Thành phố nào xả rác nhiều nhất thế giới?

Theo các số liệu nghiên cứu mới đây, NewYork được đánh giá là thành phố lãng phí nhất thế giới. Thành phố này xếp đầu danh sách sử dụng nhiều năng lượng nhất, xả rác nhiều nhất và dùng nhiều nước nhất.

New York, là một trong những trung tâm kinh tế của Mỹ, nổi tiếng khắp thế giới. Người dân ở thành phố này vừa trải qua một mùa hè khủng khiếp với mùi hôi thối ở khắp nơi. Trên thực tế, New York được báo cáo là một trong những thành phố lãng phí nhất thế giới. Lãng phí trong trường hợp này đó là New York sử dụng nhiều năng lượng nhất (trung bình 2 tàu chở dầu trong khoảng 3 ngày), vứt rác nhiều nhất thế giới (khoảng 33 triệu tấn mỗi năm), và dùng nhiều nước nhất. Đây là số liệu báo cáo từ Viện Hàn lâm Khoa học (PNAS).

Cuộc khủng hoảng rác thải đang diễn ra tại Naples, Italy. Ảnh: Ciro Fusco / EPA

Đứng sau New York, Mexico City, thủ đô của Mexico xếp vị trí thứ 2 về mức độ xả rác. Mexico City còn được ví như thùng rác của thế giới với 12 triệu tấn rác xả ra mỗi năm. Vào năm 2011, bãi chứa rác lớn nhất ở nơi đây bị đóng cửa. Động thái này gây ảnh hưởng tới việc thu gom, xử lý và chế biến rác thải đô thị.

Có nhiều sáng kiến đã được đưa ra để hạn chế lượng rác thải ra mỗi ngày đó là cho người dân mua bán các vật liệu tái chế và đổi lấy phiếu mua trái cây và rau quả tươi.

Xếp thứ 3 trong danh sách xả rác nhiều nhất trên thế giới là thành phố Tokyo của Nhật Bản. Tokyo sở hữu lượng dân gấp đôi Mexico City tuy nhiên lượng rác xả ra thường xuyên ở đây lại ít hơn. Nguyên nhân là do chính phủ nước này đã áp dụng chương trình tái chế để cắt giảm lượng chất thải. Tokyo đang phấn đấu để trở thành thành phố không rác thải trên thế giới.

Tokyo đông dân cư, vì vậy không có không gian cho các bãi chôn lấp. Ảnh: Yuya Shino / EPA

Người ta cho rằng việc Tokyo xếp thứ 3 trong danh sách xả rác nhiều nhất có liên quan đến thu nhập đầu người. Thu nhập tăng lên sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng của người dân, dẫn đến xả rác ra nhiều. Hơn thế nữa, thành phố này có số dân lớn nên không gian cho các bãi chôn lấp và xử lý rác bị thu hẹp đi.

Tiếp đến trong danh sách phải kể đến các thành phố lớn của Trung Quốc. Theo các số liệu báo cáo, chất thải ở quốc gia này tăng nhanh gấp đôi so với dân số. Rác tải đang là một vấn đề đáng chú ý, vì thế một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thâm Quyến đã bắt đầu xây dựng các lò đốt để bù lại không gian chôn lấp rác thải. Tuy nhiên, giải pháp này lại ảnh hưởng đến môi trường không khí. Quảng Châu đã áp dụng chính sách tính phí đối với những hộ gia đình xả ra nhiều hơn 1 lít rác mỗi ngày để hạn chế rác thải.

Xếp thứ 5 là thành phố Mumbai của Ấn Độ. Thành phố của hơn 18 triệu dân thải ra 11.000 mét tấn rác mỗi ngày. Túi nhựa, chai lọ lấp kín các máng nước, rác bị đốt gây ô nhiễm không khí, phần còn lại chất đống trong các bãi rác khổng lồ.

Những người đàn ông nhặt tiền xu và các mặt hàng tái sử dụng trên dòng sông Yamuna ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Prakash Singh / AFP / Getty

Delhi là quốc gia có số lượng rác thải tăng lên 50% từ giai đoạn 2007-2012. Rác thải và khói bụi có thể sẽ biến thành phố này trở thành nơi bẩn nhất trên thế giới.

Dân số tăng nhanh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng lượng rác thải. Jakarta là một trong những thành phố phát triển nhất thế giới. Thói quen của người dân ở đây thường vứt rác thải sinh hoạt ra những đường nước chảy gần đó. Vì thế, mỗi ngày người ta thu được khoảng 100 tấn rác ở bãi biển của những hòn đảo cách đất liền hơn 8km.

Khoảng 1 thập kỉ trước, Singapore cũng gặp chung vấn đề như Jakarta, tuy nhiên, chính phủ nước này đã áp dụng nhiều chính sách giúp thúc đẩy việc tái chế và đốt rác thành năng lượng.

Ở thành phố Cairo, Ai Cập, trung bình mỗi người xả ra 625kg chất thải rắn mỗi năm. Đây là con số lớn so với một quốc gia nghèo như Ai Cập.

Việc các thành phố càng phát triển và dân số tăng ảnh hưởng lớn đến lượng rác thải xả ra. Bên cạnh đó, vấn đề chất thải còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của thành phố. Nhiều nay, nhiều quốc gia,thành phố đang tìm kiếm và áp dụng những chính sách như trả tiền khi xả rác vượt quá số lượng quy định, dự án chất thải thực phẩm, tái chế… để giúp giảm lãng phí và tiêu dùng hiện nay của người dân.

Bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết tại mục Thế giới

Khánh Đan

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/thanh-pho-nao-xa-rac-nhieu-nhat-the-gioi-d49015.html