Thắp sáng ước mơ hoàn lương

Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho phạm nhân đang cải tạo tại các trại giam; tổ chức các chương trình giao lưu để phạm nhân được bày tỏ suy nghĩ của mình, gửi lời xin lỗi đến gia đình và những người bị hại…

Những hoạt động ấm tình người ấy như ngọn lửa thắp sáng con đường hoàn lương của hàng trăm thanh niên lầm lỡ.
Khát khao hoàn lương
Có lần đến trại giam Suối Hai, tôi vẫn không thôi ám ảnh bởi đón tôi là hàng trăm cặp mắt của những phạm nhân đang thi hành án tại đây. Có đến hơn một nửa trong số đó là những gương mặt còn quá trẻ, đôi mắt chất chứa sự tự ti, xen lẫn nỗi ân hận và khát khao mong muốn được hoàn lương. Sinh năm 1997 trong một gia đình làm nông nghiệp ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, dù gia đình không mấy dư dả nhưng Đồng Nguyên Cừ lại rất “sành” ăn chơi. Đùa đòi theo bạn bè đồng trang lứa, chàng trai trẻ đã sa chân vào con đường phạm pháp khi đi cướp tài sản để thỏa mãn bản thân.

Phạm nhân được khám bệnh miễn phí. Ảnh: An Bình

Phạm nhân được khám bệnh miễn phí. Ảnh: An Bình

14 tháng chấp hành án phạt ở trại giam Suối Hai của cậu trai trẻ là quãng thời gian đằng đẵng dài. Cừ thấm thía nỗi khổ của mất tự do, nỗi xót xa của mẹ cha và càng hoang mang hơn khi nghĩ đến con đường tương lai phía trước. Cừ chia sẻ: “Hơn một năm thi hành án, không khi nào em nguôi cảm giác ân hận. Em khao khát được tự do, được trở về bên gia đình. Tuy nhiên, nghĩ đến tiền án đã mang trong lý lịch, em không biết có còn con đường nào cho em trở lại?!...”
Đó cũng là trăn trở của phạm nhân Đào Ánh Dương, cải tạo tại phân trại 1, Trại giam Suối Hai. Phạm tội khi tương lai đang rộng mở trên ghế giảng đường đại học lại càng khiến nỗi xót xa trong Dương lớn hơn bao giờ hết. Anh tâm sự: “Bản thân tôi lúc này rất mong muốn được quay lại là một sinh viên được học tập trên giảng đường. Có lẽ đó là động lực để tôi cố gắng cải tạo tốt hơn nữa. Tôi hi vọng trên con đường hoàn lương của mình sẽ không còn nhiều sự kì thị, xa lánh mà sẽ nhận được sự bao dung, sẻ chia, quan tâm và đồng hành của xã hội”.
Xóa bỏ những định kiến
Đã có lần đến với trại giam Suối Hai, Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội sinh viên Học viện Tài chính thấu hiểu hơn nỗi niềm, sự trăn trở của những con người lầm đường, lỡ bước với khát khao, ước vọng trở về con đường hoàn lương. Chị Hà chia sẻ: “Mình thấu hiểu và cảm thông hơn với những phạm nhân và nghĩ rằng bản thân sẽ chung tay cùng xã hội góp phần xóa bỏ định kiến, giúp đỡ họ khi mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội”.
Cũng từng là một thanh niên trẻ lầm lỡ, anh Nguyễn Đức Hiệp (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội) nhớ lại thời kỳ đầy gian khó khi mới trở về hòa nhập cộng đồng sau thời gian thi hành án phạt tù. Anh chia sẻ: “Có những lúc sự mặc cảm, tự ti khiến tôi bó hẹp cuộc sống của mình, không dám gặp gỡ, chuyện trò cùng ai, chỉ lủi thủi trên căn gác xép”.
Tuy nhiên, bằng sự quan tâm của gia đình, khích lệ, động viên của các tổ chức Đoàn – Hội, anh không chỉ trở lại là chính mình mà còn giúp đỡ nhiều thanh niên từng lầm lỡ như mình tái hòa nhập cộng đồng.
Trao đổi về việc giúp đỡ những người đã lầm lỡ, anh Nguyễn Ngọc Việt - Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội cho biết, chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” được tổ chức định kỳ hàng năm, là một trong những chuỗi hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của xã hội và tổ chức Đoàn, Hội đối với các phạm nhân trong độ tuổi thanh thiếu niên đang cải tạo trong trại giam. Qua chương trình sẽ định hướng cho phạm nhân trong việc thắp lên “Ước mơ hoàn lương”, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội, góp phần giảm tỉ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật trong thanh niên.
Bên cạnh đó, Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội phối hợp với Ban Giám thị các trại giam trên địa bàn TP sẽ xem xét, tuyển dụng các phạm nhân có quá trình cải tạo tốt sau khi mãn hạn tù vào làm việc tại các DN thành viên của Hội. Đây là cơ hội để họ thay đổi bản thân và tìm công việc phù hợp với năng lực của mình.

Có đến hơn 50% phạm nhân trên toàn quốc trong độ tuổi thanh niên. Chính vì vậy, công tác giáo dục phạm nhân nói chung và phạm nhân trong độ tuổi thanh niên học tập, cải tạo tiến bộ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người lương thiện, có ích là nhiệm vụ của toàn xã hội.

Trung tướng Trần Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, Bộ Công an

An Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thap-sang-uoc-mo-hoan-luong-290997.html