Thay kích cầu bằng gói kích thích kinh tế?

TP - Trong khi có ý kiến nêu vẫn nên thực hiện gói kích cầu thứ hai, trừ gói ngắn hạn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lại cho rằng, không nên thực hiện gói kích cầu thứ hai, thay vào đó bằng “gói kích thích kinh tế”.

Trao đổi với Tiền Phong , ông Kiên cho rằng, gói kích cầu đã hoàn thành nhiệm vụ, đạt mục tiêu chính là chống suy giảm kinh tế và cần chấm dứt đúng thời hạn, tức là cuối năm nay. Bỏ tiền ra, ai cũng muốn thấy được dòng tiền đi thế nào. Hạn chế lớn nhất là không kiểm soát được tiến độ và dòng chảy gói kích cầu. Như các nhà nghiên cứu nói, trong tình huống đặc biệt, phải áp dụng biện pháp đặc biệt. Nhưng ở đây, chúng ta không kiểm soát được các dòng tiền trong doanh nghiệp. Việc này có lý do. Thứ nhất, việc thực hiện gói kích cầu chưa có tiền lệ. Thứ hai, hệ thống văn bản pháp luật của ta chưa quy định, chẳng hạn, trong tình huống đặc biệt thì áp dụng biện pháp gì. Thứ ba, trong doanh nghiệp, tách bạch hai dòng tiền (đâu là dòng tiền do vay để kích cầu và phải chịu cơ chế kiểm soát đặc biệt, và đâu là dòng tiền thuần của doanh nghiệp) là vô cùng phức tạp. Ông Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vì sao tới hai phần ba doanh nghiệp không tiếp cận được gói kích cầu, thưa ông? Có thể họ không có dự án tốt. Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ nói rất rõ các khoản vay hỗ trợ lãi suất bốn phần trăm là vay ngắn hạn. Phải đưa yếu tố thời gian đó vào hợp đồng, không thể đi vay ngắn hạn để đầu tư cho dự án trung hay dài hạn. Trường hợp khác, có thể do họ vẫn còn nguồn lực, tự bươn chải được. Số lượng không vay được chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Cũng có thể do các ngân hàng thương mại cổ phần gây khó khăn cho việc tiếp cận. Tóm lại, để làm rõ bức tranh 70 phần trăm trong tổng số 400.000 doanh nghiệp không vay được, cần phải có thời gian. Có dư luận về việc một số doanh nghiệp dùng tiền vay vốn kích cầu để mua bán chứng khoán, bất động sản, rồi đáo nợ…? Chỉ là dư luận mà thôi. Do không có công cụ kiểm soát đặc biệt trong giai đoạn đặc biệt, nên các số liệu đưa ra gần đây không thuyết phục được các nhà khoa học. Ngay cả những người nghi ngờ hiện tượng ấy cũng không đưa ra được chứng cứ. Tuy nhiên, mọi hoài nghi sẽ tự mất đi nếu thực hiện đúng quyết định của Thủ tướng, tức là đến 31/12/2009, sẽ chấm dứt gói kích cầu. Và cũng chấm dứt luôn câu hỏi dòng tiền kích cầu vừa rồi đi vào đâu? Không phải vậy. Sau khi kết thúc gói kích cầu đúng thời hạn, khoảng tháng 2/2010, các doanh nghiệp phải bắt đầu làm sổ sách thống kê hoạt động chi tiêu năm trước. Dự kiến, đến tháng 5/2010, sẽ có báo cáo của các doanh nghiệp, trong đó nói rõ tiền vay kích cầu được dùng vào việc gì, chảy đi đâu. Khi đó, mọi đồn đoán sẽ được giải tỏa, sẽ trả lời được câu hỏi mà Chính phủ và Quốc hội chờ đợi là gói kích cầu tác động vào khu vực nào hiệu quả nhất và ít hiệu quả nhất. Phân tích này sẽ là cơ sở để triển khai các can thiệp tiếp theo. Như với một cơ thể sống, trong kinh tế, cũng phải xác định các ngành kinh tế chính nào để khi tác động vào đó, sẽ gây tác động lan tỏa. Vậy có thể hiểu sẽ thực hiện gói kích cầu thứ hai nhằm tránh sốc cho các doanh nghiệp và cá nhân đi vay? Trong điều hành kinh tế vĩ mô, thường có nhiều luồng tư duy khác nhau. Hướng thứ nhất, doanh nghiệp đề nghị kéo dài gói kích cầu, dưới dạng gói thứ hai nhỏ hơn với thời gian ngắn hơn, để tránh tình trạng phanh gấp, sốc. Gói kích cầu đã hoàn thành sứ mệnh của nó và, bởi vậy, đứng về khoa học kinh tế, thực hiện gói kích cầu thứ hai theo phương thức của gói kích cầu thứ nhất, là không hợp lý. Có nghĩa sẽ không còn gói nào nữa, thưa ông? Nếu gọi là gói kích cầu thứ hai thì không nên triển khai. Nhưng nếu là gói kích thích kinh tế thì nên. Nghĩa là, vẫn cần có một gói nữa, nhưng gói này không phải là gói kích cầu, không phải là để kích cầu cho nhu cầu ngắn hạn và chống giảm sốc. Thay vào đó, nên có một gói dài hơi hơn để tái cấu trúc nền kinh tế. Ý tưởng chủ đạo của gói tiếp theo, theo tôi, là chớp thời cơ được phép xé rào tạm thời theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - nhà nước được phép hỗ trợ doanh nghiệp để chuyển đổi nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế vĩ mô một cách mạnh mẽ hơn. Gói này sẽ kích thích các khoản vay ngắn, trung và cả dài hạn. Chẳng hạn, kích thích vay ngắn hạn để đào tạo nghề, chống thất nghiệp, vay trung hạn mua thiết bị, mua bản quyền sáng chế... Nhưng gói kích thích này cũng chỉ nên dừng trong phạm vi kế hoạch năm năm. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có nghiên cứu sâu về gói kích thích kinh tế? Trong Ủy ban Kinh tế, rất nhiều đại biểu cũng muốn gói kích thích nền kinh tế tương đối dài hơi hơn một chút. Nền kinh tế chúng ta hiện nay giống như mấy năm đầu thế kỷ 21. Các nước châu Á bị khủng hoảng tài chính năm 1997. Ta bị năm 1998, kéo dài đến 2000, 2001. Sau đó từ năm 2003 đến năm 2008, tăng trưởng rất cao, ngoạn mục. Giờ là lúc cần một gói kích thích kinh tế để lấy lại đà một cách căn bản, dài hơi. Như tôi nói ở trên, bây giờ chưa có thống kê báo cáo số liệu về hiệu quả gói kích cầu. Nhanh cũng phải đến tháng 5/2010 mới có. Bây giờ nói với nhau chỉ là cảm tính. Tôi xin nói lại, cái mà chúng ta đang đi tìm là gói kích cầu tác động đến bộ phận nào khiến cho quý 2 dừng, quý 3, 4 nhúc nhích. Cám ơn ông. Phạm Tuyên - Quốc Dũng Thực hiện Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Chỉ nên dừng gói ngắn hạn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh Chiều 20/10, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng đồng ý với phương án của Ủy ban Kinh tế là nên dừng gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Như ông nói, chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất, vậy có cần phải đưa ra gói kích cầu thứ hai? Điều này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi cho rằng kinh tế đã phục hồi nhưng chưa lấy lại được đà tăng trưởng cao như trước khi bị suy giảm. Năm nay GDP tăng 5,2 phần trăm, sang năm phấn đấu 6,5 phần trăm, chưa thể bằng kế hoạch trước đây là GDP tăng từ 7,5 đến 8 phần trăm. Do vậy, vẫn phải duy trì ở mức độ nào đó gói kích cầu để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ không thể duy trì như thời điểm kinh tế suy giảm. Bộ Tài chính đã kiến nghị không miễn giảm thuế. Nhưng việc hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn đầu tư tài sản cố định, mua sắm máy móc thì nên duy trì. Gói hỗ trợ này tác động lâu dài đến nền kinh tế và có vai trò quan trọng khác là từng bước cơ cấu lại nền kinh tế. Còn hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, chủ yếu cho vốn lưu động thì nên dừng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đề xuất cho giãn nộp thuế 3 tháng đầu năm 2010, quan điểm của Bộ Tài chính ra sao? Kinh tế đã có bước phục hồi nên Bộ Tài chính đã đề xuất với Quốc hội dừng miễn giảm thuế nói chung. Năm 2009, chúng ta giãn thuế 6 tháng. Do vậy, có những khoản thuế giãn của năm nay cộng với thuế phát sinh của 2010 nên có thời điểm doanh nghiệp phải nộp một khoản thuế lớn. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cũng đồng ý trình với Quốc hội cho giãn thuế ba tháng đầu năm 2010 để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc nộp thuế. Xin cám ơn ông. Hà Nhân ghi Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Có dấu hiệu cho vay sai mấy ngàn tỷ đồng Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền Trao đổi với PV chiều 20/10, ông Trần Văn Truyền cho biết, thời gian qua, theo yêu cầu của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ chưa thanh tra một số tập đoàn với lý do để tập trung kiểm tra các thông tin về gói kích cầu. Bên cạnh đó, các tập đoàn đang đảm nhiệm vai trò lớn nên tạm dừng để họ có thời gian giải quyết khó khăn. Về gói kích cầu, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy có mấy nghìn tỷ đồng cho vay sai đối tượng, hoặc trùng với đối tượng đã được hưởng một số chính sách khác. Thanh tra Chính phủ đang giao cho các cơ quan thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra. Thanh tra Chính phủ cũng đang kiểm tra một số nơi, nắm bắt thông tin, nếu thấy có những sai phạm tập trung, quy mô, làm sai đối tượng, hay gây tổn thất thì trong quá trình xây dựng chương trình thanh tra năm tới, Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị thanh tra gói kích cầu. Hiện Thanh tra Chính phủ đang bám sát gói kích cầu, nhưng mới dừng ở kiểm tra nắm tình hình chứ chưa phải thanh tra. Bước đầu, Thanh tra Chính phủ đã có một số báo cáo và sẽ cố gắng trình Thủ tướng các mục tiêu thanh tra trong tháng 10/2009. Ngọc Tiến ghi

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=175133&channelid=2