Thành phố Hồ Chí Minh: Ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thay thế Quy chế 30/2019 năm 2019 của UBND Thành phố.

Một nhà hàng xây trái phép ở khu Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Một nhà hàng xây trái phép ở khu Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Quy chế này bao gồm 5 chương 30 điều, quy định nguyên tắc, trách nhiệm quản lý, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyên tắc phối hợp phải đồng bộ, thống nhất, đúng quy định pháp luật, đảm bảo kịp thời trong quá trình kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình phối hợp phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm và tổ chức thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, thống nhất trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật quy định và nhiệm vụ được phân công tại Quy chế này. Trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết, Sở Xây dựng có trách nhiệm báo cáo, đề xuất phương án xử lý cụ thể trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Các Sở, ban, ngành liên quan công tác quản lý trật tự xây dựng có trách nhiệm tham gia phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật và theo sự phân công của UBND Thành phố.

Quyết định của UBND Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền khi cấp giấy phép xây dựng hoặc phê duyệt dự án có trách nhiệm gửi một bản giấy phép xây dựng (không kèm bản vẽ) hoặc quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng đến các cơ quan, đơn vị gồm: Thanh tra Sở Xây dựng, UBND cấp huyện và UBND cấp xã nơi có công trình xây dựng để có kế hoạch phối hợp kiểm tra, giám sát hoặc theo dõi theo quy định.

Ngoài ra, quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm của các Sở ban ngành, UBND cấp huyện và xã phường, người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Cao Cường

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-ban-hanh-quy-che-phoi-hop-quan-ly-trat-tu-xay-dung-375746.html