợp với MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Nổi bật trong 8 tháng đầu năm là hoạt động tuyên truyền học tập, quán triệt, tiển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; 3 tháng một lần báo cáo tình hình tư tưởng thanh niên và dư luận xã hội trong thanh niên về Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và triển khai thực hiện các kết luận của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn TNCSHCM triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cụ thể hóa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các mô hinh như “Điểm bán hàng thanh niên”, “Siêu thị thanh niên kiểu mẫu”,…

Thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương Nguyễn Long Hải cho biết Đoàn TNCS HCM đã tập trung giám sát, góp ý trong việc xây dựng các luật liên quan đến thanh niên và trẻ em ở 4 cấp, huy động thanh niên tham gian phản ánh với Đảng, Nhà nước các chính sách đối với thanh niên. Thông qua hoạt động của UBQG thanh niên Việt Nam tổ chức các đoàn kiểm tra đánh giá với các bộ ngành để báo cáo Thủ tướng và Ủy ban.

Ông Long Hải cho biết việc thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội trong thời gian qua TƯ Đoàn vẫn thực hiện theo chương trình phối hợp, thống nhất hành động với MTTQ Việt Nam, tuy nhiên nhận thức, kỹ năng kinh nghiệm nhất là ở cấp tỉnh, cơ sở vẫn chưa được chắc, chưa sâu. Ông Hải kiến nghị MTTQ Việt Nam có sự giúp đỡ TƯ Đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát phản biện để nhất là trong việc tiếp thu, giải trình các kết quả giám sát.

Nêu ý kiến về thanh niên lập thân, lập nghiệp ông Hải cho rằng thanh niên cần nắm bắt cơ chế chính sách, thể chế, có kỹ năng hội nhập.

“Thế giới bắt đầu hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc khởi nghiệp của thành niên cần phù hợp nhất là cần hướng tới khoa học công nghệ.” Ông Hải nói.

Đặt vấn đề hỗ trợ trong việc phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp cho thanh niên dân tộc, thanh niên dân tộc tôn giáo Ông Nguyễn Phi Long – Bí thư Ban chấp hành TƯ Đoàn cho rằng mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư qua các chương trình dự án cho vùng sâu vùng xa, nhưng đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số vẫn gặp nhiều khó khăn do địa hình, phong tục tập quán, việc đầu tư chưa bài việc bản nhất là trong việc xây dựng hệ thống giáo dục từ mầm non đến các cấp học.

Cũng theo ông Nguyễn Phi Long thời gian qua thanh niên các dân tộc, tôn giáo luôn nhân được sự quan tâm hỗ trợ của Mặt trận, tuy nhiên để tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng đặc thù này ông Long đề nghị MTTQ Việt Nam tiếp tục có chính sách hỗ trợ thanh niên trong việc phát triển vai trò cốt cán của thanh niên trong các phong trào ở cơ sở để xây dựng mạng lưới thanh niên dân tôn, tín đồ tôn giáo

Về vấn đề khởi nghiệp của thanh niên, Ông Long cho rằng mong muốn có nghề nghiệp và làm giàu là nhu cầu chính đáng của thanh niên.

“Vấn đề không phải là mang tiền đến cho thanh niên mà chính là tạo cơ chế chính sách thông thoáng, phá vỡ những rào cản về thủ tục hành chính, thuế, thành lập doanh nghiệp cho thanh niên”, ông Long đặt vấn đề.

“Để hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, Trung ương Đoàn có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên tập trung vào ba đối tượng chính là thanh niên doanh nghiêp trẻ, thanh niên trong các trường đại học, thanh niên nông thôn”, ông Phong thôn tin.

Trao đổi về việc Đoàn Thanh niên tham gia giám sát về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn thông tin để triển khai thực hiện Đoàn Thanh niên đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Hiện một số cơ sở Đoàn, công ty như công ty cổ phẩn thanh niên đã có hoạt động hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thực phẩm sạch cho nông dân.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình đánh giá thời gian quaTrung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tạo được nhiều phong trào qua đó tạo hiệu ứng và lan tỏa xã hội. Tuy nhiên Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cũng bày tỏ băn khoăn là với 60 phong trào mà TƯ Đoàn đang triển khai thực hiện cần làm thế nào để gom là các phong trào để tạo thành sức mạnh chung để lựa chọn phong trào gọn hơn, mang tính chiều sâu nhất tạo thành hình mẫu để phong trào mang tính bền vững hơn.

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu tại buổi làm việc.

Đối với việc phối hợp với MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình đánh giá cao Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là lực lượng xung kích trong việc thực hiện tổng ra soát chính sách đối với người có công, trong thời gian tới TƯ Đoàn cần tiếp tục phát huy những thành quả này này trong việc giám sát việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đánh giá chỉ số hài lòng của người dân, nhất là việ tập hợp, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thanh niên qua mạng xã hội để biến đây là mẫu hình cho các tổ chức thành viên.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những đóng góp của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong suốt chiều dài của lịch sử đất nước và trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng là một thành viên quan trọng của MTTQ Việt Nam, thời gian qua hai bên đã có những phối hợp, hiệp thương để triển khai các phong trào, các cuộc vận động, chương trình công tác.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đây là giai đoạn rất quan trọng của Đoàn TNCS HCM trong việc triển khai nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của đảng và chuẩn bị đại hội Đoàn TNCS HCM diễn ra vào tháng 11/2017. Với những nhiệm vụ mà Đoàn TNCS HCM đang triển khai, MTTQ Việt Nam cũng có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm để đại hội đoàn thanh niên trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội và cùng đoàn TN phối hợp để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi làm việc.

Trao đổi về những kiến nghị của Ban bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ trong việc đoàn kết tập hợp thanh niên, Đoàn thanh niên phải xác định rõ đặc thù vận động thanh niên giúp cho thanh niên có định hướng rõ ràng trong lập thân, lập nghiệp, chăm lo văn hóa, sức khỏe để làm bệ phóng cho thanh niên trong xây dựng gia đình.

Theo người đứng đầu Mặt trận, 30 năm trước chúng ta là một nước nghèo, nhưng trong giai đoạn hiện nay đã có nhiều thay đổi, thanh niên phải đối diện với nhiều thách thức nhất là áp lực về kinh tế, chính vì vậy không nên để thanh niên vì áp lực này mà không quan tâm đến việc lập gia đình, chăm lo cho gia đình. Thanh niên cần cống hiến trưởng thành và có gia đình hạnh phúc.

“Thanh niên phải sẵn sàng làm việc tốt, sẵn sàng lập gia đình, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bố mẹ, gia đình”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.

Sắp tới Mặt trận sẽ ký kết với Chính phủ việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong đó Mặt trận có tham gia 5 nhóm tiêu chí trong đó nội dung chăm sóc trẻ em được nhấn mạnh rất rõ.

Đoàn thanh niên nên coi đây là một nhiệm vụ đặc thù cùng Mặt trận tham gia giám sát việc thực hiện chăm lo giáo dục cho trẻ em miền núi và dân tộc.

“Như việc xây dựng các phòng ngủ cho trẻ em vùng cao, vùng dân tộc có thể học tập mô hình của các nước châu Âu xây dựng các phòng ngủ bằng công ten nơ có thể che được nắng mưa nếu có thiết kế phù hợp để tận dụng chăm lo chỗ ở cho các em” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.

Đối với việc xây dựng đội ngũ cốt cán thanh niên là người dân tộc thiểu số, thanh niên tôn giáo người đứng đầu Mặt trận cho rằng đây là việc làm rất hay nhưng cũng rất khó.

“Trung ương Đoàn nên bàn để có một chuyên đề gặp gỡ với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội để bàn về việc xây dựng đội ngũ cốt cán thanh niên là người dân tộc thiểu số, thanh niên tôn giáo”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

Về chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và Trung ương Đoàn trong thời gian tới Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần dựa trên 9 chương trình nội dung mà Mặt trận đã ký kết với Chính phủ trong đó quan tâm đến chức năng giáo dục yêu nước, ý chí vươn lên, phát huy sức sáng tạo, đoàn kết.

Trong hoạt động kinh tế phối hợp trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” trong đó quan tâm đến phát triển kinh tế, chăm lo trẻ em vùng sâu vùng xa. Cùng với đó phối hợp thực hiện phong trào "Đoàn kết, sáng tạo và tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế thắng lợi” thông qua chương trình khởi nghiệp quốc gia, khuyến khích tài năng trẻ qua việc nâng cao vai trò của truyền thông để ghi nhận của xã hội phát huy sức sáng tạo của thế hệ trẻ.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ Trung ương Đoàn TNCS HCM.

“Cần biết được thanh niên đang nghĩ gì vì đây là vấn đề liên quan đến tương lai đất nước. Rất mong TƯ Đoàn phản ánh chính xác vấn đề này trong việc phản ánh ý kiến nhân dân trong đó có thanh niên. Từ nay đến 20/10 giữa MT và Trung ương Đoàn có buổi việc trao đổi kinh nghiệm trong việc thu thập ý kiến qua các công cụ mới trên mạng như facebook của Đoàn Thanh niên.” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Trung ương Đoàn cần tiếp tục tham gia vào việc đánh giá sự hài lòng của người dân làm sao có một kênh để đánh giá sự hài lòng của thanh niên đối với hoạt động của chính quyền cơ sở. Về hoạt động xã hội hai bên phối hợp thực hiện trong việc giám sát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị trong quá trình tiến tới chuẩn bị Đại hội Đoàn vào năm 2017, Trung ương Đoàn cần quan tâm đến việc truyền thông để khẳng định tự hào với toàn xã hội những đóng góp của thành niên cho đất nước. Trung ương Đoàn có thể định kỳ cung cấp thông tin về quá trình tổ chức đại hội các cấp hướng tới Đại hội toàn quốc cho các cơ quan truyền thông của Mặt trận trong đó có Báo Đại Đoàn Kết để có chuyên mục tuyên truyền.

Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn cần tích cực đóng góp ý kiến hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức mình như Luật thanh niên, Luật về Hội, tham mưu các có chế chính sách đối với cán bộ Đoàn, tham gia giám sát và phản biện xã hội trong 5 năm tới theo hướng chọn vấn đề để giám sát ở Trung ương và có sự phân cấp ở cơ sở…

Người đứng đầu Mặt trận đặt vấn đề đối với các nước dân số có từ 60 đến 100 triệu thu nhập đầu người từ 5 đến 10 nghìn USD thì bình quân cứ 25 người dân phải có một doanh nghiệp. Chúng ta nằm trong top ấy thì đất nước mới phát triển mới có việc làm và phát huy năng lực. Tuy nhiên hiện nay chúng ta mới ở mức 170 người dân mới có 1 doanh nghiệp nên rất cần thời gian để nâng số doanh nghiệp nên con số 3,6 triệu doanh nghiệp.

“Áp lực là từ 550 ngàn DN phải nầng lên 3,6 triệu DN vào giai đoạn 2030- 2035. Nếu để tự phát thì không thể làm được nên phải có một chương trình khởi nghiệp quốc gia trong đó Nhà nước đóng vai trò định hướng trong việc cung cấp thông tin, thành lập ngành nghề, có chương trình để các tỉnh thành phố có quỹ đất cho các DN khởi nghiệp, đào tạo quản lý, kế toán, vay vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.”Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

Ủng hộ chương trình khởi nghiệp quốc gia, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết Mặt trận sẽ chủ trì cùng với Trung ương Đoàn, Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, VCCI, Liên minh HTX Việt Nam, các bộ ngành liên quan để từ nay đến cuối năm kiến nghị một chương trình hành động quốc gia về khởi nghiệp.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Anh Vũ
Ảnh: Quốc Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/thanh-nien-can-co-dinh-huong-lap-than-lap-nghiep-xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc/123579