Thầy trò nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống

Góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bền vững giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số, Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) nội trú THCS Tây Giang (H. Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương.

Góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bền vững giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số, Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) nội trú THCS Tây Giang (H. Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương.

Trong dịp đến Trường PTDT nội trú THCS Tây Giang, chúng tôi được hòa cùng không khí rộn ràng, sôi động với các lễ hội truyền thống, liên hoan múa hát cồng chiêng, văn hóa ẩm thực của học sinh, giáo viên nhà trường. Khung cảnh buổi ngoại khóa của thầy trò vui tươi hơn khi có thêm sự tham gia của đại diện lãnh đạo các xã, huyện và phụ huynh học sinh cùng bà con đồng bào nô nức kéo về chật cứng cả sân trường. Trong trang phục truyền thống đầy màu sắc của đồng bào dân tộc mình, các em học sinh say mê thể hiện những tiết mục múa hát, những điệu múa mừng lúa mới, ăn tết mùa, đâm trâu huê… trong tiếng vỗ tay, reo hò, cổ vũ không ngớt.

Trong chương trình lễ hội Ăn mừng lúa mới và liên hoan văn hóa ẩm thực truyền thống, học sinh và giáo viên cùng tham gia hết sức sôi nổi. Theo thầy Alăng Diêu - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú và THCS Tây Giang, để chuẩn bị thực hiện các mâm cơm theo truyền thống của dân tộc mình, từ tờ mờ sáng, giáo viên, học sinh tất bật chuẩn bị cho phần thi chế biến ẩm thực truyền thống Cơ Tu, với các món ẩm thực đặc trưng như gói bánh sừng trâu, nướng cơm lam, các món za rá, cá suối nướng ống, thịt rừng nướng xiên, hông sả... Em Bling Kha Thị Huyền Giang, học sinh lớp 9/1, chia sẻ: "Để tham gia lễ hội Ăn mừng lúa mới và liên hoan văn hóa ẩm thực truyền thống này, chúng em phải chuẩn bị cả tuần trước, như chặt ống nứa, bắt cá suối, lấy măng, cà tím, tiêu rừng... Đây là dịp để chúng em thể hiện sự khéo léo, am hiểu, cũng như nhắc nhớ giá trị xưa với mâm cơm truyền thống của ông bà".

Còn em Bling Ngân bày tỏ: "Được tham gia các tiết mục sinh múa hát cồng chiêng, em càng cảm thấy gắn bó với trường, với lớp nhiều hơn. Tình cảm bạn bè, thầy trò gần gũi, thắm thiết hơn. Từ những buổi tham gia các hoạt động ngoài giờ, nhất là các hoạt động múa hát cồng chiêng đã giúp chúng em hiểu hơn về giá trị văn hóa của đồng bào mình cần phải được gìn giữ".

Giáo viên, học sinh hào hứng tham gia thực hành các lễ hội văn hóa truyền thống ngay trong trường học.

Giáo viên, học sinh hào hứng tham gia thực hành các lễ hội văn hóa truyền thống ngay trong trường học.

Thầy Alăng Diêu cho biết thêm: "Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn với các lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống địa phương đã được nhà trường triển khai nhiều năm học qua. Điều này giúp các em học sinh không lãng quên những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhờ đó, nhiều em khi về địa phương trở thành những người thực hành gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của bản làng mỗi dịp lễ hội. Với những người giáo viên như chúng tôi, được thưởng thức các món ăn truyền thống, được tận mắt chứng kiến, được nghe tiếng cồng, tiếng chiêng ngay trong trường học thật sự không có niềm hạnh phúc nào hơn".

Các hoạt động ngoại khóa trong trường học gắn với những lễ hội, nét văn hóa truyền thống của địa phương góp phần hoàn thiện môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhân cách, đạo đức học sinh. Bởi vậy, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động thi đua dạy tốt - học tốt, thì nhà trường luôn tích cực triển khai tổ chức các hoạt động ngoài giờ nhằm tạo môi trường học tập lành mạnh, bổ ích nhằm thu hút, tạo động lực học tập cho học sinh. Việc duy trì, phát triển các đội cồng chiêng học sinh và định kỳ hằng năm tổ chức liên hoan ẩm thực, múa cồng chiêng và hội diễn văn nghệ cho học sinh là một trong những nội dung trọng tâm của chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương cho học sinh toàn trường.

Đánh giá về các hoạt động giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương trong trường học, ông A Rất Blúi - Phó Chủ tịch UBND H. Tây Giang nhìn nhận: "Từ những kết quả mang lại có thể thấy, việc đưa lễ hội văn hóa vào trường lớp thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhất là học sinh yêu trường, yêu lớp nhiều hơn, giảm được tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Việc đưa các lễ hội văn hóa truyền thống vào trường học còn giúp các em học sinh có thêm niềm vui, vơi bớt nỗi nhớ nhà trong những ngày học tập ở trường. Qua hoạt động này cũng giáo dục các em luôn có ý thức bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, còn đội ngũ giáo viên có thêm điều kiện để tự hoàn thiện mình".

Khải Minh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_163261_thay-tro-no-luc-gin-giu-van-hoa-truyen-thong.aspx