Thầy già, con hát trẻ

Câu Thầy già, con hát trẻ của ông bà ta hẳn còn đúng đến giờ. Bởi giáo viên lớn tuổi thì thường dạy tốt, còn sàn diễn thì không thể thiếu diễn viên trẻ, dù họ vào vai chính hay phụ.

Nghệ sĩ lão thành cũng có kinh nghiệm và vốn sống nhiều, diễn hay hơn, nhưng sân khấu luôn cần sự thanh xuân của tuổi trẻ, để làm nên cái đẹp. Chưa kể, sự có mặt của lớp trẻ còn chứng tỏ có sự kế thừa trên sân khấu, làm yên lòng những người quan tâm. Ở sân khấu Kịch Phú Nhuận, lớp trẻ rải đều trong các vai chính, thứ chính, hoặc vai phụ như: Hòa Hiệp, Huỳnh Đông, Lan Phương, Mai Phương, Lê Hay, Xuân Trang, Bình Minh, Thanh Duy... Huỳnh Đông có lẽ được khen nhiều nhất trong vai Cao Thục mạnh mẽ, anh hùng trong vở Nỏ thần. Lê Hay xuất thần trong vai Triệu Đà khiến khán giả... nhìn không ra. Cả bà bầu Hồng Vân và đạo diễn Đức Thịnh cũng ngạc nhiên. Còn Xuân Trang vào vai đứa con cả đời bị mẹ và vợ giật dây, đến khi nhìn lại thì chính mình đã trượt dài theo danh vọng, không từ mọi thủ đoạn (vở Mẹ và người tình). Xuân Trang là con của NSƯT Minh Châu nổi tiếng trong vai quỷ Ríp (vở Nàng Xê-Đa), nên anh có được nét diễn khá độc đáo giống cha mình. Kịch Phú Nhuận có lẽ là một trong những đơn vị đào tạo được nhiều diễn viên trẻ nhất trong một thời gian ngắn nhất. Trong khi đó, IDECAF có Lê Khánh, Đức Thịnh, Đại Nghĩa, Tuấn Khải... cũng nổi bật với khả năng ca - múa - diễn trong vở Ngàn năm tình sử. Lê Khánh là cô đào đẹp, diễn có chiều sâu, từng được khán giả khen ngợi khi vào vai Ngọc Dao trong vở kịch lịch sử Bí mật vườn Lệ Chi. Còn Đại Nghĩa bật lên như một cây hài duyên dáng, không chỉ trong kịch người lớn mà cả trong kịch thiếu nhi. Đức Thịnh chỉ đóng vai nhỏ trong Ngàn năm tình sử nhưng anh đã từng bật lên với nhân vật Hoài (vở Đùa với bóng). Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B) thì có Quý Bình, Kim Hiền, Hoàng Thành, Tuyết Mai, Lương Duyên, Quốc Thịnh... Kim Hiền và Quý Bình trong vở Biển khá trong trẻo, hồn nhiên, nhưng vẫn vững chãi, thể hiện được chủ đề của vở là dự báo về tương lai tươi sáng của lớp trẻ. Hoàng Thành trong vai cậu thanh niên mới lớn Điền (trong Cánh đồng bất tận) vừa u uẩn vừa mộc mạc chất miền Tây sông nước, làm khán giả chỉ biết thốt lên hai tiếng "được lắm!". Cứ sau vài năm, khán giả lại được thấy những gương mặt mới. Lớp anh chị đã trở thành dàn bao đắc lực, hỗ trợ nghề nghiệp cho đàn em, trong khi vẫn tiếp tục làm nghề. Nhờ vậy, sân khấu luôn thanh xuân, đầy sức sống, kinh nghiệm tiếp nối kinh nghiệm, với một dòng chảy thấy rõ giữa các thế hệ. Được như thế không thể không nhắc đến công sức của các ông bà bầu. Trên hết là nhờ niềm tin. Có tin lớp trẻ thì họ mới dám giao vai, giao việc. Mà sân khấu xã hội hóa hoạt động bằng tiền túi của họ, không cho phép họ sơ sẩy. Do vậy vừa tin tưởng giao việc vừa phải kèm cặp rất kỹ, coi như truyền nghề trong từng hoạt động cụ thể với lớp đàn em. Nhờ vậy mà lớp đàn em tuần tự trưởng thành. Bên cạnh đó, trong tình hình sân khấu mở ra nhiều điểm diễn, nảy sinh việc thiếu diễn viên trầm trọng. Nếu lớp trước không tin, không giao việc cho lớp trẻ thì sân khấu không thể sáng đèn. Trong tình thế bắt buộc, các ông bà bầu phải bỏ công trồng cây để chờ ngày hái quả. Nhờ đó, lớp trẻ có nhiều cơ hội trau dồi nghề nghiệp, nỗ lực học hỏi để bật lên, một cách tự nhiên. "Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B) thường là nơi các em về thực tập Ảnh: H.K trước tiên. Sau đó, các em sẽ tỏa đi các đơn vị khác, và bắt đầu định hình tên tuổi. Cho nên người ta hay nói 5B trồng cây cho người khác hái quả. Nhưng chúng tôi không nghĩ vậy, không hề thấy thiệt thòi gì. Bởi vai trò của 5B cũng như của Hội Sân khấu là đào tạo lớp kế thừa, dù đơn vị nào sử dụng thì vẫn là thành quả chung của sân khấu thành phố, ai lại đi tính toán làm gì" - nghệ sĩ Thanh Hoàng Ảnh: H.K "Không cứ phải là bầu, chỉ cần là đàn anh đàn chị thì phải có trách nhiệm lo cho lớp trẻ, như ngày xưa các anh chị lớp trước đã lo cho mình. Đó là một truyền thống đẹp của sân khấu. Mình không lo, thì các em vẫn lớn lên, vì đó là quy luật tre già măng mọc, nhưng sẽ không có được tình cảm trong người làm nghề. Mình hỗ trợ cho lớp trẻ, sau này các em sẽ hỗ trợ lại cho thế hệ tiếp nối, cứ vậy thì sân khấu mới tồn tại lâu dài. Đó cũng là một cách yêu nghề"- NSƯT Hồng Vân Hoàng Kim

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200942/20091015230905.aspx