Thảo luận tổ: 'Nóng' các vấn đề về giáo dục và dân sinh

(Baonghean) - Phiên thảo luận tại các tổ trong ngày làm việc thứ nhất, kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII đã trở thành diễn đàn để các đại biểu trao đổi, đóng góp ý kiến phản ánh, kiến nghị đề xuất đối với các vấn đề nóng bỏng, liên quan đến đời sống dân sinh.

>>>Đại biểu HĐND thảo luận nhiều vấn đề 'nóng' của ngành Giáo dục

Chiều 14/12, các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2016, nhiệm vụ năm 2017, các Báo cáo của UBND tỉnh, TAND tỉnh, VKSND tỉnh và các dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII.

Cần giải pháp đột phá để giảm nghèo

>>>Tiếp tục rà soát, thu hồi đất của các công ty nông, lâm nghiệp giao cho dân sản xuất.

>>>Định hướng 'xa lộ nông nghiệp công nghệ cao' ở miền Tây Nghệ An

Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: Đức Anh

Tại tổ thảo luận số 1 gồm các đại biểu HĐND tỉnh được bầu ở các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, các đại biểu đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên một số tồn tại.

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (Quế Phong), cho rằng: Trong báo cáo kinh tế - xã hội được UBND tỉnh trình bày tại kỳ họp đã nêu “đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn”; mà một bộ phận này chủ yếu tập trung ở miền núi. Bởi vậy, cần làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và các địa phương trong việc triển khai các chương trình, dự án; các chính sách giảm nghèo vùng miền núi, dân tộc, kể cả việc giải quyết “hậu” tái định cư thủy điện, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Trên cơ sở đó, có giải pháp tốt hơn để giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc nói riêng.

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (Quế Phong), cho rằng cần làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo ở miền núi, vùng dân tộc.

Cùng đề cập đến vấn đề nâng cao đời sống cho người dân miền núi, đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu) cho rằng: Cần có giải pháp cụ thể trong vấn đề giải quyết việc làm, tạo thu nhập thường xuyên cho người dân. Đại biểu Ngô Đức Thuận (Quỳ Châu) đề nghị tỉnh sớm xử lý dứt điểm việc thu hồi đất từ các nông, lâm trường để bàn giao cho người dân sản xuất; có lộ trình kéo điện về cho các bản khó khăn chưa có điện.

Ngoài ra, nhiều đại biểu kiến nghị cần có chính sách cụ thể trong tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số và ưu tiên tiếp nhận học sinh, sinh viên cử tuyển; quan tâm đến chất lượng dạy và học ở các trường dân tộc nội trú trên địa bàn; quy hoạch các dự án thủy điện tại các huyện miền núi; chú trọng đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào địa bàn miền núi, vùng dân tộc, nhất là các dự án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thúc đẩy phát triển...

Mô hình trường học mới VNEN và xã hội hóa còn bất cập

>>>>Trường học VNEN ở Nghệ An: Bất cập đủ thứ

>>>>VNEN ở Nghệ An: Người khen, kẻ chê - Vì sao?

Tại tổ 3 gồm các đại biểu được bầu tại các đơn vị bầu cử huyện Yên Thành, Diễn Châu, nhiều ý kiến đề cập tới việc triển khai mô hình trường học mới VNEN. Đại biểu Lê Bá Hùng - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị: Ngành Giáo dục làm rõ định hướng về mô hình này vì hiện nay cử tri có nhiều ý kiến trái chiều. Đại biểu Lê Bá Hùng đề nghị: Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền để thông tin đầy đủ đến phụ huynh và người dân về những mặt được và chưa được của mô hình VNEN, không thể để người dân tự tìm hiểu thông tin.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Bá Hùng, đại biểu HĐND huyện Yên Thành đề nghị làm rõ về mô hình VNEN với cử tri.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội tỉnh Nguyễn Thị Thành An khi đại biểu này cho rằng: Sở GD & ĐT cần tiếp thu, làm rõ vì sao phụ huynh phản đối. Đại biểu này cũng thắc mắc đối với việc áp dụng thí điểm mô hình VNEN đối với bậc THCS khi tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT với việc triển khai thí điểm VNEN ở bậc học này phải đảm bảo được quy chế tuyển sinh và trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh. Tuy nhiên, qua khảo sát của HĐND tỉnh có những trường việc đăng ký tuyển sinh đầu cấp, phần lớn phụ huynh chọn không cho con học theo mô hình này nhưng vẫn triển khai.

Nên hay không nên tiếp tục dạy học theo mô hình VNEN trong các trường học, bất cập trong việc thu xã hội hóa giáo dục trong các nhà trường cũng là vấn đề “nóng” tại tổ thảo luận số 2 gồm các đại biểu được bầu tại đơn vị bầu cử thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan - Tổng Biên tập Báo Nghệ An bày tỏ: Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có quan điểm về dạy học theo mô hình VNEN là tùy theo điều kiện thực tế từng địa phương, từng trường và thậm chí từng lớp có thể dừng lại, đặc biệt là không mở rộng ra.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan đưa ra dẫn chứng: Trên cả nước có các địa phương như Vũng Tàu, Bắc Giang, Hà Tĩnh đã dừng mô hình này. “Còn ở Nghệ An, theo kết quả khảo sát thì số giáo viên đáp ứng dạy theo chương trình VNEN chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trình độ, năng lực, lực lượng giáo viên để dạy theo chương trình VNEN chưa chuẩn bị được, cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng được. Nhất là VNEN được áp dụng đại trà trong khi ở các huyện miền núi các cháu tiếng Kinh còn chưa thạo, điều đó cho thấy việc áp dụng mô hình này còn nhiều bất cập - bà Phạm Thị Hồng Toan nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập Báo Nghệ An bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan đến ngành Giáo dục đang được dư luận quan tâm.

Cũng liên quan đến giáo dục, đại biểu Phạm Thị Hồng Toan cho rằng: “Việc thu xã hội hóa trong các trường học gây mệt mỏi cho các địa phương đầu năm học và áp lực cho giáo viên, nhà trường. Đáng lo ngại nhất là sự “biến tướng” của hình thức xã hội hóa đã và đang làm giảm sút nghiêm trọng sự trân trọng, gắn bó, niềm tin giữa xã hội và nhà trường. Chúng ta cần phải nhìn lại một cách thấu đáo, sâu sắc về hình thức xã hội hóa trong trường học”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Minh Quân - Trưởng phòng Quản lý giá công sản - Sở Tài chính Nghệ An đề nghị: Để quản lý tốt nguồn thu này cần giao cho HĐND cấp xã đưa ra quy định mức thu cụ thể để có sự phù hợp với từng địa phương; tránh sự thu chi tùy tiện của hiệu trưởng, tăng cường sự giám sát thu chi của địa phương, cơ quan quản lý nhà nước đối với nhà trường”.

Đại biểu Hoàng Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên đề cập về vấn đề giáo viên dôi dư và cho rằng: Việc luân chuyển giáo viên xuống dạy mầm non là giải pháp của UBND tỉnh, nhưng các địa phương cần linh hoạt trong việc thực hiện chủ trương này. Giải pháp này có thể thực hiện đối với những giáo viên nữ, có tuổi đời còn trẻ, có năng khiếu, còn giáo viên tuổi đời quá cao, giáo viên là nam giới thì không thể thực hiện theo giải pháp này. Đơn cử như huyện Hưng Nguyên, có 25 trường hợp giáo viên dôi dư, có 10 giáo viên đăng ký luân chuyển. Còn những trường hợp khác không phù hợp thì phải chấm dứt hợp đồng.

Cân nhắc đề ra mức trần trong thu xã hội hóa, xử lý nghiêm việc lạm thu trong trường học cũng là vấn đề được đại biểu tổ 5 thuộc các đơn vị bầu cử huyện Đô Lương, Nam Đàn, Anh Sơn quan tâm thảo luận. Đại biểu huyện Đô Lương Ngọc Kim Nam cho rằng: Đối với xã hội hóa giáo dục nhìn chung thực hiện chưa đúng, còn nhiều bất cập, đặc biệt với vùng đặc thù tỷ lệ người dân đóng góp thấp nên đề nghị các ngành chức năng có giải pháp điều chỉnh, có thể đề ra mức trần trong thu xã hội hóa.

Đại biểu Ngọc Kim Nam ( Đô Lương) cho rằng xã hội hóa giáo dục còn nhiều bất cập

Giải trình nội dung các đại biểu nêu về bất cập trong mô hình mới VNEN, đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: VNEN là chủ trương của Bộ GD&ĐT cần phải thực hiện. Tuy nhiên, qua 4 năm triển khai thí điểm ở bậc tiểu học và 2 năm đối với THCS đã có những phản ánh, kiến nghị, sở cũng đã cân nhắc và thận trọng trong triển khai.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi cũng thông tin thêm: Từ năm học 2017 - 2018, việc triển khai VNEN hoàn toàn dựa vào cơ sở tự nguyện của các trường, lộ trình lựa chọn số lượng trường thực hiện mô hình trường học mới trên địa bàn mà sở phê duyệt là phù hợp trên tinh thần lựa chọn các thành tố phù hợp và với tinh thần tự nguyện. Về phụ huynh và các trường phản ứng có nguyên nhân cơ bản do tâm lý đám đông và coi trọng ứng thí của người dân. Vì thế 2 năm nay, sở đã chỉ đạo và có những bước chuyển động điều chỉnh trong thi cử để phù hợp.

Xây dựng nông thôn mới phải dựa trên 3 trụ cột

>>>Cần hướng đến sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới

>>>Xây dựng Nghệ An thành tỉnh điển hình trong phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng nông thôn mới

Đại biểu Xeo Văn Nam (Kỳ Sơn) đề nghị cần khảo sát để dừng mọt số dự án thủy điện tác động nhiều tiêu cực.

Tại tổ thảo luận số 4 gồm đại biểu HĐND tỉnh các đơn vị bầu cử Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Con Cuông, một số đại biểu cho rằng, cần làm rõ hơn chỉ tiêu số xã đạt chuẩn NTM, trong đó cần nâng mức tiêu chí bình quân trong một xã lên và thêm chỉ tiêu số lượng xóm, bản đạt chuẩn NTM.

Nhìn lại thời gian qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông - đại biểu huyện Con Cuông khẳng định, Nghệ An đã gặt hái được nhiều thành công trong xây dựng NTM, song vẫn còn một số bất cập cần thẳng thắn nhìn nhận. Theo ông, NTM phải diễn ra thực chất, theo hướng bền vững và ổn định. Các địa phương cần thống nhất, nhận thức lại mục tiêu thực hiện xây dựng NTM, chú trọng 3 trụ cột chính gồm: Không ngừng nâng mức sống của người dân, tạo sự tiến bộ vượt bậc về văn hóa ở nông thôn và đảm bảo an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong thời gian qua, cho rằng cần có sự đồng bộ hơn thông qua việc tăng cường nhận thức của người dân, nhấn mạnh vai trò tuyên truyền của các cơ quan báo chí.

Cần quan tâm giải quyết ô nhiễm môi trường ở bãi rác Nghi Yên

Tại tổ thảo luận số 8, gồm Đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại các đơn vị bầu cử huyện Quỳnh Lưu và Nghi Lộc, vấn đề ô nhiễm môi trường được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu huyện Nghi Lộc, Trần Xuân Quang nêu lên tình trạng đáng lo ngại tại bãi rác Nghi Yên. Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên là một dự án có quy mô lớn, xử lý rác thải rắn, nhằm thay thế bãi rác thải Đông Vinh, tuy nhiên, trên thực tế chỉ là chôn lấp thủ công và hiện nay đã trở nên quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Xuất hiện tình trạng rò rỉ nước thải chảy ra sông Cấm, vì vậy, tất yếu ảnh hưởng đến môi trường du lịch biển Cửa Lò.

Đại biểu Nguyễn Hữu Lậm - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường

Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Như Khôi - Giám đốc Đài PTTH tỉnh cho rằng: Bãi rác Nghi Yên đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng trên thực tế đã quá tải gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề này người dân đã phản ánh nhiều. Ngoài việc người dân phải mắc màn ăn cơm vì ruồi, muỗi, đóng cửa để giảm mùi hôi thối từ bãi rác còn có tình trạng nước thải rò rỉ chảy xuống sông, ra biển và ngay trong các đợt mưa lớn, quanh khu vực này đã xuất hiện tình trạng cá chết

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Lê Đức Cường - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho rằng: Vấn đề ô nhiễm từ bãi rác Nghi Yên là khó tránh khỏi, vì vậy, tái định cư cho 34 hộ dân tại khu vực này là cần thiết, tuy nhiên, để làm được cần nguồn kinh phí rất lớn. Đại biểu Nguyễn Hữu Lậm - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng cho rằng, về lâu về dài cần tính đến phương án di dời, lập bãi rác khác xa khu vực dân cư...

Giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản

>>>Nghệ An nợ xây dựng cơ bản gần 3000 tỷ đồng

Tại tổ thảo luận số 7 gồm các đơn vị: Thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai, TX.Thái Hòa, các đại biểu đi sâu thảo luận nội dung nợ đọng xây dựng nông thôn mới, các dự án xây dựng chậm triển khai, lạm dụng bảo hiểm y tế...

Đại biểu Hồ Phúc Hợp - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy băn khoăn: Nhiều dự án đã thi công nhiều năm, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chính quyền vẫn chưa trả nợ cho nhà thầu. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh phải đưa ra giải pháp để hạn chế tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Đại biểu Hồ Phúc Hợp cũng cho rằng: Hiện nay cả tỉnh nợ xây dựng NTM khoảng 700 tỷ đồng, đây là một con số rất lớn.

Ngoài ra, một số xã còn nợ tiêu chí trong xây dựng NTM, một số tiêu chí đã đạt nhưng chất lượng tiêu chí ngày càng giảm. Nên chăng đưa ra khỏi danh sách đạt chuẩn NTM đối với các xã nợ tiêu chí, tiêu chí giảm?

Đại biểu Hồ Phúc Hợp đề nghị UBND tỉnh cần có các giải pháp để giải quyết tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản và NTM.

Liên quan đến vấn đề các dự án xây dựng chậm triển khai, đại biểu Trần Văn Hùng - Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh đề nghị: Khi thực hiện các dự án xây dựng trên địa bàn UBND tỉnh cần có sự đánh giá, kiểm tra cụ thể. Khi có ý kiến của người dân thì phải giải quyết dứt điểm, tránh ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Về vấn đề này, đại biểu Hồ Phúc Hợp cho biết thêm, hiện nay có rất nhiều dự án mà tỉnh đã cho chủ trương đầu tư, thậm chí có dự án được tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn án binh bất động. Vì vậy, UBND tỉnh cần phải kiểm tra, rà soát để thu hồi các dự án không triển khai, chậm tiến độ, tránh lãng phí tài nguyên đất.

Đại biểu Võ Duy Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: Bên cạnh các dự án có hiệu quả thì có một số dự án chậm triển khai, có vi phạm về các quy định pháp luật. Trong năm 2016, tỉnh đã thu hồi 13 dự án và các ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục thu hồi 12 dự án chậm triển khai, có vi phạm. “Sang năm 2017, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, các huyện chủ động rà soát lại các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, được giao đất nhưng chậm triển khai, không đủ điều kiện để tiến hành thu hồi, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư”, đại biểu Võ Duy Việt nói.

Ngành bảo hiểm chưa làm tốt công tác tham mưu, thu hồi nợ

>>>Bội chi Quỹ BHYT

>>>Nghệ An không tự cân đối được quỹ Bảo hiểm y tế

Tại tổ thảo luận số 6 gồm các đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử huyện Tương Dương, Thanh Chương, Tân Kỳ, nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề nợ đọng BHXH. Các ông Hồ Đình Trung - Chánh án TAND tỉnh, Tăng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho rằng: So sánh tổng số thu BHXH toàn tỉnh là 4.535,38 tỷ đồng, đạt 100% so với dự toán BHXH Việt Nam và tổng số nợ toàn tỉnh là 117,93 tỷ đồng... chứng tỏ chỉ tiêu giao thu không sát, ngành chưa tham mưu tốt cho BHXH Việt Nam và UBND tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Hữu Vinh – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương điều hành phiên thảo luận tại tổ 6.

Các đại biểu đặt ra vấn đề trách nhiệm của BHXH tỉnh trong việc thu hồi nợ đã tích cực, theo sát doanh nghiệp để đôn đốc hay chưa? Tại sao mấy năm nay không thấy BHXH tỉnh thực hiện khởi kiện để Tòa án xử, Thi hành án dân sự bán tài sản nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động? Bên cạnh vấn đề nợ BHXH, các đại biểu tổ 6 còn quan tâm đến các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, hậu GPMB Quốc lộ 1A…

Nhóm PVTS

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201612/thao-luan-to-nong-cac-van-de-ve-giao-duc-va-dan-sinh-2764635/