Thanh niên Việt giờ thích thể thao bằng... mồm

Có lẽ tinh thần thể thao của người Việt từ thời Nguyễn Công Hoan tới giờ vẫn chưa từng được nâng cao lên chút nào. Dù trốn tránh hay nhiệt tình thì người ta vẫn thích 'nói' hơn 'hành'.

Có lẽ tinh thần thể thao của người Việt từ thời Nguyễn Công Hoan tới giờ vẫn chưa từng được nâng cao lên chút nào. Dù trốn tránh hay nhiệt tình thì người ta vẫn thích "nói" hơn "hành".

SEA Games 29 đã kết thúc nhưng với nhiều người Việt, SEA Games đã kết thúc từ khi đội tuyển bóng đá nam chính thức bị loại. Nếu chỉ nhìn vào cách mà người hâm mộ bóng đá ủng hộ đội tuyển, nhiều lúc tôi đã phải tự vấn lại rằng, người Việt có phải là rất yêu chuộng thể thao?

Năm 1939, Tiểu thuyết thứ Bảy - số 125, cho đăng truyện ngắn “Tinh thần thể dục” của Nguyễn Công Hoan. Bằng lối viết trào lộng vốn có, ông miêu tả tinh thần thể dục, ở một ngôi làng Bắc Bộ điển hình, trước một trận bóng đá.

Năm ấy, làng Ngũ Vọng phải dẫn đủ 100 người, đúng 12h trưa tới sân vận động huyện để xem một trận bóng đá. Nhưng vì đói, vì bận, vì lo trả công nợ, 100 người được chọn ấy có người lo tới mất ăn mất ngủ, có người phải bỏ trốn, có người phải thuê hàng xóm đi xem bóng đá hộ.

Nếu có thể rút ra một bài học ở đây thì đơn giản là người ta phải đi làm, phải kiếm miếng ăn trước khi nghĩ tới việc đi coi một môn thể thao nào đó. Và rằng, nó phản ánh tinh thần thể thao giả tạo được dựng lên.

Tinh thần thể thao của người Việt, sau bao nhiêu năm, bây giờ đã rất khác. Người Việt bây giờ hầu hết là không còn đói (ít nhất là như những năm 30). Người ta đã nghĩ tới nhiều thứ giải trí khác, nhất là bóng đá. Nhiều người sẵn sàng bỏ cả triệu bạc để mua vé vào xem một trận bóng. Hoặc thậm chí, bay cả ra nước ngoài để cổ vũ cho đội tuyển Quốc gia. Không có chuyện phải bắt ép người dân đi dự một “cuộc thể thao”.

Nhưng không phải vì thế mà tinh thần thể dục được nâng cao hơn.

Chỉ vừa trong tháng Tám này, quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA đưa ra các số liệu cho thấy, hiện tại chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp thứ ba, châu Á, xếp gần áp chót trong khu vực ASEAN. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn.

Còn các nhà khoa học Mỹ, nhân lúc Việt Nam đang tham dự SEA Games, đã thống kê được rằng, người Việt thuộc nhóm ít vận động, chỉ đi bộ chưa tới 4.000 bước chân mỗi ngày, so với mức trung bình của thế giới là 4.961.

Tất nhiên, uống bia, xem bóng đá thì không phải là một thói quen xấu (Ảnh minh họa).

Tất nhiên, uống bia, xem bóng đá thì không phải là một thói quen xấu (Ảnh minh họa).

Nếu bạn ở Hà Nội, một sáng nào đó, hãy dậy thật sớm, dạo quanh Bờ Hồ để xem có bao nhiêu người trẻ đang chạy bộ hoặc tập thể dục. Rất ít, chỉ toàn là người già. Nhưng cũng quanh Bờ Hồ, buổi tối, bạn sẽ thấy rất nhiều thanh niên, tụ tập quanh những quán bia, để bình luận về một trận bóng đá của giải ngoại hạng.

Tất nhiên, uống bia, xem bóng đá thì không phải là một thói quen xấu. Nhưng uống bia, xem bóng đá và lười thể dục thì lại là một thói quen xấu. SEA Games lần này, tôi không thấy bất ngờ về thành tích của đội tuyển bóng đá nam. Điều tôi bất ngờ, là trong trận đấu quyết định với đội tuyển Thái Lan, khi chúng ta đang bị dẫn bàn, nhiều người đã hô tắt tivi. Tôi không hiểu đó là tinh thần thể thao kiểu gì?

Sau bao nhiêu năm, thành tích của đội tuyển không thay đổi, nhưng thái độ của người hâm mộ còn tệ hơn. Khi đội tuyển thắng, chúng ta tưởng thưởng. Khi đội tuyển thua, ta chỉ trích. Đó không phải là cách để đội tuyển đá tốt hơn.

Nếu có một câu hỏi rằng, tinh thần thể thao có thể đánh giá qua cách chúng ta cổ vũ bóng đá hay không? Câu trả lời, là không và... có. Không, là vì chúng ta cổ vũ rất “cuồng nhiệt” nhưng ta không chơi thể thao “cuồng nhiệt” đến thế. Có, thì ai cũng biết rồi, là vì ai cũng chỉ giỏi nói thôi!

Nguyễn Vương

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/doi-song/an-choi/thanh-nien-viet-gio-thich-the-thao-bang-mom-a201515.html