Thầy giáo biên phòng nơi đảo xa

Cuối tuần rồi, Phục vào đất liền. Đây là lần thứ ba anh về thăm nhà kể từ sau Tết Nguyên đán 2017. Về chuyến này, Phục không quên mang theo xấp hồ sơ. Nếu hoàn tất các bộ hồ sơ này, thì đầu năm học 2017 - 2018 tới đây, sẽ có thêm bốn trò nghèo ở Hòn Chuối được vào đất liền học tiếp.

Dù ít khi nói ra nhưng tôi biết, đó cũng là tâm nguyện của Phục kể từ ngày anh đảm nhận thêm vai trò dạy chữ cho đám trẻ trên đảo nhỏ miền biển tây nam Cà Mau…

Rời đất liền ra đảo

Tôi biết Phục trong những lần tháp tùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau ra thăm, tặng quà cư dân trên đảo Hòn Chuối mỗi độ Xuân về, Tết đến. Tính đến giờ này, ngót nghét đã bảy mùa xuân đi qua. Đó cũng là quãng thời gian Thượng úy Trần Bình Phục đồng hành cùng những trẻ em nghèo trên đảo Hòn Chuối - một trong những cụm đảo nhỏ, cách đất liền hơn 17 hải lý, thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Cuối năm 2010, lần đầu tôi gặp Phục khi lên Đồn Biên phòng 704 Hòn Chuối. Ngồi dưới gốc mít nghỉ mệt, phảng phất trong gió, tôi nghe loáng thoáng những tiếng đánh vần ê a. Âm thanh ấy phát ra từ một phòng học nhỏ được dựng tạm bằng cây lá trên đảo, nằm lẩn khuất sau những tán cây sum suê mùa đơm bông, kết trái. Trong lớp ấy, chỉ có hơn chục học sinh nhưng không có đồng phục. Lạ hơn bởi người thầy đứng lớp không phải là giáo viên ngành sư phạm mà là một chiến sĩ đang công tác ở Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng 704, thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau. Qua những lần trò chuyện, qua những chuyến về thăm đất liền, tôi càng biết nhiều hơn về người thầy “quân hàm xanh” đang bám đất, giữ biển nơi đầu sóng, ngọn gió miền biển Cà Mau...

Công tác tại Cà Mau nhưng quê Phục tận miệt Trà Vinh, tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau những biến cố về tình duyên, năm 2008, Phục thêm một lần “sốc” nặng khi bác sĩ điều trị cho biết, anh bị ung thư máu vì làm việc trong môi trường độc hại. Gần một năm vật lộn với “lưỡi hái tử thần”, bệnh tình của Phục dần thuyên giảm, các tế bào ung thư cũng được ngăn chặn phát triển. Ngoài tuân thủ phác đồ điều trị, có lẽ động lực để Phục chống chọi được với bệnh tật chính là ý chí kiên cường của người quân nhân chuyên nghiệp.

Sau ngày xuất viện, càng yêu đời bao nhiêu, Phục càng trân trọng sự sống bấy nhiêu. Tuy nhiên, nhịp sống xô bồ và ồn ào chốn thị thành dường như không còn hấp dẫn với Phục. Đó cũng là lý do anh tự nguyện làm đơn xin chuyển công tác ra đảo Hòn Chuối. Sau nhiều lần vấp phải sự phản đối của người thân và cả thủ trưởng đơn vị, cuối cùng, việc chuyển công tác của Phục cũng được chấp thuận.

"Dỗ" trẻ đi học

Nằm thoi loi giữa biển, Hòn Chuối yên ả, thanh bình, bốn bề lồng lộng gió. Đây cũng là cụm đảo duy nhất ở Cà Mau có dân sinh sống. Ở đảo không có đường, không có điện lưới quốc gia, cũng chưa khoan được giếng nước sinh hoạt... Do ít có nơi bằng phẳng nên cư dân phải dựng nhà tạm nằm cheo leo, vắt vẻo trên những triền đá. Di chuyển, đi lại khó khăn, đã vậy, người dân trên đảo còn phải di dời nhà ít nhất hai lần trong một năm để tránh gió lớn và sóng dữ vào mùa chướng và mùa gió đông nam. Tuy còn thiếu thốn trăm bề nhưng cư dân trên đảo luôn đoàn kết, biết san sẻ, giúp nhau tận tình những lúc “tối lửa tắt đèn”. Đó cũng là một trong những lý do níu chân Phục ở đảo xa cho đến tận bây giờ.

Đảm nhận công tác quần chúng, thường xuyên gắn bó, gần gũi với nhân dân cho nên chỉ thời gian ngắn nhận nhiệm vụ mới, Phục đã tường tận gia cảnh của từng hộ dân trên đảo; biết rõ thu nhập của bà con chủ yếu nhờ đánh bắt, khai thác hải sản nên người lớn trong gia đình thường xuyên vắng nhà. Ít gần cha mẹ để được chăm nom, dạy dỗ nhưng lạ thay, bọn trẻ trên đảo rắn rỏi lạ thường. Chúng biết giăng lưới, câu cá để có cái ăn, biết tự bơi vào bờ mỗi khi trượt chân té xuống biển… “Chúng như lớn lên cùng với biển, ít khi thấy chúng bị nhức đầu, xổ mũi hay những bệnh lặt vặt. Song, chúng thiệt thòi lắm, vừa thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu luôn cái chữ”, Phục nói khi đề cập đến cuộc sống của trẻ em trên đảo.

Từng có tuổi thơ gian khó cho nên Phục hiểu và cảm được những thiệt thòi, thiếu thốn của trẻ nhỏ trên đảo. Bởi vậy, sau nhiều đêm trằn trọc, trăn trở, Phục quyết định xin Ban chỉ huy và được chấp thuận cho mở một lớp học tình thương để dạy chữ cho các em trên đảo. Sau hơn chục ngày miệt mài, vất vả, Phục cùng các chiến sĩ Biên phòng Hòn Chuối cũng hoàn thành được lớp học. Có được lớp học đã khó, việc thuyết phục phụ huynh trên đảo cho con em đi học còn khó hơn. Theo lời Phục, người dân ở đảo không cần con mình biết chữ, chỉ cần biết bơi, biết lặn, biết câu cá là đủ. Đó cũng là lý do Phục từng bị người dân lớn tiếng, thậm chí xua đuổi khi thuyết phục con em họ đến trường. Song, nhờ kiên trì theo cách “mưa dầm thấm lâu”, dần dà các mẹ, các bà cũng chịu cho con mình đến lớp.

Tưởng “thuận buồm xuôi gió” ai ngờ bọn trẻ “giở chứng”. Mà cũng dễ thông cảm, bởi trẻ trên đảo quen sống theo bản năng, bơi lội, bắt cá giỏi giang… chứ có biết gì đến việc học chữ. Lẽ đó, việc đi học với chúng là cực hình. Không thể ngồi yên, Phục tiếp tục quay qua năn nỉ, mua quà, bánh… để "dụ" tụi nhỏ đi học. Rốt cục, đám trẻ trên đảo cũng chịu để Phục dạy chữ. Từ 5 trẻ nhỏ ban đầu, dần dà lớp học có 23 em. Do độ tuổi không đồng đều, Phục phải chia ô bảng ra làm nhiều phần, dạy cho từng độ tuổi khác nhau theo cấp lớp. Phòng học xây cất bằng cây lá tạm bợ, lại không có quạt cho nên ngày nắng thì hầm hập như lò sưởi, còn mùa mưa, có hôm cả trò lẫn thầy cụm rụm lại một góc phòng để không bị ướt.

Khó khăn và thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng với lòng nhiệt tâm và sự thương yêu chân thành, đám trò nghèo trên đảo dần dà nghe lời thầy giáo Phục. Từ chỗ nói năng cộc cằn, sỗ sàng,… giờ đây chúng đã ngoan ngoãn, lễ phép, biết dạ vâng, chào hỏi khi gặp người lớn tuổi. Đó cũng là động lực và niềm an ủi lớn lao giúp thầy giáo Phục vượt qua chuỗi ngày khó khăn để dạy chữ cho trẻ trên đảo hơn bảy năm ròng mà chưa từng lĩnh một ngày lương từ công việc này.

Lớp học của tình thương

Đều đặn mỗi ngày, Thượng úy Phục đi xuống ghềnh đón học trò, khi nào đếm đủ số lượng, anh dắt các em leo lên hơn 300 bậc thang tới lớp. Bé nào mỏi chân, Phục dìu đi, có khi cõng luôn trên lưng. Học xong, anh lại đưa trò về tận nhà rồi mới trở về doanh trại. Sự tận tình của Phục góp phần duy trì sĩ số lớp học trong nhiều năm liền. Các trò nhỏ cũng ngày càng thích thú hơn với việc học chữ. Ngoài các phép tính, các em được thầy giáo Phục truyền đạt đạo đức, lễ, nghĩa để mai này biết “đối nhân, xử thế”, biết sống sao cho đúng mực.

Không biết bọn trẻ tiếp thu những truyền đạt ấy như thế nào mà đến ngày 20-11-2011, chúng hè nhau tìm lên tận doanh trại của Phục, trên tay mang theo những phần quà lủng lẳng. Có đứa cầm theo ly cà-phê, đứa thì chai nước ngọt hoặc bọc bánh xốp… Đó là những thứ mà chúng ưa thích, thường năn nỉ cha mẹ mua cho bằng được sau mỗi chuyến biển. Tiếp nhận những phần quà ấy, Phục cảm thấy vô cùng sung sướng vì đó là tấm lòng của trò đối với thầy. Hồi tưởng lại “ngày hạnh phúc” ấy, Phục kể vui rằng: trong đám trò có cô bé cầm theo chai sữa tắm. Bé nói con không thích ăn kẹo, chỉ thích xà bông thơm, tắm hằng ngày cho trắng da, trắng thịt. “Nó thích, nghĩ tôi cũng thích nên xớt nửa chai sữa tắm trắng ở nhà mang lên tặng để tôi tắm cho không bị đen” - Phục cười hiền, nét mặt đầy sung sướng khi thuật lại chuyện được tặng quà ngày 20-11.

Nhìn vào đôi mắt sáng của Phục, tôi cảm nhận anh hạnh phúc lắm khi là bộ đội nhưng được hưởng niềm vui của Ngày Nhà giáo. Sẽ còn vui hơn nếu Phục biết, trong số những đứa trẻ mà anh truyền đạt kiến thức ban đầu, có đứa được gia đình gửi vào đất liền theo học cấp cao hơn. Em đó giờ đã là sinh viên năm cuối tại Trường đại học Bình Dương, có cơ sở đào tạo tại TP Cà Mau. Ngay khi tôi tiết lộ danh tính của đứa học trò nghèo, Phục biết liền là đứa nào nhưng bây giờ có gặp lại, chắc gì Phục còn nhận ra thằng nhóc đen đúa, đầu tóc quằn quện năm xưa đã có lần trốn học đi câu cá. Nó giờ đã cao lớn, phổng phao, ra dáng rất thanh niên, đang tất bật hoàn thiện công đoạn cuối luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng.

Trở lại đảo Hòn Chuối mùa này, trời xanh, biển êm, đúng như lời cửa miệng của cư dân vạn chài “Tháng ba đàn bà đi biển”. Hòn Chuối vẫn được bao phủ bởi mầu xanh của rừng, của biển. Chỉ khác, phòng học tạm bợ ngày nào, giờ đã được xây dựng kiên cố, một phần nhờ công vận động của thầy giáo Phục. Để có được ngôi trường khang trang như hiện tại, cư dân và các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Hòn Chuối phải phá đá, chặt cây, rồi thay nhau vác gần 500 tấn nguyên vật liệu từ ghềnh lên núi để dựng trường. Tất cả phần việc đều làm bằng sức người. Sau 5 tháng trời ròng rã, ngôi trường cũng xong, khánh thành vào tháng 9-2016. Trường đặt tại vị trí phòng học cũ, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Quỹ Thiện Tâm trao tặng. Nhìn ngôi trường rộng rãi, khang trang, Phục không giấu được niềm xúc động.

Khi được hỏi chuyện dạy chữ sắp tới cho các trẻ trên đảo Hòn Chuối, Phục thoáng buồn, nhìn xa xăm về phía biển, thì thầm: “Không có tôi thì cũng có đồng chí khác đảm trách, cỡ nào cũng không để việc học của trẻ trên đảo bị gián đoạn. Bởi ngoài tâm huyết của tập thể Biên phòng Cà Mau, đó còn là tình cảm, mong mỏi của hậu phương dành cho các em nhỏ đảo xa còn nhiều thiếu thốn”.

Lính biên phòng 5 năm luân chuyển địa bàn một lần, giống như những con tàu, cập bến rồi rời đảo…! Phục cũng không ngoại lệ, nhưng anh đã tự nguyện xin được ở lại. Có lẽ, anh muốn thực hiện nốt các phần việc còn dở dang, muốn tiếp tục được làm “cánh tay” nối dài tri thức cho các em trên đảo. Song, sẽ có một ngày thôi, Phục sẽ như con tàu, sẽ rời đảo xa, đọng lại trong lòng cư dân và các trò nghèo trưởng thành những ký ức và tình cảm khó có thể nhạt phai theo thời gian…

Phát huy vai trò của người lính biên phòng nơi đầu sóng, ngọn gió, thời gian qua, ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên trách được giao, Thượng úy Trần Bình Phục (sinh năm 1972) còn đảm nhận tốt nhiệm vụ phụ trách lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối. Nhờ tận tình truyền đạt kiến thức mà đến nay, có 17 trẻ trên đảo tiếp bước con đường học vấn ở đất liền, có em sắp tốt nghiệp đại học. Nhiều năm liền, đồng chí Phục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được chỉ huy đơn vị, UBND tỉnh và cấp Trung ương tặng nhiều giấy khen, bằng khen - Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau, nhận xét.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/32799902-thay-giao-bien-phong-noi-dao-xa.html