Thấy hóa thạch sinh vật cổ trên… đá lát vỉa hè

Argentina đã tìm thấy một mảnh xương hóa thạch của loài bò sát bay thuộc họ Ptesaurios có niên đại tới 150 triệu năm trên… đá lát vỉa hè.

Ngày 15/10, các nhà cổ sinh vật học Argentina đã tìm thấy một mảnh xương hóa thạch của một loài bò sát bay thuộc họ Ptesaurios có niên đại tới 150 triệu năm trên… một viên đá lát vỉa hè tại thành phố Zapala, thuộc vùng Tây Nam của quốc gia Nam Mỹ này. Nhà cổ sinh vật học Alberto Garrido, thuộc Bảo tàng Juan Olsacher, cho biết mảnh xương trên có chiều dài khoảng 20cm, có thể là xương chi của sinh vật bay cổ được coi là “anh em họ với khủng long” này. Ông Garrido đã chú ý tới mẩu hóa thạch nằm trên… quãng đường đi làm hàng ngày của mình từ cách đây 2 năm và đã thông báo với chính quyền thành phố, nhưng cho tới nay mới hội đủ điều kiện cần thiết để mang mẫu tích này về phòng thí nghiệm. Nhà khoa học này nhấn mạnh việc tìm thấy hóa thạch trên đường phố Zapala không phải là khó, nhưng hầu hết là của sinh vật biển Amonit khá “phổ biến”, trong khi mẫu tích của loài bò sát bay này thuộc loại “quý hiếm” ngay cả tại một quốc gia rất phong phú hóa thạch cổ như Argentina. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà khoa học thế giới bắt đầu coi Argentina như một “Công viên kỷ Jura” hay “cái nôi của các loài khủng long” khi rất nhiều hóa thạch sinh vật cổ được tìm thấy tại đây, trong đó có Argentinosaurus Huinculensis, loài khủng long ăn cỏ lớn nhất thế giới (dài tới 40m) và Giganotosaurus Carolinii, loài khủng long ăn thịt lớn nhất thế giới (dài khoảng 12,5m). Đầu năm nay, các nhà khoa học tại Argentina cũng đã tuyên bố tìm thấy hóa thạch của loài khủng long ăn tạp đầu tiên được biết tới./. (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/thay-hoa-thach-sinh-vat-co-tren-da-lat-via-he/200910/20785.vnplus