Thay đổi lớn

SGTT - Sau khi hơn một tháng làm truyền thông về Giờ trái đất, những người tình nguyện làm chương trình này tại Việt Nam nhận được rất nhiều câu hỏi xoay quanh việc làm thế nào để được tham gia. Giới trẻ đang rất nhiệt tình đáp ứng lời kêu gọi này. Điều này khiến những người làm truyền thông cho chương trình vừa mừng vừa lo. Mừng vì Giờ trái đất đang ngày được biết đến rộng rãi hơn. Nhưng lo rằng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu được thông điệp thực sự đằng sau việc tắt điện một giờ, mà chỉ coi Giờ trái đất là một hoạt động thức thời, sành điệu. Giờ trái đất không chỉ là một giờ, mà là một sự nhắc nhở mọi người phải quan tâm bảo vệ môi trường sống và hành tinh của mình khỏi các tác động của biến đổi khí hậu, biến những quan tâm ấy thành những hành động cụ thể trong lối sống hàng ngày của mình.

Sáng kiến tắt điện một giờ được quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WFF) đưa ra vào năm 2007, bắt đầu tại Sydney. Đến nay, Giờ trái đất đã trở thành một hoạt động toàn cầu: bằng cùng nhau tắt điện trong một giờ vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3, con người bày tỏ cam kết giảm bớt khí thải nhà kính CO2, được cho là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam bắt đầu tham gia vào năm ngoái. Năm nay, cho đến thời điểm này đã có 20 tỉnh thành tuyên bố cùng tham gia chương trình. Hàng ngàn tình nguyện viên đã tham gia các hoạt động cổ động, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và môi trường. Với sự tình nguyện hưởng ứng, tham gia của rất nhiều cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp…, Giờ trái đất đã không còn là một hoạt động chỉ do WWF tổ chức. Trên thế giới, tính đến thời điểm này đã có 115 quốc gia công bố tham gia, trong đó có những nước không có đại diện của WWF. Khi phong trào này lan rộng, câu hỏi quay trở về mục đích chính của Giờ trái đất. Vẫn có rất nhiều người nhầm tưởng đây là một hành động nhằm tiết kiệm năng lượng. Có nhiều người lại nghĩ rằng Giờ trái đất có nghĩa là mọi hành động chỉ gói gọn trong một giờ. Đúng là một giờ tắt điện sẽ góp phần tiết kiệm năng lượng, một hành động rất cần thiết, đặc biệt đối với một quốc gia đang phát triển luôn trong tình trạng thiếu năng lượng như Việt Nam. Đa số năng lượng mà con người đang sử dụng hiện nay, từ điện năng đến nhiên liệu, có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. Việc khai thác và sử dụng nhiên liệu này góp phần rất lớn vào việc thải ra khí CO2, loại khí thải dẫn đến hiệu ứng nhà kính, mà các nhà khoa học kết luận là góp phần rất lớn vào sự thay đổi khí hậu toàn cầu: một số nơi nóng lên, một số nơi lạnh hơn, bão, lũ, thiên tai tăng lên ở nhiều vùng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự ấm lên toàn cầu còn đe dọa làm tan băng trên trái đất dẫn đến sự gia tăng mực nước biển, một viễn cảnh mà khi xảy ra, sẽ cướp đi môi trường sống của hàng triệu người trên trái đất, trong đó có Việt Nam. Nhưng, cam kết đối với Giờ trái đất lớn hơn việc tiết kiệm điện và giảm khí thải CO2 trong một giờ. Cam kết này đòi hỏi mỗi người phải quan tâm đến môi trường sống của mình hơn, phải tìm hiểu cách sinh hoạt của mình đang có những tác động tiêu cực đến môi trường như thế nào, và phải tìm cách thay đổi nó. Giờ trái đất là sống có trách nhiệm với môi trường từng giờ, từng ngày. Điều này nói thì dễ, làm thì rất khó. Mỗi người sẽ phải xem lại hành xử hàng ngày của mình để thay đổi: có xả rác bừa bãi không? Có sử dụng vô tội vạ các loại vật liệu không tái chế được không? Có sống phung phí trong những sinh hoạt hàng ngày không? Không phải cứ vì mình có tiền, hoặc đã phải chi tiền, thì không cần phải tiết chế trong sinh hoạt của mình. Những thay đổi tưởng nhỏ này, nếu tất cả mọi người đều thực hiện, sẽ tạo ra một thay đổi lớn nhìn thấy được với môi trường xung quanh mình. Không cần phải tranh cãi về biến đổi khí hậu, một vấn đề to tát và có thể ngoài tầm nắm bắt của người dân bình thường. Không khó để thấy môi trường thiên nhiên, môi trường sống ở Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng, tỷ lệ nghịch với tốc độ phát triển kinh tế trong những năm qua. Người dân đang ngày một ý thức về quyền được sống trong một môi trường tốt hơn. Sự kiện Giờ trái đất, diễn ra vào 8g30 tối ngày 27.3 tới đây, chỉ thành công khi nó là một trong rất nhiều hành động tạo ra sự thay đổi tốt hơn cho môi trường ở Việt Nam, mà chúng ta sẽ chứng kiến. Lan Anh ảnh Đăng Khoa Đêm “Thơ, sân khấu và trái đất” Hưởng ứng chiến dịch “Hành động nhỏ cho thay đổi lớn” nhân ngày Trái đất – 27.3.2010, công ty CP TM&DV Sài Gòn Truyền Thông (Saigon Media) tổ chức chương trình “Thơ, sân khấu và trái đất” tại ba địa điểm: ngoại sảnh bảo tàng Lịch sử, sảnh trước Đền Hùng, từ 19g30 đến 21g30 trong khuôn viên Thảo cầm viên, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 với hai chương trình không gian “Thơ và trái đất”, không gian “Sân khấu và trái đất”; và tại nhà hát Sân khấu nhỏ với vở kịch Dòng nhớ được trình diễn trong một không gian khác lạ với ánh sáng tỏa ra từ những ngọn đèn dầu (vào lúc 20g30 tại số 5B Võ Văn Tần, Q.3). Đây cũng là hoạt động thú vị kỷ niệm ngày Sân khấu thế giới (27.3.2010). C.T

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail3.aspx?columnid=3&fld=htmg/2010/0325/64743&newsid=64743