Thanh tra metro Nhổn-ga Hà Nội: Thẩm định tố cáo thế nào?

Sự thiếu chặt chẽ trong hợp đồng đã tạo kẽ hở cho dự án đội vốn, chậm tiến độ. Thanh tra có nghiệp vụ tốt sẽ nhìn ra ngay vấn đề.

Điểm mấu chốt

Thanh tra Chính phủ đã quyết định thanh tra dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 (Nhổn-Ga Hà Nội) theo nội dung tố cáo của ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

Thông tin trên Tiền Phong, theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội trước đó, tính đến ngày 28/6/2013, tổng vốn đầu tư dự án đã tăng lên thành gần 1,2 tỷ Euro so với khái toán ban đầu 783 triệu Euro. Như vậy, dự án đã bị đội vốn lên 392 triệu Euro (khoảng 10.000 tỷ đồng).

Cũng theo tố cáo của ông Bình, chủ đầu tư chọn nhà thầu giá cao; lãnh đạo UBND TP Hà Nội vào thời điểm đó nhiều lần phê duyệt điều chỉnh giá của các gói thầu...

Trước những thông tin tố cáo nói trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy không tỏ ra ngạc nhiên bởi ông cho rằng, đối với nhiều dự án của Hà Nội chuyện xảy ra tiêu cực là bình thường.

Dư luận đã nhiều lần đặt câu hỏi về việc có tiêu cực hay không trong vụ vỡ đường ống nước sạch sông Đà của Vinaconex, hay dự án buýt nhanh BRT Hà Nội...

Tuyến metro số 3 liên tục bị chậm tiến độ

Đối với dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định, trong hợp đồng ký kết giữa các bên có thể có kẽ hở để người ta có thể đội vốn, đòi thêm tiền, tiền đó đi đâu... Nếu thanh tra Chính phủ nghiệp vụ tốt xem xét vấn đề này sẽ ra ngay.

Cụ thể, TS Thủy chỉ rõ: Trước hết, phải xem kỹ nội dung hợp đồng, kể cả nội dung hợp đồng đấu thầu để xem Hà Nội làm thế nào, trong đó nhìn thấy rõ những cam kết, điều kiện về vấn đề công nghệ, kỹ thuật, giá vật tư, lãi suất ngân hàng, thời hạn, giải phóng mặt bằng và cả vấn đề quy định trách nhiệm.

Ví dụ, về giá cả, tổng giá cả của vật tư bao nhiêu, phải lưu ý những giá cả này chỉ được thay đổi trong thời hạn bao lâu. Trong thời hạn đó giá cả lên thì nhà thầu phải tự bỏ tiền ra để bù vào, không được tự tăng giá vô tội vạ.

Tương tự cần có ràng buộc đối với những chi phí khác, chẳng hạn tiền lương, quản lý phí... và phải đảm bảo chúng cố định, nếu có thay đổi cũng không được vượt quá bao nhiêu phần trăm.

Sau khi xem xét hợp đồng cần kiểm tra quá trình thực hiện để tìm hiểu nguyên nhân dự án đội vốn lên 10.000 tỷ đồng.

Khi tính toán giá cả, người ta đã đưa giá của thế giới vào rồi. Ở thế kỷ XX, giá metro cao nhất thường là 100 triệu USD/km, nhưng bây giờ là 150 triệu USD/km.

Nhưng 150 triệu USD/km là trong điều kiện của nước ngoài, lương công nhân, vật tư khác Việt Nam và họ làm trong điều kiện công nghệ rất cao.

Còn ở Việt Nam, ông Thủy cho rằng, so với giá thế giới, phải giảm ít nhất 15-30%, thậm chí 50%, nếu làm hết sức và hết trách nhiệm có thể giảm giá, bớt chi phí rất nhiều.

Tuy nhiên, thực tế, phía Việt Nam vẫn áp nguyên giá thế giới vào. Thế nên mới có chuyện tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông từ hơn 500 triệu USD đội vốn lên hơn 800 triệu USD, tăng hơn 300 triệu USD do hợp đồng không chặt chẽ.

"Điều này chưa được làm rõ, khiến dư luận đặt câu hỏi có hay không sự thông đồng và lợi ích nhóm ở đây. Tương tự, trường hợp thanh tra tuyến Nhổn - ga Hà Nội, nếu xem xét các yếu tố đầu tư và nhìn thấy logic của việc tăng giá thì có thể phát hiện ra vấn đề. Vấn đề là chúng ta có làm hết sức, công bằng và minh bạch không'', ông Thủy nói.

Trách nhiệm cá nhân

Về trách nhiệm của các cá nhân liên quan, TS Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn, rất nhiều bài học về việc thay đổi giá, đội thời gian, làm hư hỏng công trình xuất phát ở Hà Nội. Chuyên môn kém, ý thức trách nhiệm, đạo đức kém sẽ dẫn đến tiêu cực lớn.

Ông đặt vấn đề về người chịu trách nhiệm. Theo đó, bất cứ công trình nào cũng phải có một người phụ trách, không thể có chuyện tập thể phụ trách..

Với tuyến metro số 3 này, người nào là tổng công trình sư, phụ trách cao nhất thì người đó phải chịu trách nhiệm. Sau đó là liên đới, từ người phía trên TP ký cho tăng giá, tăng thời gian, đến người phía dưới là trưởng phòng, phó phòng, bên tài chính...

''Chịu trách nhiệm ở đây là vấn đề rất phức tạp và nhiều lớp lang vì liên quan đến nhiều thứ. Chẳng hạn, hợp đồng thế nào, trong đó người ta liên kết với nhau ra sao, ràng buộc thế nào, theo thời gian biến động của thị trường thế nào...

Đừng để có chuyện lợi dụng những kẽ hở để tăng giá và coi đồng tiền người dân đóng góp là tiền chùa. Điều đó rất chua xót!" - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII, ngân sách Việt Nam đang rất căng, nợ công sắp lên đỉnh.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là để thất thoát quá nhiều qua những công trình vừa kéo dài vừa đội vốn.

Tuyến metro số 3 là một trong những công trình như vậy nên đòi hỏi phải làm rõ: vì sao nào như vậy, trách nhiệm của ai trong từng khâu một.

"Nếu không làm rõ, không xử lý thì không bao giờ giải quyết dứt điểm được vấn đề này", bà An nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thanh-tra-metro-nhon-ga-ha-noi-tham-dinh-to-cao-the-nao-3337285/