Tháo gỡ những vướng mắc để giải ngân vốn FDI

ND - Từ đầu năm đến nay, việc giải ngân nguồn vốn FDI lại có nhiều tín hiệu khả quan. Điều này hứa hẹn mục tiêu giải ngân nguồn vốn này của cả năm nay có thể đạt được mức 10 đến 11 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nỗ lực, giải pháp để số vốn FDI cam kết lớn trong thời gian qua được thực hiện.

Vốn thực hiện tăng, vốn đăng ký giảm Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm tháng đầu năm, cả nước thu hút được 7,5 tỷ USD vốn FDI, chỉ bằng 77% so với cùng kỳ năm 2009. Trong khi vốn FDI đăng ký sụt giảm thì vốn FDI thực hiện lại có nhiều tín hiệu đáng mừng khi tháng 5 đã có thêm 900 triệu USD của các dự án FDI được giải ngân, nâng tổng số vốn FDI thực hiện từ đầu năm đến nay lên 4,5 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2009. Như vậy, bình quân mỗi tháng vốn FDI thực hiện đạt khoảng 900 triệu USD. Đây là mức khá cao, gần bằng giải ngân vốn FDI giai đoạn trước khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo TS Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đầu tư nước ngoài (Trường đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội), những tín hiệu khả quan về giải ngân vốn FDI từ đầu năm đến nay cho thấy, mục tiêu giải ngân vốn FDI của cả năm 2010 có thể hoàn thành hoặc vượt mức. Sự hồi phục kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài không còn gặp khó khăn hay lo ngại khi triển khai các dự án FDI đã đăng ký, khác với năm trước khi vốn FDI thực hiện giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm 2009, vốn giải ngân FDI chỉ đạt 10 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2008. Số vốn FDI thực hiện từ đầu năm đến nay tăng còn thể hiện niềm tin, cam kết đầu tư lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đáng chú ý, nhiều dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản được tích cực triển khai, do thị trường bất động sản của Việt Nam vẫn đầy hứa hẹn tiềm năng khai thác. Đánh giá lượng vốn FDI thực hiện từ đầu năm đến nay, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành cho rằng, đây là dấu hiệu tích cực đối với các cân đối vĩ mô. Nhờ nguồn vốn FDI thực hiện đạt cao mà cán cân vốn thặng dư khá lớn, do đó cán cân thanh toán tổng thể được cải thiện hơn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Vốn FDI thực hiện lớn cũng góp phần bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển xã hội, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục. Tháo gỡ những "nút thắt" Có thể thấy vốn FDI đăng ký trong những năm gần đây liên tục tăng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giai đoạn 2001-2009, cả nước có hơn 12 nghìn dự án FDI cấp mới và tăng vốn với tổng số vốn đăng ký đạt tới 147,3 tỷ USD, tăng gấp 3,5 lần so với giai đoạn trước (giai đoạn 1991-2000, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm là 43,8 tỷ USD). Năm tháng đầu năm nay, tuy vốn FDI vào Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là mức cam kết khá cao trong bối cảnh các nhà đầu tư chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Với mức vốn FDI cam kết lớn như vậy thì một trong những vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa vốn FDI đăng ký này thành hiện thực. Giai đoạn 2001-2009, khoảng 65% dự án FDI đăng ký đã triển khai thực hiện, với số vốn 47,9 tỷ USD, chỉ chiếm gần 32,5% tổng vốn đăng ký, trong đó vốn của bên nước ngoài đưa vào (gồm vốn góp và vốn vay) khoảng 39 tỷ USD, chiếm 81,5% tổng vốn thực hiện. TS Phan Hữu Thắng cho biết, một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án FDI gặp khó khăn khi triển khai thực hiện là do chưa có mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương thường chậm, trong nhiều trường hợp khiến nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội. Nhiều dự án sẵn vốn nhưng chỉ vì vướng mặt bằng, thủ tục mà không thể triển khai sớm. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Ô-li-vi-ê Giắc-kê phàn nàn, nhiều doanh nghiệp châu Âu phản ánh quy trình phê duyệt đầu tư và thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khó khăn và mất nhiều thời gian. Thủ tục hành chính phức tạp và nhiều khi việc triển khai các luật và quy định không có sự phối hợp và đồng bộ giữa các cơ quan khác nhau làm cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư phải chờ từ năm đến sáu tháng để có giấy phép đầu tư ở Việt Nam. Rõ ràng, thủ tục phải thông thoáng, đơn giản thì nhà đầu tư mới có điều kiện triển khai thực hiện dự án. Còn Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) Giô-xơ-lin Trần thẳng thắn nhận xét, những yếu kém và chậm trễ trong phát triển cơ sở hạ tầng như các tuyến đường liên tỉnh, cầu, điện năng, cảng biển, giao thông đô thị... sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các dự án FDI. Ngoài ra, nhiều dự án FDI đang phải đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao. Nhiều doanh nghiệp đã phải chi số tiền lớn để gửi nhân viên Việt Nam ra nước ngoài đào tạo cho phù hợp. Nhanh chóng giải quyết những bất cập về hạ tầng, thủ tục hành chính và nguồn nhân lực chính là cách tháo gỡ những "nút thắt" hiện đang cản trở luồng vốn FDI vào Việt Nam. Bên cạnh những dự án FDI chậm triển khai do những "nút thắt" nêu trên thì thực tế có nhiều dự án FDI với mức vốn đăng ký lớn đang rơi vào tình trạng "treo", gây lãng phí đất, làm mất cơ hội của nhiều nhà đầu tư khác. Lý do lại xuất phát từ chính các nhà đầu tư (không đủ năng lực tài chính hoặc không đánh giá chính xác nhu cầu thị trường). Một số dự án FDI lớn hàng tỷ USD gần đây đã bị một số tỉnh chuẩn bị rút giấy chứng nhận đầu tư do chậm triển khai, như dự án Bãi biển Rồng với tổng vốn đầu tư 4,1 tỷ USD ở Quảng Nam, dự án Khu liên hợp thép Cà Ná với tổng vốn đầu tư gần 9,8 tỷ USD ở Ninh Thuận... Mặt khác, cũng có một số nhà đầu tư lợi dụng xin cấp phép chỉ nhằm mục đích giữ đất. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại cho biết, gần đây rộ lên nhiều dự án xây dựng các khu du lịch ven biển từ bắc vào nam mà trong số đó có khá nhiều dự án chỉ để giữ đất chờ lên giá hoặc bán lại kiếm lời. Thực tế này đặt ra vấn đề làm thế nào thu hút được những dự án FDI có chất lượng. Theo ông Nguyễn Mại thì chất lượng FDI được đo lường bằng mức độ phù hợp của từng dự án với cơ cấu kinh tế của cả nước, của từng vùng lãnh thổ và từng địa phương. Muốn vậy, cần chủ động lựa chọn, sàng lọc các dự án đầu tư cũng như các đối tác đầu tư, không nên phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài cả về ý tưởng hình thành dự án, quy mô vốn đầu tư, diện tích đất sử dụng... Để ngăn chặn tình trạng xin cấp phép để "chiếm đất", cần thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án, cân nhắc kỹ về tỷ suất đầu tư trên diện tích đất. Làm được điều này, các bộ, ngành cần nâng cao vai trò trong khâu thẩm tra, thẩm định dự án bằng cách tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý FDI. Các đầu mối quản lý FDI tại các địa phương cũng cần thường xuyên rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn để có hướng xử lý kịp thời đối với từng loại dự án, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của những dự án FDI chậm triển khai. Việc giải ngân vốn FDI từ đầu năm đến nay có nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cũng lưu ý rằng, cần xác định rõ trong số vốn FDI thực hiện đó thì bao nhiêu phần trăm là vốn nước ngoài và bao nhiêu phần trăm là vốn trong nước. Bởi không loại trừ trường hợp, có nhà đầu tư nước ngoài đăng ký dự án trong lĩnh vực bất động sản với số vốn lên tới 3 - 4 tỷ USD, nhưng vốn họ mang vào Việt Nam không nhiều, chỉ khoảng 20 đến 30%, còn lại là vay ngân hàng trong nước, huy động vốn trong nước theo hình thức hợp đồng góp vốn. Như vậy, cần có sự kiểm tra cụ thể các dự án, có biện pháp chấn chỉnh để việc thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đúng mục đích và hiệu quả.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=175616&sub=127&top=39