Thanh Trì (Hà Nội): Cán bộ kêu trời vì nhà xây kiểu 'rùa'

Để có tiền đóng cho dự án nhà ở bán cho cán bộ, hàng trăm cán bộ, công nhân viên công tác tại nhiều ban, ngành của huyện Thanh Trì đã phải đi vay mượn khắp nơi, thậm chí là vay nặng lãi. Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, dự án vẫn 'giẫm chân tại chỗ'. Nhà ở không thấy đâu mà số tiền lãi cán bộ vay để mua nhà vẫn được tính hàng giờ, hàng ngày.

Dự án nhà ở cho cán bộ của huyện Thanh Trì sau 5 năm triển khai (ảnh chụp ngày 26/6/2017). Ảnh: Đỗ lực

Khóc ròng… vì vay nóng tiền để mua nhà

Năm 2008, UBND huyện Thanh Trì ra thông báo về chủ trương xây dựng chung cư cao tầng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên chức hiện đang công tác tại huyện. Theo đó, UBND huyện Thanh Trì đã làm các thủ tục, xin UBND TP Hà Nội cho phép huyện lập dự án xin đất xây dựng một khu chung cư cao tầng để giải quyết nhà ở cho cán bộ, công nhân viên. Đến ngày 28/5/2009, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với chủ trương xin đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng để bán cho cán bộ, công nhân viên huyện Thanh Trì tại lô đất trong khu dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Ngũ Hiệp và Tứ Hiệp với quy mô trên 14.000m².

Sau khi hoàn thiện thủ tục, năm 2012, hàng loạt cán bộ, công nhân viên huyện Thanh Trì đã nộp tiền cho chủ đầu tư là Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (Công ty Hanhud - PV). Sự việc sẽ chẳng có gì để bàn luận nếu như năm 2014, chủ đầu tư bàn giao nhà đúng thời điểm theo cam kết trong hợp đồng với cán bộ, công nhân viên huyện Thanh Trì. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Trước tình trạng này, các cán bộ, công nhân viên đã nhiều lần có ý kiến lên lãnh đạo UBND huyện. Và để giải quyết những khúc mắc này, UBND huyện Thanh Trì đã phải tổ chức nhiều buổi họp, đối thoại, trả lời cán bộ, công nhân viên mua nhà.

Là một trong những cán bộ đương chức của huyện Thanh Trì, ông N.T (xin được giấu tên) cho biết, chủ trương xây dựng căn hộ thương mại để bán cho cán bộ, công nhân viên của huyện Thanh Trì rất đáng hoan nghênh. Năm 2008, khi UBND huyện có chủ trương, rất nhiều cán bộ đã hăng hái tham gia, bản thân ông được xét duyệt mua căn hộ hơn 100m2. Để có tiền đóng cho chủ đầu tư, gia đình ông đã phải vay mượn khắp nơi để lo số tiền 300 triệu đồng. Nhưng điều khiến ông thất vọng là đã 5 năm mà phía chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao nhà cho ông, trong khi đó 300 triệu đồng là số tiền ông vay nóng của người ngoài và số lãi mà ông phải trả trong nhiều năm qua đã lên đến hàng chục triệu đồng.

“Số tiền 300 triệu đồng tôi đóng cho chủ đầu tư có một phần gia đình đi vay nặng lãi, một phần vay mượn của bạn bè. Hiện số tiền lãi sau nhiều năm lên đến hàng chục triệu đồng. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng chẳng khá giả gì, người ta suốt ngày đến nhà đòi tiền, còn chủ đầu tư thì “om” tiền của chúng tôi. Tính ra, 300 triệu đồng gửi ngân hàng thì đến nay gia đình cũng để ra được khoản kha khá…”, ông N.T nói.

Tương tự như vậy là trường hợp của ông K. Năm 2012, gia đình ông phải xoay sở 300 triệu đồng để đóng cho chủ đầu tư. Tiền đã trao cho doanh nghiệp nhưng câu chuyện nhận nhà đối với ông và hàng trăm gia đình cán bộ khác của huyện Thanh Trì vẫn xa xôi mù tịt. Ông K cho biết: “Chúng tôi quá mệt mỏi khi theo hợp đồng, chủ đầu tư phải bàn giao nhà vào năm 2014. Thế nhưng đến hiện tại, tòa nhà mới thi công được một phần quá nhỏ. Mới đây, UBND huyện Thanh Trì đã đưa một đơn vị mới vào để tiếp quản việc xây dựng thay cho Công ty Hanhud. Họ hứa đến năm 2018 chúng tôi mới nhận được nhà. Cứ tiến độ này chẳng biết bao giờ nhà mới xong, trong khi hợp đồng và thủ tục giữa chúng tôi và Công ty Hanhud chưa giải quyết xong mà đã chuyển giao cho đơn vị mới. Tôi nhiều khi phát bực vì số tiền vay nặng lãi đóng cho chủ đầu tư để mua nhà…”.

Lỗi tại ai?

Liên quan đến vấn đề trên, ông Vũ Văn Nhàn - Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên huyện Thanh Trì là chủ trương của lãnh đạo UBND huyện. Dự án được giao cho Công ty Hanhud triển khai, tính đến nay tổng số tiền mà các cán bộ, công nhân viên của huyện đóng cho Công ty là 78 tỷ đồng.

Theo ông Nhàn, việc Công ty Hanhud chậm trễ triển khai dự án là do Công ty triển khai dự án vào thời kỳ bất động sản đóng băng. Thêm nữa, cũng có nhiều cán bộ không đóng tiền cho Công ty nên dẫn đến tình trạng chậm trễ. “Anh em có đóng tiền đâu. Có một số người đóng tiền nhưng làm sao Công ty đủ tiền mà xây dựng. Làm móng đã mất hơn 400 tỷ đồng, anh em mới đóng 78 tỷ đồng. Ngoài ra, tiền chuyển quyền sử dụng đất là 130 tỷ đồng rồi. Dự án này là dự án thương mại chứ không phải dự án cho người thu nhập thấp…”, ông Nhàn nói.

Cũng theo ông Nhàn, hiện tiến độ xây dựng dự án đã xong móng 2 tòa nhà A1, A2 đã đến cos 00. Tòa nhà còn lại đã làm xong móng. Hiện UBND huyện Thanh Trì đang xin phép UBND TP Hà Nội chuyển chủ đầu tư. Nói về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Nhàn cho hay: “Chung cư chậm tiến độ là do lỗi của hai bên. Cụ thể, cán bộ không nộp đủ số lượng tiền đã đăng ký, còn bên doanh nghiệp thì không làm tròn trách nhiệm đối với người nộp đủ tiền”.

Đã có hơn 250 trường hợp cán bộ, công nhân viên huyện Thanh Trì đóng tiền cho chủ đầu tư để mua nhà. Trước việc chủ đầu tư thất hứa, tại các cuộc đối thoại giữa chủ đầu tư và những người mua nhà, nhiều cán bộ đóng tiền đã yêu cầu chủ đầu tư phải tính tiền lãi suất theo mức lãi suất của ngân hàng để bù đắp lại số tiền bao năm họ đi vay.

Đỗ Lực

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thanh-tri-ha-noi-can-bo-keu-troi-vi-nha-xay-kieu-rua-2017062711002149.htm