Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện sương mù dày đặc

Những ngày qua, trong khoảng thời gian từ sáng sớm đến trưa, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện sương mù bao phủ dày đặc. Hiện tượng này tạo ra màn mờ bao phủ các công trình, nhất là đối với các công trình cao tầng trên địa bàn thành phố.

Giải thích về hiện tượng này, ông Vũ Quang Đẩu, Phó Trưởng phòng dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ), cho biết: Hiện tượng sương mù bao phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày qua được gọi là mù do tầm nhìn trên 1 km (gọi là sương mù khi tầm nhìn dưới 1 km). Cụ thể, hiện tượng này được gọi với tên chính xác là mù ướt do ngưng tụ hạt nước.

Hiện tượng sương mù bao phủ cũng từng xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh những năm trước. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Theo ông Vũ Quang Đẩu, do nhiệt độ thấp, độ ẩm tăng cao do mưa trái mùa làm hơi nước ngưng tụ thành hạt nhỏ li ti sát mặt đất cùng với gió yếu tạo nên hiện tượng mù ướt. Hiện tượng này xuất hiện từ giữa đêm đến khoảng 8, 9 giờ sáng. Đây là mù ướt diện hẹp chỉ xuất hiện ở một số nơi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Theo dự báo, hiện tượng mù ướt này tiếp tục xuất hiện trong những ngày tới, trong đó mức độ mù ướt tùy thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm liên quan đến quá trình ngưng tụ hơi nước.

Trước hiện tượng mù ướt xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ngọc, Trưởng Khoa hô hấp (Bệnh viện Chợ Rẫy), Chủ tịch Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh, khuyến cáo: Độ ẩm trong không khí cao sẽ gây ra tình trạng gia tăng các bệnh lý về hô hấp, hen phế quản. Đặc biệt, đối với người cao tuổi có bệnh mãn tính về tim, phổi thì độ ẩm cao làm bệnh có biểu hiện trở nặng. Vì vậy người dân, nhất là người cao tuổi có bệnh mãn tính về tim, phổi cần giữ ấm cơ thể trong thời gian xảy ra hiện tượng mù ướt.

Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/thanh-pho-ho-chi-minh-xuat-hien-suong-mu-day-dac-20161221131410740.htm