Thấp thỏm trên những cây cầu phao cũ nát

Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền TP Hà Nội, hạ tầng giao thông nhiều khu vực đã được nâng cấp đồng bộ, mang tới sự thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của người dân.

Tuy nhiên, ở không ít địa phương ngoại thành như Ứng Hòa, Mỹ Đức hiện vẫn tồn tại những cây cầu phao cũ kỹ, xuống cấp. Mỗi ngày, trên những cây cầu bắc ngang qua sông Đáy này, người dân vẫn bỏ tiền mua vé trong mối hiểm họa rình rập.

Từ thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) đi xuôi sông Đáy, không khó để nhận ra những chiếc cầu phao tự chế nối địa phương này với nhiều vùng thuộc huyện Mỹ Đức. Hơn 20 năm trước, những chiếc cầu phao này là phương tiện chính góp phần “xóa” đò ngang, giúp dân cư trong vùng thông thương, giao lưu hàng hóa. Tuy nhiên, hiện hệ thống cầu phao đã không còn phù hợp, xuống cấp nghiêm trọng và ít được duy tu, củng cố an toàn.

Mặc dù biết cầu phao xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm song người dân vì một chút tiện lợi vẫn “bỏ quên” sự an toàn của bản thân.

Mặc dù biết cầu phao xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm song người dân vì một chút tiện lợi vẫn “bỏ quên” sự an toàn của bản thân.

Cầu phao nối xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) với Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức) là một ví dụ. Theo ghi nhận thực tế ngày 6/8, hiện chiếc cầu phao ở hạ lưu sông đang trong tình trạng đứt làm đôi. Qua phản ánh từ phía người dân, do cách đây ít ngày, mưa lớn làm cho nước sông dâng cao, chảy xiết, cầu lại có cấu tạo thiếu vững chắc nên mới xảy ra đứt rời, tan hoang như vậy. Quan sát “xác” cầu có thể thấy, ngoài thiếu hệ thống lan can kỹ thuật, phần lớn các tấm ván, gỗ lát trên cầu hiện đều đã mục nát. Những dây xích, dây thừng bện giữ trên thân cầu phần nhiều đã hoen gỉ, sờn mục.

Tương tự, cây cầu phao nối thôn Đinh Xuyên (xã Hòa Nam) với thôn Hà Xá (xã Đại Hưng, Mỹ Đức) hiện cũng trong cảnh xuống cấp nghiêm trọng. Theo ghi nhận, dù đã được gia cố bởi những thanh sắt hàn nối lại với nhau nhưng sự sập xệ của cầu khiến không ít người bất an. “Những lúc nước dâng lên mà đi qua cầu khổ lắm. Những người không biết bơi như tôi đi qua cầu rất sợ…” - bà Nguyễn Thị Lan, 46 tuổi, trú tại xã Đại Hưng (Mỹ Đức) bày tỏ âu lo.

Đáng nói, dù được đánh giá là có lượng người lưu thông đông, khối lượng vận chuyển hàng hóa qua lại lớn nhưng cây cầu phao này lại không hề được trang bị biển cảnh báo, áo phao cứu hộ… Thậm chí, ngay cả nhịp dẫn cầu bắc sang thôn Hà Xá cũng chỉ là những ván gỗ ghép tạm bợ.

Nguy hiểm từ việc cầu xuống cấp là hiển nhiên song đáng lo ngại hơn là việc người dân tại những khu vực này thường vì một chút tiện lợi mà sẵn sàng “bỏ quên” sự an toàn của chính bản thân. Có thể lấy ví dụ ở ngay cầu Hà Xá. Theo tìm hiểu, cách địa phương này chừng hơn 1km, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đầu tư xây dựng cây cầu Tế Tiêu khang trang bắc qua sông Đáy. Có cầu Tế Tiêu nhưng vì “ngại” đi đường vòng nên nhiều người dân quanh vùng Đại Hưng vẫn chấp nhận nộp 3.000 đồng/lượt để qua cầu phao.

Thiết nghĩ, thời điểm này đang là cao điểm mùa mưa bão, các ngành chức năng, các địa phương nơi có cầu phao cần chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định khi lưu thông trên cầu. Cùng với đó, các cá nhân được giao quản lý cũng cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình vận hành, thường xuyên gia cố cầu phao… Chỉ như vậy mới giúp hạn chế tối đa những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra trong mùa mưa lũ.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thap-thom-tren-nhung-cay-cau-phao-cu-nat-57777.html