Thay đổi tư duy trong xây dựng thương hiệu quốc gia

Trong bối cảnh những rủi ro về môi trường, tác động xấu từ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu của quốc gia, thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến tăng trưởng xanh là mục tiêu hết sức quan trọng.

Đã có nhiều mô hình doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; xây dựng thương hiệu "xanh", trong đó chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường, giảm tác động đến hệ sinh thái... Tuy vậy, kết quả đạt được vẫn ở mức rất khiêm tốn.

Xu thế tất yếu của toàn cầu

Các tổ chức quốc tế đưa ra khái niệm về tăng trưởng xanh là sự gia tăng kinh tế dài hạn mà không làm suy giảm các yếu tố tự nhiên, đồng thời bảo đảm các nguồn tài nguyên, môi trường không bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế. Các chuyên gia nhận định, tăng trưởng xanh đang là xu thế tất yếu ở tất cả các quốc gia để hướng tới phát triển bền vững. Đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, bền bỉ của các nước.

Sản phẩm rau sạch của Hợp tác xã rau Mỹ Hưng tại siêu thị Co.opmart Tam Kỳ, Quảng Nam. Ảnh: TTXVN

Các nước phát triển trên thế giới đã ngày càng chú trọng đến tăng trưởng xanh, bền vững trong quá trình phát triển nền kinh tế. Ví dụ như nước Đức đã chủ động thực hiện nền kinh tế xanh. Từ năm 2002, quốc gia này đã đưa ra những chính sách môi trường đầy tham vọng. Đó là thực hiện khung chính sách để phát triển bền vững trên nguyên tắc môi trường được bảo đảm, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tránh biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo. Thực tế, có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới ở nhiều quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã xây dựng được thương hiệu bền vững từ rất lâu. Nhưng trước xu thế phát triển xanh của toàn cầu, những tập đoàn này đang từng bước thay đổi căn bản phương thức phát triển cũng như cách tiếp cận người tiêu dùng. Các sản phẩm do họ sản xuất như: Thực phẩm, đồ uống, ô tô... đã chú trọng đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, giảm tiêu hao năng lượng.

Còn tại nước ta, theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đã đưa ra chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh để thúc đẩy tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế nền kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vào năm 2012. Chiến lược này sẽ tiếp tục đóng góp cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, giảm nghèo và bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Chiến lược với 3 nhiệm vụ chính là: Giảm khí thải các-bon; xanh hóa sản xuất với mục tiêu khuyến khích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp xanh dựa trên công nghệ thân thiện với môi trường và nhiệm vụ cuối cùng là xanh hóa lối sống, thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Năm 2014, Việt Nam cũng đã đưa ra chương trình hành động cho tăng trưởng xanh với 12 nhiệm vụ, chia thành 66 hành động cụ thể liên quan đến tất cả các bộ, ngành, doanh nghiệp. Tháng 11-2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hành động cho phát triển bền vững, trong đó có 65 chỉ tiêu liên quan đến tăng trưởng xanh.

Thương hiệu xanh là "vũ khí" chiến lược của các doanh nghiệp

Những năm gần đây, khuynh hướng tiêu dùng xanh, sạch của người Việt Nam ngày càng phổ biến không chỉ ở thành thị mà ngay ở khu vực nông thôn. Theo nghiên cứu đo lường niềm tin người tiêu dùng của Công ty TNHH Nielsen Việt Nam, sức khỏe là một trong 6 mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng và tăng dần lên vị trí quan trọng hơn. Người tiêu dùng khi mua hàng hóa rất quan tâm đến các yếu tố có liên quan đến sức khỏe, chú trọng đến các sản phẩm hữu cơ, cam kết của doanh nghiệp và sẵn sàng trả mức giá cao để mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ minh bạch.

Các nông sản sạch có xuất xứ nguồn gốc được trưng bày tại Trung tâm tư vấn, giới thiệu và bán nông sản thực phẩm an toàn (TP Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Chuyên gia kinh tế Vũ Xuân Trường (Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) khẳng định, xây dựng thương hiệu xanh chính là vũ khí chiến lược cho các doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn. Các quốc gia phát triển đã rất đề cao những tập đoàn, doanh nghiệp có thương hiệu chú ý đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong quá trình phát triển thương hiệu. Tại Việt Nam, trong xu thế toàn cầu hóa, các doanh nghiệp cũng rất nhanh nhạy với việc xây dựng thương hiệu xanh. Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Trường cũng tỏ ra băn khoăn: Để phát triển thương hiệu xanh, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp là mâu thuẫn giữa hai mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Bởi vì cộng đồng doanh nghiệp hiện nay phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, năng lực tài chính yếu, trong khi phát triển sản phẩm xanh cần đầu tư rất lớn. Công nghệ xanh trên thế giới có rất nhiều nhưng thực tế áp dụng tại doanh nghiệp còn hạn chế do chi phí, nhân lực chưa đáp ứng cũng là trở ngại không nhỏ.

Một trong những nguyên nhân khiến người dân cũng như doanh nghiệp chưa quan tâm đến các mô hình tăng trưởng xanh đó là Chính phủ đang thiếu những cơ chế, chính sách để khuyến khích. Qua tìm hiểu được biết, hầu như các doanh nghiệp chưa được hưởng những ưu đãi, cơ chế thuận lợi để phát triển sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh. Ông Đào Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Rose Park Việt Nam-một trong số ít các doanh nghiệp đang theo đuổi mô hình phát triển nông nghiệp xanh trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: Mặc dù trong nhiều văn bản đã đề cập đến vấn đề này nhưng chính sách chưa đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi để phát triển nông nghiệp xanh, nhất là khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi và đất đai. Trong khi đó, các địa phương đang mâu thuẫn giữa chính sách phát triển môi trường với các chính sách tăng trưởng kinh tế. Một mặt, các địa phương luôn muốn môi trường bền vững, nhưng mặt khác vẫn có nhiều chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút các doanh nghiệp về địa phương đầu tư nhưng còn thiếu các cơ chế giám sát cũng như xử phạt.

Các chuyên gia nhận định, khi những lợi thế về nhân công, giá thành sản phẩm không còn là thế mạnh để các doanh nghiệp cạnh tranh sản phẩm trên thị trường thì việc xây dựng được thương hiệu xanh, tăng trưởng bền vững là xu hướng tất yếu các doanh nghiệp phải hướng đến. Doanh nghiệp cần xây dựng được niềm tin từ khách hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường; luôn đặt vấn đề sức khỏe vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm để cung cấp cho khách hàng và có một chiến lược trọng tâm về phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững… Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu Việt Nam không sớm có các thương hiệu xanh quốc gia trên thị trường thế giới thì sẽ tiếp tục rơi vào thực trạng đáng buồn như những mặt hàng nông sản chủ lực, xuất khẩu nhiều nhưng giá trị không cao. Muốn có thương hiệu thì cần phải có uy tín của sản phẩm trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận, bảo đảm được lợi ích cho người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất.

Xây dựng thương hiệu chính là xây dựng lòng tin từ người tiêu dùng. Muốn có được thương hiệu xanh, muốn doanh nghiệp có được sự phát triển bền vững trong tương lai thì đây là câu chuyện rất dài hơi, rất tốn tiền của và phải bắt đầu từ quyết tâm của người chủ doanh nghiệp, từ nhà sản xuất đến phân phối, tái chế, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước để Nhà nước có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng khuyến cáo: Việc thúc đẩy các thương hiệu Việt Nam hướng tới phát triển xanh để tạo một nền kinh tế xanh cho đất nước thì vai trò của Nhà nước đặc biệt quan trọng. Khâu quản lý, giám sát phải được thực hiện tốt, tạo sự minh bạch mới xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Mặt khác, cần truyền thông rộng rãi để không chỉ doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất xanh, tiêu dùng xanh.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thay-doi-tu-duy-trong-xay-dung-thuong-hieu-quoc-gia-505316