Thành phố thư viện

Đó là cái tên quen thuộc người ta vẫn dùng để gọi thành phố Chinguetti trên cao nguyên Adrar ở Mauritania, kề cận sa mạc Sahara. Với truyền thống lưu giữ các cuốn sách từ Mecca và thế giới Ảrập, Chinguetti có khoảng vài trăm gia đình có thư viện riêng hoặc các tủ sách gồm các sách có niên đại ít nhất từ thế kỷ 10.

Ra đời từ năm 776, những người dân đầu tiên của Chinguetti là dân du mục Abeir trên sa mạc, sau đó tới thế kỷ 13 mới có thêm người Berber Ma rốc và các bộ tộc khác. Nhờ nguồn nước, một thời Chinguetti đã là ngã ba thông thương giữa Bắc và Tây Phi và rất phồn thịnh với những tuyến đường buôn bán, những đoàn lạc đà đông tới 30.000 con chở muối, vàng, chà là và ngà voi cắt qua sa mạc cùng các thành thị. Ngoài buôn bán, từ Chinguetti cũng có nhiều chuyến lạc đà và người hành hương tới giáo đường Mecca, khiến bầu không khí ở nơi đây luôn luôn sôi động. Đến nay, Chinguetti có khoảng 2.000 dân theo đạo Hồi sống tập trung quanh các ốc đảo trồng cây chà là. Mặc dù các thư viện và tủ sách gia đình đã mai một nhiều, song chúng vẫn đem lại cho Chinguetti tiếng tăm là thành phố sách cổ, và người dân Chinguetti là những người hay chữ. Thực tế, nhiều người Chinguetti có thể đọc thuộc lòng vài chục cuốn sách và nói được nhiều thứ tiếng cổ. Có thể nói, các cuốn sách cổ là niềm tự hào của người dân Ảrập nói chung và ở Chinguetti nói riêng. Nó cho thấy sự gắn kết lâu dài của người dân với khoa học, toán học, y học, mỹ thuật, luật pháp và văn học. Do đó, với người dân Chinguetti, đây là thứ của cải vô giá, cho dù cảnh nghèo, nhà cửa chật chội, vẫn không thể chia tách họ với sách. Một trong các thư viện tư lớn và tốt nhất ở Chinguetti là thư viện gia đình ông Mohamed Lemine ould Al-Habot. Ông đang quản lý 1.400 đầu sách viết tay từ thế kỷ 18 và là các bản viết tay của các học sĩ xưa của Mauritania hoặc do dòng họ đã thu thập sau mỗi lần hành hương đến Mecca và Ma rốc. Ví dụ, nhà Al-Habot có sách vào thế kỷ 17 sao lại tác phẩm của hiền triết người Phoenicia Thales (Miletus) thế kỷ 6 TCN, hay như sách về thiên văn học của Ai Cập trong 5.000 năm với những minh họa về nhật thực và nguyệt thực. Nhưng cuốn sách cổ nhất mà nhà Al-Habot lưu giữ là một cuốn sách tôn giáo từ thế kỷ 11. Ngoài ra, thư viện nhà Al-Habot còn chứa thêm khoảng 1.000 bản thảo mà những nhà khác gửi nhờ. Nói chung, tất cả sách đều được viết chữ rất đẹp, được viết bằng mực than pha keo dính Ảrập và bìa được làm từ da lừa hay linh dương mỏng. Thư viện nhà Al-Ahmed Mahmoud cũng là một thư viện lớn, song ít sách hơn, chủ nhà là một giáo viên nói thạo tiếng Anh và Pháp tên là Saif Al-Islam. Thư viện được đặt ở tầng ngầm cách mặt đất 5m, có cửa gỗ dầy và bắt đầu lưu trữ sách từ năm 1669. Dễ dàng tìm thấy tại đây những cuốn Kinh Koran được sách sao nhỏ xíu, nằm lọt trong lòng bàn tay hay Kinh tân ước thế kỷ 18, kinh của người Do thái, kinh Phật hay sách luật Sharia bìa bằng vàng lá thế kỷ 15. Một thư viện nữa khá hấp dẫn là thư viện nhà ông Mohamed Lemine ould El-Hamoni. Ông đang giữ khoảng 700 cuốn sách, trong đó nổi bật nhất là một cuốn sách ngữ pháp Ảrập hiếm do học sĩ Al-Fiat Ibn Malik thế kỷ 16 viết và ghi lại tất cả các cấu trúc ngữ pháp Ảrập dưới dạng một bài thơ 1.000 khổ. Do điều kiện vật chất hạn hẹp, nhiều thư viện ở Chinguetti đã bị hư hoại. Trước tình trạng này, chính phủ Mauritania và quốc tế đã có nhiều chính sách giúp đỡ. Cứ hai tuần, lại có các phái đoàn quốc tế và UNESCO đến khảo sát. UNESCO đã xây dựng một trung tâm thư viện tại đây và mời các gia đình tới trưng bày sách. Theo điều tra của Viện nghiên cứu khoa học IMRS tại thủ đô Nouakchott, trên cả nước này hiện có 600 thư viện tư, 80% chưa danh tính và đang giữ khoảng 40.000 cuốn sách cổ. Vì vậy, UNESCO và Ngân hàng Thế giới đã dành 5 triệu USD để mở lớp dạy thủ thư bảo quản toàn bộ các sách cổ của Mauritania. Nổi tiếng như vậy, nên hàng năm đều có hàng nghìn người nước ngoài tới tham quan các thư viện ở Chinguetti. Thậm chí trong các chuyến du lịch khám phá sa mạc 17 cũng không thể thiếu ngày thăm các thư viện gia đình ở Chinguetti. Chỉ cần xin phép gia chủ, không chỉ được xem sách mà còn được gia chủ khoản đãi món gân lạc đà và mỳ nấu thịt. Mạnh Cường

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/VanHoa-XaHoi/2010/3/9F48DBB1AEEB64A6/