Thật buồn! Đến nghệ thuật đỉnh cao cũng phải 'giải cứu'

Mới đây, Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) lại bắt đầu một chiến dịch “giải cứu” mới...

“Trong không khí” của chiến dịch “giải cứu” thịt heo chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá thịt heo không nhích lên nhiều, dù được “giải cứu”. Thì mới đây, Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) lại bắt đầu một chiến dịch “giải cứu” mới, cũng hệt như chiến dịch “giải cứu” thịt heo. Đó là “giải cứu” nghệ thuật đỉnh cao, được biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, bằng cách kêu gọi công chức, cán bộ trong ngành mua vé đến xem.

Trả lời báo chí về việc “giải cứu” này tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2017, được tổ chức vào ngày 20/6 mới đây, Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thái Bình cho biết: "Chúng tôi có vận động cán bộ, công chức, với quan điểm là phải thương yêu lẫn nhau, có nghĩa là cùng san sẻ các hoạt động của Bộ... Trước khi người bên ngoài thương thì chúng tôi tự thương lấy nhau”.

Sở sỹ quý Bộ phải vào cuộc “giải cứu” như vậy, vì nghệ thuật đỉnh cao biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội chẳng hề được công chúng mặn mà. Số người tìm đến chỉ lác đác như lá mùa thu. Có ngày chỉ bán được có 16 triệu đồng. Với giá vé 1 triệu đồng/chiếc, thì có nghĩa là chỉ có 16 người tới xem, trong khi số ghế của nhà hát lên tới nhiều tới trăm chiếc. 16 triệu đồng, chắc chắn không đủ thuê phòng diễn.

Kỳ lạ thật. Đã gọi là nghệ thuật đỉnh cao, lại được trình diễn trong một không gian sang trọng nhất nước là Nhà hát lớn Hà Nội, thì hẳn phải là những chương trình tuyệt hay, được thể hiện bởi những nghệ sỹ, những nhạc công tên tuổi vào hàng đầu của đất nước. Nhưng vì sao lại bị xã hội hững hờ?

Tục ngữ có câu “Hữu xạ tự nhiên hương”. Nếu diễn hay, diễn đẹp, hợp với công chúng... thì người đời sẽ ầm ầm kéo đến, có ngăn cũng chẳng được. Có hai câu hỏi được đặt ra qua hiện tượng này. Hoặc là trình độ dân mình quá kém, không thể thưởng thức nổi nghệ thuật đỉnh cao. Nói như cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, thì đó là hiện tượng “đàn gảy tai trâu/ Nước xao đầu vịt, ngẫm âu nực cười”. Hoặc tuy mang danh là nghệ thuật đỉnh cao, nhưng thực tế thì lùn tịt, lè tè dưới mặt đất.

Nếu là vì nguyên nhân thứ nhất, thì thật thương cho dân mình. Bao nhiêu năm qua rồi, mà trình độ dân trí vẫn không nhích lên được. Nếu là vì nguyên nhân thứ hai, thì nhân nào quả nấy. Mình kém, mình dở, thì người đời quay lưng, có “giải cứu” đến giời, thì cũng chẳng cứu được.

“Giải cứu” tức là kêu gọi lòng thương, nói như ông Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thái Bình như đã dẫn ở trên, là “trước khi người ngoài thương thì chúng tôi tự thương lấy nhau”. Nhưng, dẫu lòng thương vô bờ, mà túi tiền có hạn, giá vé đắt thì cũng chẳng thương nhau mãi được. Nếu bình quân mỗi cán bộ, công chức trong cơ quan Bộ được 6 triệu tiền lương mỗi tháng, thì chỉ “thương” nghệ thuật đỉnh cao được 6 buổi xem, là cả tháng sống bằng không khí.

Chủ trương đưa nghệ thuật đỉnh cao vào diễn tại Nhà hát lớn là một chủ trương đúng. Nhưng trước hiện tượng trên, Bộ VH-TT&DL nên tìm ra căn nguyên để khắc phục, thay vì “giải cứu” như hiện nay.

VŨ HỮU SỰ

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/that-buon-den-nghe-thuat-dinh-cao-cung-phai-giai-cuu-post196762.html