Thất bại của Italy, Mỹ cười tươi nhất

Năm 2016 diễn ra với đầy rẫy biến động kinh tế và chính trị nhưng có vẻ như những ngân hàng tại Mỹ đang tận hưởng thời gian của mình trên một ốc đảo yên bình.

Sau tháng 11 bùng nổ, các ngân hàng tại Mỹ tiếp tục được thúc đẩy bởi kết quả trưng cầu dân ý tại Italy. Chiến thắng của phiếu “Bác bỏ” tại đất nước hình chiếc ủng cho thấy chủ nghĩa dân túy đang tiếp tục phát triển, đồng nghĩa với việc các ngân hàng tại đây sẽ ít có khả năng nhận được các gói cứu trợ từ các tổ chức lớn.

Các ngân hàng tại Mỹ, bấy lâu nay bị coi là những kẻ cùng khổ, nay biến thành một đứa con cưng.

Giám đốc Chris Whalen tại Kroll Bond Rating Agency nhận định rằng kết quả trưng cầu dân ý tại Italy rất có lợi cho các ngân hàng Mỹ. Nếu là một nhà đầu tư toàn cầu, đây là thời điểm tốt để nhảy vào lĩnh vực tài chính. Tất nhiên, điểm đến sẽ không phải là châu Âu bởi ở đó không một ai biết mình cần phải làm gì.

Các ngân hàng tại Italy đang gặp vô vàn khó khăn trong việc xây dựng lại niềm tin thị trường.

Vấn đề chính của những ngân hàng này là những khoản nợ xấu. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết tổng giá trị các khoản nợ xấu tại châu Âu hiện nay khoảng 990 tỷ Euro. Trong đó gần 1/3 thuộc về Italy. Các ngân hàng tại đây không có đủ khả năng để chi trả cho những khoản nợ này.

Thủ tướng Renzi tuyên bố ý định từ chức ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố

Nếu đa số ủng hộ đề xuất cải cách hiến pháp của Thủ tướng Matteo Renzi, quyền lực sẽ tập trung hơn về phía chính phủ và các ngân hàng sẽ có thêm nguồn lực trợ giúp. Nhưng khi thực tế diễn ra ngược lại, cơ cấu pháp lý phức tạp sẽ khiến Italy gặp nhiều khó khăn khi muốn thông qua bất kỳ luật lệ này để giúp đỡ ngành tài chính đang ngụp lặn tại đây.

Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng tại Italy sẽ phải tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài, huy động vốn để trang trải cho các khoản nợ xấu – một điều tương đối khó nhằn nếu nhìn vào bảng cân đối tài chính hiện tại.

Các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các ngân hàng Italy trong phiên giao dịch ngày 5/12, điển hình như cổ phiếu của ngân hàng Banca Monte dei Paschi di Siena giảm 4,5%. Trong khi vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết các khoản nợ xấu, cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm hơn 86% trong vòng 12 tháng qua.

Diễn biến chỉ số KBW Nasdaq Bank Index trong 1 năm qua (Nguồn: CNBC)

Trong khi đó, cổ phiếu các ngân hàng tại Mỹ lại đang tận hưởng sắc xanh. Chỉ số KBW Nasdaq Bank Index tăng 1,3% ngay khi mở cửa trong phiên giao dịch ngày 5/12. Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số này tăng hơn 22%, đặc biệt là sau chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Các nhà đầu tư tin rằng chính sách của ông Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng, lãi suất cũng như đơn giản hóa môi trường pháp lý.

Các ngân hàng tại Mỹ càng trở nên hấp dẫn hơn khi nhiều người cho rằng những “con thiên nga đen” tại Anh và Italy sẽ xảy ra phổ biến hơn trên Lục Địa Già, khởi đầu cho sự tan vỡ của Liên minh Châu Âu (EU).

Phó chủ tịch Dick Bove của Rafferty Capital Markets cho rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng tại châu Âu là cơ hội để các ngân hàng tại Mỹ giành lấy thị phần nhờ lượng thanh khoản dồi dào.

Nhiều năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng tại Mỹ không có kết quả kinh doanh khả quan. Tuy nhiên, sự hồi phục của mảng tài chính này trong thời gian gần đây đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu. Vốn hóa của các công ty tài chính Mỹ hiện nay khoảng 2.800 tỷ USD, tương đương 14,8% vốn hóa của chỉ số S&P 500 và đứng thứ 2 trong 11 lĩnh vực của chỉ số này.

Các nhà đầu tư cho biết có một số yếu tố có thể tác động tích cực tới ngân hàng như lãi suất tăng hay chính sách kinh tế của ông Trump.

Mặc dù vậy, vẫn còn những lo ngại về sự phục hồi hiện nay của các cổ phiếu ngân hàng tại Mỹ bởi nhưng yếu tích cực sẽ không đến ngay trong ngắn hạn hay trung hạn.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/that-bai-cua-italy-my-cuoi-tuoi-nhat-2016120610279223p149c165.news