Thấy thế thật

Không còn phải xin “cho tôi một vé về tuổi thơ” nữa nhé. Bác cũng hóm hỉnh thật. Đầu 6 rồi mà lúc nào cũng canh cánh chuyện tuổi thơ. Chú không nhớ đã nhiều lần anh em mình bàn về cái Tết trẻ em à?

- Đã đành, trẻ em “như búp trên cành”, là “thế giới ngày mai” cơ mà bác.

- Dưng tự nhiên sao chú lại lẩm nhẩm chuyện trẻ em thế?

- Thì bác vừa nói “không phải xin một vé về tuổi thơ” đó thôi. Em tưởng bác bàn chuyện trẻ em.

- Bàn thật chứ tưởng gì nữa. Lại sắp Tết Trung thu, tớ vừa dạo một vòng phố Hàng Mã, thấy rõ ràng “tuổi thơ” rồi. Thế chả không phải xin nữa à.

- Nếu bác nói vậy thì em thấy vẫn chưa chuẩn.

- Rõ là thế, sao lại chưa chuẩn?

-Cái thời của em và bác thì thế thật, nhưng bây giờ cái Trung thu đâu phải chỉ dành cho trẻ em.

-Tớ hiểu ý chú muốn nói, dưng tớ nói là nói cái anh đồ chơi truyền thống ấy. Năm nay tớ thấy “lên ngôi” đấy. Những đèn ông sao, đèn kéo quân…những đồ chơi gắn liền với Tết Trung thu thời “rung răng rung rẻ” xuất hiện khá nhiều và cũng mua bán tấp nập lắm.

-Thật vậy hả bác. Nếu vậy nghĩa là cái Trung thu truyền thống sắp được “trả lại tên cho em” rồi.

-Đấy là có chút vui chuyện đồ chơi, còn cái chuyện buồn thì vẫn buồn lắm.

-Bác nói lạ, vừa nói vui mà lại buồn ngay được. Trẻ em vui thì tất nhiên người lớn cũng vui, niềm vui chung mà, bác buồn chuyện gì?

-Tớ thấy giờ tết của trẻ em bị biến tướng nhiều lắm. Nói đến đến Trung thu là phải nói đến đôi bánh nướng – dẻo. Mới vào tháng tám, đã bạt ngàn các loại, quảng cáo ầm ầm, song nhiều bánh trung thu đâu phải để dành cho trẻ em.

-Chẳng qua bây giờ trẻ em có đời sống vật chất đầy đủ hơn cái thời em với bác nên không ham mấy cái bánh đó thôi, chứ đâu phải mình không dành cho chúng.

-Chú nói vậy càng sai. Con cháu tớ và chú có thể đã thờ ơ với cái bánh nướng, bánh dẻo chứ còn nhiều, nhiều lắm trẻ em các vùng miền mơ ước có bánh để phá cỗ chả được.

-Đó là một hiện tượng xã hội, đâu phải chỉ là chuyện Trung thu. Khoảng cách giàu nghèo thời nào chả có.

-Thế nên tớ rất cảm động khi biết tin tổ chức này, cá nhân kia nhân dịp Trung thu có những hoạt động thiện nguyện tổ chức những đêm “phá cỗ ngắm trăng” cho trẻ em còn khó khăn. Nhưng chuyện tớ muốn nói không phải chuyện khoảng cách giàu nghèo.

-Bác giỏi thật. Chuyện Trung thu em nghĩ chắc chỉ có thế, vậy mà bác lại còn chuyện nữa để nói.

-Đấy vẫn cái chuyện bây giờ nhiều bánh Trung thu không phải dành cho trẻ em, mà dành cho nhiều mục đích khác.

-Mục đích gì thì cũng dành để góp vào mâm cỗ Trung thu mà bên mâm cỗ Trung thu thì chỉ trẻ em là thích nhất.

-Tớ biết có nhiều hộp bánh trung thu trị giá hàng chục triệu đồng. Những hộp bánh đó chắc chắn không phải vì con trẻ.

- Ý bác là những hộp bánh hàng chục triệu đồng ấy cũng không bao giờ xuất hiện trên mâm cỗ trung thu dưới sân trăng của những đứa trẻ.

-Đúng vậy, thay vào những chiếc bánh trung thu ngọt ngào, bình dị trong mỗi mùa trăng của con trẻ là những hộp bánh đắt tiền. Những hộp bánh ấy đã trở thành phương tiện cho những toan tính của người lớn.

-Nghĩa là nó trở thành món quà để mưu cầu lợi ích, bày tỏ lòng thành đối với nhau.

-Đúng thế. Cho nên những hộp bánh truyền thống đâu còn giá trị nữa, mỗi mùa trung thu, các nhà hàng, khách sạn lại đua nhau tạo ra những loại bánh đắt tiền, rất đắt tiền để phụ họa cho “trào lưu lấy lòng nhau của người lớn”.

-Nếu vậy bác sai rồi.

-Chả sai tẹo nào. Có chú không chịu hiểu mới cho là sai.

-Bác sai ở chỗ, tuổi thơ đang bị mất đi sự vô tư, trong sáng như thế, mà bác lại vào chuyện với em là không cần “xin một vé về tuổi thơ” nữa.

-Đó là ở góc độ anh đồ chơi truyền thống. Tớ vừa khảo sát thấy thế thật.

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thay-the-that-60697.html