Thấy gì qua thương mại điện tử xuyên biên giới?

Thương mại điện tử xuyên biên giới (CBE) đang xóa mờ các ranh giới thương mại truyền thống và tạo cơ hội ngang hàng hơn cho các nhà kinh doanh nhỏ lẻ và từng cá nhân.

Thống kê riêng mô hình B2B của Alibaba cho thấy hàng ngày có 160 triệu người mua toàn cầu mang lại giá trị giao dịch trung bình khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam nằm trong tốp 7 thị trường lớn với khoảng 28 triệu người mua hàng trên Alibaba. Ảnh: MAI LƯƠNG

Kết quả khảo sát 2016 của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin trong khối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cho thấy 32% doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn TMĐT quốc tế và 49% có trang web. Trong số doanh nghiệp xuất, nhập khẩu có trang web thì tỷ lệ sử dụng tên miền .vn là 46% và tên miền quốc tế là 54%, tỷ lệ trang web có ngôn ngữ nước ngoài là 63%.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng tên miền quốc tế cao hơn nhiều các doanh nghiệp chú trọng tới thị trường trong nước. Những con số này cũng cho thấy xu hướng các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng các sàn TMĐT quốc tế ngày càng phổ biến nhờ hiệu quả mang lại từ các mô hình này ngày càng rõ nét. Họ cũng là khối kinh doanh tích cực tham gia các dịch vụ công trực tuyến và có tới 86% doanh nghiệp áp dụng hải quan điện tử.

28 triệu người Việt mua trên Alibaba

TMĐT xuyên biên giới (CBE) đang chiếm tỷ lệ 21% trong tổng doanh thu TMĐT toàn cầu. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc, doanh số CBE đã vượt 1.000 tỉ đô la Mỹ năm 2016 và mức tăng trưởng trung bình hàng năm 30% kể từ năm 2008. Hiện chưa có con số thống kê của thị trường Việt Nam về giao dịch CBE nhưng thử nhìn toàn cảnh giao dịch này qua Alibaba - sàn giao dịch B2B (nơi các doanh nghiệp mua bán hàng với nhau) lớn nhất thế giới. Chỉ tính riêng lượng tài khoản ở Việt Nam trên trang web Alibaba.com trong năm 2016 đã đạt nửa triệu thành viên và trong ba năm gần đây, số thành viên mới tăng trung bình 100.000 mỗi năm, cao gấp 10 lần giai đoạn trước năm 2009.

Trong ba năm 2014-2016, Fado hỗ trợ khách hàng Việt Nam mua trực tuyến hơn 80 triệu sản phẩm trên Amazon, trong khi đó sàn này chỉ hỗ trợ được 20 doanh nghiệp Việt Nam đưa khoảng 100 sản phẩm lên bán trên Amazon.

Thống kê riêng mô hình B2B của Alibaba cho thấy hàng ngày có 160 triệu người mua toàn cầu mang lại giá trị giao dịch trung bình khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam nằm trong tốp 7 thị trường lớn với khoảng 28 triệu người mua hàng trên Alibaba. Theo ông Trần Đình Toản, Tổng giám đốc OSB - đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba tại Việt Nam, trước đây đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa chú trọng tới ứng dụng TMĐT cho hoạt động xuất, nhập khẩu vì năng lực vận hành trực tiếp còn hạn chế thì những năm gần đây các doanh nghiệp lớn đã chuyển dịch mạnh sang xu hướng này, xem kênh thương mại trực tuyến là công cụ quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường toàn cầu.

Với quy mô và sự sôi động của người mua hàng Việt Nam, năm 2016, lần đầu tiên liên minh hỗ trợ CBE tại Việt Nam được thành lập gồm Alibaba, OSB, VPBank và PTI với gói giải pháp liên kết hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến, từ tìm kiếm nhà nhập khẩu đến các khâu đảm bảo tài chính và bảo hiểm hàng hóa. Ông Toản cũng khuyến cáo, các mô hình TMĐT hiện rất biến động, nếu trước đây người ta đề cập nhiều đến các giao dịch B2B, B2C (giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng), C2C (giữa người tiêu dùng với nhau) thì hiện nay là sự đan xen giữa các mô hình khác nhau như B2B2C, B2C2C... “Trong xu thế phát triển đó, dự báo chỉ thời gian ngắn tới, thế giới sẽ không cần đề cập đến khái niệm TMĐT như một mô hình mà nó hiển nhiên là ứng dụng cần thiết trong cuộc sống”.

Bất cân đối giữa mua và bán

Thực tế cho thấy CBE Việt Nam chưa bắt kịp xu thế của thế giới bởi sự mất cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Hiện các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu qua các sàn B2B nhưng hình thức B2C chưa được họ quan tâm. Khối khách hàng cá nhân đang tạo ra sự chênh lệch lớn trong giao dịch CBE với chủ yếu người mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài cao cách biệt với chiều ngược lại.

Thống kê trên Fado.vn, một sàn “hậu cần” hỗ trợ người mua trực tuyến trên sàn giao dịch B2C lớn nhất thế giới Amazon.com cho thấy, trong ba năm 2014-2016, Fado hỗ trợ khách hàng Việt Nam mua trực tuyến hơn 80 triệu sản phẩm trên Amazon, chủ yếu là hàng thời trang, điện tử, vật dụng cho mẹ và bé... Trong khi đó sàn này hỗ trợ được 20 doanh nghiệp Việt Nam đưa khoảng 100 sản phẩm lên bán trên Amazon, chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp từ thiên nhiên hay các sản phẩm máy móc có công dụng đặc thù do người Việt sản xuất.

Các doanh nghiệp cho rằng yếu tố quan trọng chi phối sự chênh lệch này là do hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng, đặc biệt thu hút giới trẻ thành thị. Trong khi các nhà sản xuất Việt Nam cũng chưa chú trọng đúng mức tới kênh xuất khẩu trực tuyến; về chất lượng, hình thức, giá cả thì nhiều sản phẩm trong nước chưa cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự của nhiều nước khác.

Các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, eBay, Rakuten... có uy tín rất cao trong khi các nhà bán hàng trực tuyến trong nước chưa có đủ uy tín và sự tin cậy ngay từ chính khách hàng trong nước. Chưa kể chi phí hoàn tất đơn hàng đối với các hợp đồng mua hàng trực tuyến từ nước ngoài vẫn thấp hơn chiều ngược lại là một bất lợi lớn cho nhà bán hàng trong nước.

Hiện tại Việt Nam, nhiều sàn thứ cấp hỗ trợ giao dịch CBE ra đời nhắm đến nhu cầu của người mua và bán. Họ cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng trọn gói từ thanh toán, vận chuyển, thông quan, giao hàng đến đổi trả với chi phí thấp hơn từng khách mua lẻ. Ông Phạm Tấn Đạt, CEO của Fado.vn, cho biết Fado như một hạ tầng logistics phục vụ cho nhu cầu của các khách hàng cần được đảm bảo quyền lợi và tránh được những rủi ro trong giao thương quốc tế. Cả người mua và người bán đều phải đối mặt với các trở ngại của CBE trong các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, luật pháp, hải quan trong khi tỷ lệ gian lận thương mại cao, phương thức thanh toán, chi phí logistics hay các dịch vụ hậu mãi.

Theo ông Đạt, để xuất khẩu theo kênh B2C thành công, uy tín người bán và phản hồi của cộng đồng mua hàng là hai yếu tố quan trọng nhất đảm bảo giao dịch B2C thành công. Đa số các nhà cung cấp Việt Nam chưa quan tâm xây dựng hai yếu tố này. Bên cạnh đó, khi xuất khẩu quy mô nhỏ thì các doanh nghiệp không đủ nguồn lực nắm vững tất cả các vấn đề liên quan đến bán hàng tới người dùng cuối ở nước ngoài, từ chính sách nhập khẩu, hải quan, thanh toán, tiếp thị, hậu mãi, giao nhận... kể cả các tiêu chuẩn, chứng nhận phù hợp với yêu cầu của thị trường Mỹ nói chung và Amazon.com nói riêng cho từng sản phẩm cụ thể. Đối với nhập khẩu trực tuyến, các chính sách, nghị định, thông tư hướng dẫn giao dịch CBE chưa rõ ràng cũng khiến những đơn vị cung cấp dịch vụ như họ gặp nhiều khó khăn.

Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion:

Hoàn thiện hạ tầng hậu cần cho TMĐT

Trên thế giới, thanh toán điện tử là một phần không thể thiếu trong TMĐT. Tại Việt Nam, các trung gian thanh toán được thí điểm mô hình ví điện tử từ 10 năm trước, đến gần đây Ngân hàng Nhà nước mới chính thức cấp phép cho khoảng 20 đơn vị trong lĩnh vực này. Trước đây, khi lượng giao dịch TMĐT còn nhỏ, các thương nhân (người buôn bán nhỏ lẻ) vẫn có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán khác như COD (nhận hàng trả tiền). Tuy nhiên khi lượng giao dịch tăng nhanh sẽ kèm theo các rủi ro về quản lý tiền, dòng tiền... các nhà kinh doanh TMĐT chắc chắn sẽ phải quan tâm và ưu tiên hơn cho hình thức thanh toán điện tử. Trong xu thế thị trường đó, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cũng phải liên tục hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ để tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Nếu nhìn lại khoảng 10 năm song hành giữa thanh toán điện tử với TMĐT sẽ thấy những bước dịch chuyển không phải dễ dàng. Ví dụ, Payoo tham gia thị trường (2008) bắt đầu từ dịch vụ ví điện tử và cổng thanh toán điện tử, ngay từ đầu nhằm cung ứng cho các doanh nghiệp TMĐT kết nối đến người dùng để họ mua sắm dễ dàng. Những nhà phân tích thị trường từng đánh giá đó là thời điểm chuẩn bị cho sự bùng nổ TMĐT Việt Nam và thanh toán điện tử là hậu cần tất yếu, như là dòng máu lưu thông hỗ trợ TMĐT. Tuy nhiên, nhiều năm sau TMĐT vẫn chưa thực sự bùng nổ, và cũng như TMĐT, quá trình phát triển trung gian thanh toán đã gặp phải rào cản lớn về thói quen tiêu dùng.

Tuy nhiên TMĐT hiện đã đạt được bước tiến lớn, dịch vụ đa dạng và giao dịch sôi động hơn rất nhiều. Nếu trước đây chúng ta chỉ có thể mua vé máy bay của một vài hãng thì hiện có thể mua cả vé tàu, vé xe, các loại vé giải trí...; hàng hóa TMĐT đa dạng và giá trị giao dịch tăng dần... Sau giai đoạn quan sát và chuẩn bị, hầu hết thương nhân và nhà bán lẻ lớn đã chính thức tham gia thị trường và xem TMĐT là kênh bán hàng chính trong tương lai. Có thể thấy rõ sự dịch chuyển mạnh ở tất cả các chuỗi bán lẻ như Thế giới di động, Co.opmart, Vingroup... cho đến các chuỗi nước ngoài đầu tư như Aeon, Lotte, Central Group... Đặc biệt, các sàn TMĐT và các merchant lớn đã đầu tư tài chính mạnh hơn như Lazada, Tiki, Adayroi...

Ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty DKT, Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT:

TMĐT vẫn đang ở giai đoạn phổ cập

Vì sao TMĐT Việt Nam cứ được xem ở dạng “tiềm năng” mặc dù đến nay hạ tầng cho TMĐT có thể xem đã đạt yêu cầu? Vấn đề nằm ở cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Kinh doanh lướt sóng, theo mùa vụ, không giữ uy tín đang là vấn đề ngăn cản lớn cho TMĐT. Ở góc độ doanh nghiệp, điều này ngăn cản sự phát triển bền vững, lâu dài và khó tăng quy mô. Ở góc độ người tiêu dùng, niềm tin vào TMĐT không cao và họ khó chi tiêu cho các mặt hàng giá trị lớn, làm kìm hãm sự phát triển chung.

Tuy nhiên, nếu đánh giá TMĐT Việt Nam phát triển chưa xứng với tiềm năng cũng không hoàn toàn chính xác, bởi thực ra chúng ta vẫn đang “phổ cập TMĐT”, vẫn ở giai đoạn chứng minh hiệu quả của TMĐT với doanh nghiệp và người tiêu dùng, khuyến khích họ tham gia thị trường. Chúng ta thử so sánh cùng thời điểm 2015, Mỹ có doanh thu TMĐT chiếm 7,4% tổng doanh thu bán lẻ, con số này tại Trung Quốc là 13,5%, Hàn Quốc 11,2% còn Việt Nam 2,8%. Con số khiêm tốn này cũng cho thấy tiềm năng TMĐT Việt Nam còn lớn đến mức nào.

Hoàng Duy

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/157985/thay-gi-qua-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi.html/