Tháo ngòi nổ khủng hoảng chính trị Afghanistan

Afghanistan sẽ phải tổ chức vòng hai cuộc bầu cử vào tháng tới sau khi kết quả điều tra cho thấy có nhiều gian lận ở vòng một.

Sau khi Ủy ban giải quyết khiếu nại bầu cử được LHQ hậu thuẫn loại bỏ 1/3 số phiếu mà Tổng thống Hamid Karzai có được trong cuộc bầu cử ngày 20.8, giới quan sát nhận định rằng Afghanistan sẽ phải tiến hành bầu cử vòng hai. Về mặt pháp lý, do bị trừ đi số phiếu gian lận, ông Karzai chỉ còn lại 48% phiếu bầu, chưa đạt con số tối thiếu để đắc cử tổng thống ngay vòng đầu tiên. Như vậy, bầu cử vòng hai là điều hợp lý và hợp pháp. Và đúng như dự báo, vào hôm qua, hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên Ủy ban Bầu cử Độc lập Noor Mohammad Noor thông báo: "Cuộc bầu cử phải tiến hành vòng hai. Sự kiện này sẽ diễn ra vào ngày 7.11". Ngay sau đó, hãng tin AFP dẫn lời đương kim Tổng thống Hamid Karzai nói rằng việc tiến hành bầu cử vòng hai là một bước tiến cho dân chủ tại Afghanistan. Ông Karzai đưa ra phát biểu trên trong một cuộc họp báo tại Kabul với thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Sự kiện ông Kerry đến Kabul chỉ là một trong những bước đi cho thấy phương Tây đang hết sức lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị ở Afghanistan, quốc gia đang đối mặt với sự trỗi dậy của lực lượng Taliban. Giới chức Mỹ đã nhiều lần tuyên bố họ muốn thấy một "chính phủ hợp lệ" tại Afghanistan nhưng hai tháng sau cuộc bầu cử, chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn chưa thể tìm thấy một chính phủ có thể làm đối tác hợp pháp trong cuộc chiến ngày càng khó khăn để truy quét Taliban. Mặt trận mà ông Obama ưu tiên này, vì thế, vẫn hết sức mờ mịt. Trước khi có quyết định sẽ bầu cử vòng hai, nhiều giải pháp đã được đưa ra để tháo gỡ bế tắc chính trị ở Afghanistan. Giải pháp được bàn tán rộng rãi nhất là một thỏa thuận chia sẻ quyền lực, trong đó ông Karzai có thể có sự nhượng bộ với cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah - đối thủ chính của ông ở vòng bầu cử thứ nhất. Tuy nhiên, phe của ông Abdullah đã tuyên bố họ không chấp nhận một chính phủ liên minh hoặc chia sẻ quyền lực. AP dẫn lời phát ngôn viên của ban vận động tranh cử của ông Abdullah, Fazel Sancharaki, nói: "Một liên minh là đi ngược lại luật pháp và không có lợi cho tiến trình chính trị của đất nước. Nhiệm kỳ của ông Karzai đã hết, chúng tôi không thể chấp nhận ông ấy thêm nữa". Ông Abdullah vẫn coi bầu cử vòng hai là hướng đi tốt nhất. Và đến hôm qua, cuộc khủng hoảng chính trị dường như đã có được lối thoát với quyết định bầu cử vòng hai. Thượng nghị sĩ John Kerry đã gọi vòng bầu cử thứ hai là "cơ hội lớn" cho người dân Afghanistan. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng cuộc bầu cử sắp tới sẽ tránh được bê bối như sự kiện ngày 20.8. Thêm vào đó, mối đe dọa an ninh, chủ yếu từ Taliban, sẽ là một bài toán nữa mà giới chức Afghanistan, cũng như lực lượng của Mỹ, NATO sẽ phải đau đầu để giải. Trùng Quang

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200943/20091020235354.aspx