Tháp truyền hình cao nhất thế giới: Lẽ ra, VTV nên dừng sớm hơn

Dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới mà VTV, SCIC từng dự kiến xây dựng có tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD bị các chuyên gia đánh giá là thiếu rõ ràng và đi ngược xu hướng thế giới.

Dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới có kinh phí đầu tư dự kiến lên tới 1,5 tỷ USD

Hoanh nghênh việc VTV và SCIC xin rút khỏi dự án tháp truyền hình cao nhất Thế giới, TS. Lê Đăng Doanh nói: “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, chúng ta rất cần vốn để đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như bệnh viện, trường học, đường giao thông… Đây đều là những nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Việc xây tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới không khác gì sự dửng dưng trước khó khăn của người dân. Cho nên, tôi hoan nghênh việc VTV và SCIC xin rút khỏi dự án tháp truyền hình, đây là một hành động rất kịp thời. Còn câu chuyện có nên xây tháp truyền hình hay không? Hãy chờ tới khi nền kinh tế thực sự khỏe mạnh, vốn dồi dào rồi quyết định sau”.

Trong khi đó, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, các cơ quan quản lý và sử dụng vốn Nhà nước ban đầu không nên nhẹ dạ như vậy. Việc xây tháp truyền hình là đi ngược lại với xu thế của thế giới khi các nước đều chuyển sang làm truyền hình cáp, tín hiệu vệ tinh.

“Toàn bộ hệ thống truyền hình giờ đã chuyển sang truyền hình vệ tinh cả rồi.

Xây một tòa tháp cao như vậy làm gì khi năng lực phục vụ kỹ thuật không còn nữa? Bây giờ, không ai đi xây dựng những “kim tự tháp bằng đá” như vậy cả. VTV là cơ quan hàng đầu về công nghệ, có ảnh hưởng tới dư luận xã hội đáng lẽ phải có quan điểm, tham mưu cho Nhà nước ngay từ đầu chứ không thể tham gia vào dự án một cách nhẹ dạ như vậy được. Việc VTV rút khỏi dự án này là điều tất yếu, nhưng nếu họ rút lui sớm hơn sẽ tốt hơn thay vì muộn mằn như thế này.

Cơ quan quản lý vốn Nhà nước là đơn vị quản lý tiền bạc của người dân, đáng lẽ cần tỉnh táo hơn thì lại tham gia một dự án vô nghĩa. Điều này khiến mọi người không khỏi nghi ngờ về năng lực quản lý tài sản xã hội của họ. Việc SCIC rút khỏi dự án cũng thể hiện năng lực điều hành của Chính phủ, thắt chặt quản lý những khoản chi hoang phí, vô nguyên tắc, gây mất niềm tin của xã hội.

Ngoài ra, tôi thấy việc xây tháp truyền hình đang có sự lồng ghép giữa yếu tố bất động sản với phát thanh - truyền hình. Các DN bất động sản lấy lý do xây dựng những biểu tượng để phục vụ lợi ích của DN, tôi cho rằng đây là cuộc chơi đã lạc hậu. Đất nước ta hiện đang trong giai đoạn phát triển, còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta chưa cần thiết phải xây dựng bất kỳ biểu tượng hoang phí nào hết.

Tất cả mọi thứ, từ đất đai, thời gian, trí tuệ của những người tham gia dự án này, từ thiết kế, phê duyệt tới giải phóng mặt bằng đều là những nguồn lực xã hội. Cần được tập trung vào những công việc có ích hơn là bị huyễn hoặc bởi những dự án viển vông, đầy rẫy ẩn số”.

Liên quan tới vấn đề tháp truyền hình cao nhất thế giới, nếu được xây dựng sẽ nằm ngoài Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, tháp truyền hình là một công trình kỹ thuật. Để tháp phát huy đầy đủ tính năng kỹ thuật vốn có, phải bố trí năng lượng cho hoạt động của tháp.

Ngược lại, nếu mượn danh nghĩa công trình kỹ thuật, để biến tháp thành một bất động sản cho thuê sẽ nảy sinh rất nhiều bài toán hạ tầng.

“Những ai chiếm lợi nhờ công trình kỹ thuật đó phải là người có trách nhiệm đầu tư toàn bộ phần chênh lệch về hạ tầng, từ cấp thoát nước, đường giao thông, không gian công cộng… cho xã hội. Chứ không phải lại tiếp tục đẩy gánh nặng hạ tầng cho xã hội và sử dụng nguồn lực xã hội để đầu tư hạ hầng, còn mình thì ngồi hưởng lợi”, KTS Trần Huy Ánh nói.

Tháp truyền hình Tokyo có chiều cao 634m

Dự án này ngay từ đầu đã bị nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, tài chính đã lên tiếng phản đối. TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, phải cân nhắc thận trọng và xem xét điều kiện kinh tế thực tế.

TS. Nghiêm nói: “Có cần làm như thế không trong khi nền kinh tế của chúng ta đang rất khó khăn như hiện nay? Nợ công tăng cao, nguy cơ vượt ngưỡng an toàn”.

Còn ông Nguyễn Hoàng Hải (Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam - VAFI) cho rằng đây là một dự án tồn tại nhiều rủi ro: “Một đồng của SCIC cũng là vốn nhà nước, bởi nếu sau này dự án không hiệu quả thì Nhà nước mất vốn. Vốn của SCIC không nhiều, dự án như tháp truyền hình nên để tư nhân làm, tiền của họ, nếu thật sự hiệu quả họ mới làm.

Trên góc độ của một nhà đầu tư tài chính, khi nghe thông tin VTV đầu tư tháp truyền hình cao nhất thế giới ở hồ Tây, tôi thấy dự án này không khả thi, thiếu thuyết phục. Lý do, khảo sát của VAFI đã cho thấy tình hình kinh doanh các tòa nhà cao tầng tại VN hiện nay rất khó khăn. Càng cao càng lỗ”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/thap-truyen-hinh-cao-nhat-the-gioi-le-ra-vtv-nen-dung-som-hon-786014.html