Thầy trò cùng làm nhà sáng chế

Ngày 4/12, Sở GD&ĐT Đà Nẵng trao giải cuộc thi Sáng kiến ứng dụng giải quyết các vấn đề về môi trường năm 2016. Cuộc thi trưng bày 50 sản phẩm và sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề môi trường với nhiều sản phẩm có thể áp dụng được ngay vào thực tế.

Chiếc xe dọn rác trên bãi biển (sáng chế của em Mai Xuân Hải, THCS Chu Văn An) thu hút sự quan tâm chú ý của rất nhiều phụ huynh, học sinh. Ảnh: Giang Thanh

Chiếc xe dọn rác trên bãi biển (sáng chế của em Mai Xuân Hải, THCS Chu Văn An) thu hút sự quan tâm chú ý của rất nhiều phụ huynh, học sinh. Ảnh: Giang Thanh

Được nhiều vị phụ huynh quan tâm khi trưng bày tại cuộc thi là gian hàng giới thiệu sản phẩm thùng rác xanh của nhóm tác giả Phan Thị Thu Huyền và Cao Thị Anh Thơ (giáo viên trường THPT Phan Châu Trinh). Tìm hiểu và nhận thấy lượng rác hữu cơ mà mỗi gia đình thải ra là rất lớn, gây mùi hôi khó chịu và thu hút ruồi muỗi, hai cô giáo hình thành ý tưởng về thùng rác xanh. Điểm nổi bật của thùng rác là rác hữu cơ bỏ vào thùng được xử lý thành phân bón sử dụng trực tiếp cho cây trồng.

Thùng rác trồng rau, “máy” lau bảng không bụi

Thiết kế của thùng rác xanh rất đơn giản và dễ thực hiện. “dự án thùng rác xanh có hai mô hình đó là trụ rác và hầm rác. Với mô hình trụ rác, rác sẽ được cho vào trụ có nắp đậy, đặt giữa thùng. Với mô hình hầm rác, rác sẽ được cho vào hầm rác có cửa ở dưới đáy thùng sơn”, cô Huyền cho biết. Rác hữu cơ khi cho vào thùng sẽ lên men thành phân hữu cơ. Cây được trồng ở phần đất xung quanh sẽ tự động hút chất dinh dưỡng từ phân hữu cơ để phát triển. “Thùng rác xanh có thể xử lý được rác hữu cơ một cách triệt để, không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, sản phẩm còn cung cấp môi trường để trồng cây xanh và các loại rau”, cô Huyền chia sẻ thêm.

Gian trưng bày máy lau bảng không bụi của em Nguyễn Hữu Khang (học sinh trường THCS Hoàng Diệu, quận Thanh Khê) thu hút nhiều học sinh đến tham quan và thử nghiệm. Những cô cậu học trò nhỏ hào hứng dùng phấn viết lên bảng, rồi lau đi bằng chiếc máy đặc biệt mà không có chút bụi nào rơi xuống. Nguyễn Hữu Khang, nhà sáng chế nhỏ tuổi, chia sẻ: “Các thầy cô khi lau bảng hít phải một lượng bụi rất lớn từ phấn viết bảng. Nhiều thầy cô giáo trường em thường bị ho, viêm phổi. Bởi vậy, em tạo nên chiếc máy lau bảng này để phần nào giảm bớt lượng bụi phấn”.

Chiếc máy có cấu tạo hết sức đơn giản với 1 mô tơ 9V, 1 cánh quạt, một lồng quạt có 2 lỗ, 1 tấm vải và pin tiểu. Khi lau bảng, quạt lắp ở bên trong sẽ hút bụi từ giẻ lau rồi đưa vào ống dẫn, miếng vải sẽ giữ bụi lại. Khi phần ống hút đầy, các thầy cô chỉ cần đem bụi phấn ở trong ống đổ đi. “Nguyên lý và cấu tạo của máy lau bảng không bụi rất đơn giản, đều là những kiến thức mà tụi em được học ở môn vật lý. Tuy nhiên, Khang rất nhanh nhạy khi áp dụng những điều này vào sản phẩm đơn giản mà hữu ích đối với mỗi giáo viên chúng tôi”, cô giáo Phan Thị Mỹ Nhung, giáo viên hướng dẫn sản phẩm nhận xét.

Tính ứng dụng cao, chi phí thấp

Tại cuộc thi, rất nhiều sản phẩm được hội đồng giám khảo đánh giá là có tính thực tiễn cao, có thể áp dụng trong nhà trường cũng như trong đời sống. “Nhiều sản phẩm xuất phát từ thực tiễn cuộc sống của các em như dự án trồng cây thủy sinh cải tạo hồ Công viên 29/3, hay sản phẩm xe thu gom rác thải trên bờ biển… Những sáng tạo này thể hiện sự quan sát của các em học sinh trong thực tế, cũng như khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao, đơn giản, dễ thực hiện”, thầy Võ Văn Minh, thành viên BGK, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH SP Đà Nẵng, nói.

Hầu hết các sản phẩm đều sử dụng vật liệu tái chế, hoặc các vật liệu có chi phí rẻ. Như sản phẩm thùng rác xanh được tạo nên từ thùng sơn, ống nhựa… là những sản phẩm tái chế, giá rẻ. Hay chiếc máy lau bảng không bụi của Hữu Khang chỉ tốn 55 ngàn đồng. Các sản phẩm vườn rau thẳng đứng hay máy quét rác đẩy tay hay hệ thống làm mát mini… đều sử dụng các vật liệu tái chế như vỏ chai nhựa, vỏ lon, giấy loại…

Nhiều người dân Đà Nẵng rất quan tâm đến các sáng kiến của các nhà sáng chế là học sinh, giáo viên. Chị Nguyễn Thị Hải Yến (Hải Châu, Đà Nẵng) chăm chú nghiên cứu thiết kế của thùng rác xanh, “phỏng vấn” kỹ càng cô giáo Phan Thị Thu Huyền để có thể tự làm sản phẩm thùng rác xanh tại nhà. “Ý tưởng của cô giáo rất hay, lại dễ làm, chi phí rẻ. Tui đang cố gắng “học lỏm” để thiết kế một thùng rác xanh cỡ lớn tại nhà để vừa xử lý rác hữu cơ, đồng thời, trồng một vườn rau mini để cung cấp rau xanh cho bữa ăn hằng ngày”, chị Yến vui vẻ chia sẻ về dự định của mình.

Cuộc thi “Sáng kiến ứng dụng giải quyết các vấn đề về môi trường” năm 2016 dành cho học sinh và giáo viên THPT và THCS được Sở GĐ&ĐT Đà Nẵng phát động từ tháng 4/2016 và lựa chọn được 50 sáng kiến dự thi cấp thành phố, trong đó có 12 sáng kiến của sinh viên và 38 sáng kiến của học sinh. BTC trao 5 giải nhất, 11 giải nhì và 16 giải ba cho các sáng kiến có tính ứng dụng cao.

Giang Thanh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/thay-tro-cung-lam-nha-sang-che-1080497.tpo