Thấy gì từ 3 vụ việc vướng mắc về đất đai?

Các vụ việc liên quan đến đất đai thường phức tạp. Cán bộ và cơ quan chức năng khi tiếp nhận, xử lý kiến nghị của người dân cần lắng nghe, xem xét hồ sơ, nguồn gốc đất một cách cẩn trọng, trách nhiệm để trả lời, giải quyết thấu tình đạt lý. Tuy nhiên, qua 3 vụ việc dưới đây cho thấy, nhiều địa phương còn thiếu trách nhiệm trước những thắc mắc, kiến nghị của người dân, dẫn đến bức xúc và đơn thư vượt cấp, kéo dài.

* Nên xem xét, đối chiếu hồ sơ địa chính để có quyết định chính xác

Năm 1960, gia đình bà Bùi Thị Tuyết trú tại phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình khai hoang thửa đất hơn 500m 2 tại đầm Quỳnh Lâm (thuộc phường Phương Lâm). Gia đình bà Tuyết làm đơn xin xác nhận nguồn gốc thửa đất và được ông Nguyễn Văn Khuê, Phó chủ nhiệm HTX xác nhận. Khi triển khai công trình đường Trần Hưng Đạo (giai đoạn II), Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng thị xã Hòa Bình (nay là TP Hòa Bình) đã tiến hành kiểm tra, xác minh có thu hồi 146,8m2 tại thửa số 86, tờ bản đồ số 22 của gia đình bà Tuyết và đền bù gần 24 triệu đồng. Ngày 29-4-2006, đơn vị thi công là Chi nhánh Tổng công ty Thành An (Bộ Quốc phòng) có biên bản xin mượn 168m 2 của gia đình bà Tuyết và đến ngày 30-6-2006 đã bàn giao trả lại.

Ngày 25-12-2007, bà Tuyết làm đơn gửi UBND phường Phương Lâm xin đăng ký quyền sử dụng 366m2 đất còn lại để làm cơ sở kinh doanh và nhà ở. UBND phường Phương Lâm xác nhận và ông Quách Tùng Dương, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình đã ký giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, ngày 11-4-2017, UBND phường Phương Lâm ra Quyết định số 41/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình của gia đình bà Tuyết với lý do là đã xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng tại thửa đất số 48, tờ bản đồ số 23… Thực tế không phải như vậy. Thửa đất số 48, tờ bản đồ số 23 với diện tích 11.705,30m2 của HTX Nghĩa Phương được thu hồi để triển khai một số công trình, như: Công viên Tuổi trẻ TP Hòa Bình; trụ sở Công an tỉnh; đường Chi Lăng; trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường; diện tích còn lại do Chi cục Phát triển nông thôn và Chi cục Thuế quản lý.

Nguyện vọng của gia đình bà Tuyết là các cơ quan chức năng của địa phương sớm kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ địa chính để làm rõ nguồn gốc thửa đất. Trên cơ sở đó có hướng giải quyết phù hợp, đúng quy định của pháp luật.

VĂN THI

* Có hay không việc cắt đất di tích đem cho thuê?

Theo “Lý lịch di tích kiến trúc nghệ thuật đình Đấu (đền Vật)” của Bảo tàng tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội): Di tích lịch sử văn hóa này thuộc thôn Quế Dương, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội với diện tích 18.095m 2 , thuộc thửa đất số 61A. Trước đây, khu vực đình Đấu có nhiều cây cổ thụ, góp phần cải thiện môi trường sinh thái cho cả vùng. Đầu năm 1980, UBND xã cho chặt, chỉ để lại vài cây vải, nhãn hơn 100 tuổi. Tháng 3-1994, UBND xã cắt hơn 13.000m 2 đất giao cho hộ ông Nguyễn Duy Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cát Quế và ông Nguyễn Như Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Quế thuê để sản xuất nông nghiệp. Khu di tích chỉ còn lại 3.394m 2 và hiện đang bị quây bằng lưới mắt cáo để trồng bưởi, nuôi vịt.

Di tích lịch sử văn hóa Đình Đấu hiện nay chỉ còn lại vùng lõi, gồm đền thờ chính và ba gian nhà ngang. Ảnh: Hoàng Hải.

Theo ông Nguyễn Khắc Cường, Trưởng ban Khánh tiết thôn Quế Dương: Gần 20 năm qua, việc UBND xã Cát Quế cắt phần lớn diện tích đất trong khu di tích cho tư nhân thuê, không chỉ xâm hại tới khu di tích mà còn gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội ở địa phương.

Thế nhưng trong Quyết định số 1329/QĐ-UBND ngày 20-3-2015 của UBND huyện Hoài Đức kết luận: “Diện tích đất nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đình Đấu thuộc thửa đất số 61B là đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích do UBND xã Cát Quế quản lý. Việc UBND xã Cát Quế cho một số hộ gia đình, cá nhân thuê thầu để sản xuất nông nghiệp thời hạn 5 năm là đúng quy định của pháp luật về đất đai, không xâm phạm đến diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích”.

Quyết định này đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội ở địa phương. Người dân địa phương tha thiết đề nghị UBND TP Hà Nội sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm những vi phạm.

ĐỨC LONG

* Lãnh đạo TP Hải Dương “bỏ quên” căn cứ quan trọng?

Trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Dịu ở phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã được Báo Quân đội nhân dân phản ánh trên số báo ra ngày 3-5-2017. Sau đó, UBND tỉnh có Công văn số 1117/UBND-VP, nêu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: Yêu cầu UBND TP Hải Dương kiểm tra, xác minh cụ thể nội dung Báo Quân đội nhân dân đăng, trả lời công dân theo quy định của pháp luật; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và thông tin đến Báo Quân đội nhân dân biết trước ngày 31-5-2017. Nhưng đến nay, sự việc vẫn rơi vào im lặng.

Liên quan đến sự việc nhà bà Dịu, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng TP Hải Dương đã có Báo cáo số 201/BC-GPMB ngày 12-8-2008, đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với gia đình bà để thay thế phương án bồi thường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại đợt 7.

Cụ thể, theo báo cáo này, diện tích đất gia đình bà Dịu đang quản lý sử dụng và phải thu hồi giải phóng mặt bằng là 88,2m 2 . Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư: Bồi thường theo đơn giá đất ở với diện tích 68,0m 2 có trong bản đồ 299; bồi thường theo đơn giá đất ở nhưng phải nộp lại 50% tiền sử dụng đất đối với diện tích 11,36m 2 sử dụng trước ngày 15-10-1993 không có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời do tính sai khi cấp giấy; hỗ trợ theo đơn giá đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư với diện tích 8,84m 2 .

Ngoài ra, gia đình các con bà Dịu là Phạm Thị Hoa được bồi thường theo đơn giá đất ở với diện tích 67m 2 có trong tờ bản đồ 299, gia đình không phải di chuyển chỗ ở nên không giao đất tái định cư; Phạm Thị Huế được bồi thường theo đơn giá đất ở với diện tích 69,1m 2 có trong tờ bản đồ 299, gia đình phải di chuyển chỗ ở nên giao đất tái định cư.

Báo cáo số 201/BC-GPMB là căn cứ quan trọng để Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng TP Hải Dương tính toán phương án đền bù cho các hộ dân. Thế nhưng, không hiểu vì sao gần 10 năm nay, các cơ quan chức năng của TP Hải Dương lại “bỏ quên” không xem xét để giải quyết cho gia đình bà Dịu? Câu hỏi này rất cần đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục chỉ đạo TP Hải Dương làm rõ.

ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/thay-gi-tu-3-vu-viec-vuong-mac-ve-dat-dai-514558