Thành phần tham gia siêu dự án 27 tỉ USD tại VN

(Đời sống) - Ngày 15/8, tại TP.Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) tổ chức họp báo về triển khai lập Dự án đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định). Tổng kinh phí dự án khoảng từ 25-30 tỉ USD.

Ông Sukrit Surabotsopon, Phó giám đốc điều hành cao cấp PTT, đã công bố kết quả chọn các nhà thầu tư vấn và kế hoạch các bước thực hiện tiếp theo của dự án.

Theo đó, Cố vấn kỹ thuật là đơn vị Foster Wheeler (Anh quốc), Cố vấn thương mại là Công ty nghiên cứu thị trường IHS (Mỹ); đơn vị quản lý chiến lược là Công ty MCKINSEY (Mỹ).

Ban tư vấn dự án trong buổi họp báo - Ảnh: TNO

PTT khẳng định sẽ mời các ngân hàng lớn hàng đầu của thế giới tham gia cố vấn tài chính nhưng đơn vị cụ thể sẽ được công bố vào cuối năm 2013 sau khi các bên đã hoàn thành các báo cáo nghiên cứu về kỹ thuật và thị trường cho dự án.

Từ nay đến tháng 4/2014, PTT sẽ phối hợp với các đơn vị hữu quan và liên quan hoàn thành dự án khả thi chi tiết của Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội để trình Bộ Công thương xem xét, thẩm định trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, đưa vào Quy hoạch ngành dầu khí Việt Nam.

Theo dự kiến của PTT thì đến năm 2020 Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Hiện PTT đã chuẩn bị Đội hình chuyên trách thực hiện dự án gồm 20 người và sẽ phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia cố vấn cho từng mảng công việc và phối hợp với UBND tỉnh Bình Định… để triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Theo ông Sukrit Surabotsopon, tổng vốn đầu tư Dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội khoảng 25 - 30 tỉ USD. Trong đó, PTT sẽ tham gia khoảng 30 - 40% tổng số vốn, số vốn còn lại sẽ kêu gọi các đối tác tiềm năng cùng tham gia, trong đó sẽ ưu tiên cho các đối tác Việt Nam.

Tỉ phú Thureign - Ảnh:TNO

Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội đi vào hoạt động sẽ đem lại nhiều lợi ích cho địa phương như: tạo việc làm trực tiếp cho 30.000 lao động và gián tiếp cho 100.000 lao động, khuyến khích sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp phụ trợ…

Trả lời câu hỏi về tác động môi trường của dự án, ông Lộc cho biết đây mới chỉ là giai đoạn lập dự án nên chưa thể trả lời cụ thể.

Là một trong những dự án thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận trong thời gian vừa qua bởi số vốn đầu tư khổng lồ. Tuy nhiên, không ít người đã tỏ ra lo ngại và nghi ngờ khả năng triển khai của dự án vì trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, hơn nữa ở nước ta cũng đang có rất nhiều những dự án lớn được khởi động từ rất lâu mà đến thời điểm hiện tại chưa có động tĩnh gì. Và việc công bố thành phần tham gia dự án đã bước đầu chứng minh được khả năng dự án có thể triển khai và đi vào thực tế.

Các nước tham gia thị trường dầu khí Việt Nam

Trước khi 'đại gia' dầu khí Thái Lan (PTT) muốn thâm nhập, thị trường dầu khí Việt Nam đã có sự tham gia của rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Mới đây, cuối tháng 7/2013, thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí Việt - Mỹ được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đưa Mỹ vào danh sách các quốc gia tham gia thị trường dầu khí Việt Nam.

Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, doanh nghiệp hai nước đã ký kết một số thỏa thuận như: Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ về hỗ trợ thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng ở Việt Nam, Thỏa thuận khung giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty Exxon Mobil, Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty dầu khí Murphy, Bản ghi nhớ giữa Công ty bảo hiểm Metropolitan Life (Metlife) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chấp thuận của Bộ Tài chính Việt Nam về chủ trương thành lập công ty quản lý quỹ của Công ty bảo hiểm ACE.

Hoạt động khai thác dầu khí trên biển Đông

Trước đó, tại chuyến thăm nước CHDCND Trung Hoa từ ngày 19 đến ngày 21/6 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trên cơ sở kết quả hợp tác thăm dò dầu khí giữa hai bên Việt - Trung trong vịnh Bắc Bộ, hai bên đã ký Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong vịnh Bắc Bộ, nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong vịnh Bắc Bộ.

Trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (từ ngày 12-15/5), báo chí Nga đưa tin ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí quốc doanh Rosneft của Nga cho biết, “ông lớn” năng lượng này đã cam kết đầu tư khoảng 100 triệu USD cho hoạt động thăm dò địa chất cũng như khai thác dầu tại Việt Nam .

Rosneft và Công ty Dầu khí TNK Vietnam đã ký một thỏa thuận phân chia sản phẩm ở ngoài khơi Việt Nam và mới đây đã được cấp giấy phép khai thác mới. Ngoài ra, Rosneft cũng đã đề nghị PVN hợp tác tại 8 lô dầu khí trên thềm thục địa Pechora Sea ở khu vực biển Arctic thuộc Nga.

Đến cuối tháng 6, một giàn khoan dầu thuộc sở hữu của Na Uy cũng đã được Zarubezhneft - một công ty Nga chuyển từ Cuba đến Việt Nam sau sáu tháng thăm dò dầu không có kết quả.

Trong một diễn biến khác có liên quan, vào thời điểm đó tờ Hindustan Times của Ấn Độ cũng thông tin Ấn Độ đang có kế hoạch 145,94 triệu USD vào lĩnh vực khí đốt tại Biển Đông.

Hoạt động đầu tư của Ấn Độ nhằm tăng cổ phần nắm giữ của OVL (một công ty chuyên hoạt động ở nước ngoài thuộc ONGC (Tập đoàn Dầu và Khí đốt tự nhiên quốc gia) Ấn Độ , trong liên doanh khai thác dầu khí với Việt Nam. Hai bên hiện đang hợp tác khai thác khí đốt tại lô 06.1 Nam Côn Sơn trong vùng biển ngoài khơi phía nam của Việt Nam.

Bên cạnh việc hợp tác với các nước trên, Việt Nam cũng bày tỏ muốn hợp tác với Nhật Bản trong việc khai thác dầu khí trên Biển Đông. Tháng 6 năm ngoái, tờ Năng lượng Việt Nam dẫn nguồn Nhật báo kinh tế Nikkei của Nhật cho biết, PVN tổ chức buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tháng 7/2012 để thảo luận hợp tác phát triển khoảng 20 lô dầu khí tại biển Đông.

Nguồn tin cho biết thêm rằng, các công ty Nhật Bản cũng sẽ có cơ hội đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam với tổng giá trị lên tới 24,8 tỷ đô la, trong đó bao gồm các nhà máy lọc dầu và các nhà máy nhiệt điện than.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xa-hoi/doi-song/201308/thanh-phan-tham-gia-sieu-du-an-27-ti-usd-tai-vn-2218552/