Thay van động mạch phổi qua đường ống thông từ tĩnh mạch đùi

Mới đây, các bác sĩ Khoa Tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E đã triển khai thành công kỹ thuật thay van động mạch phổi nhân tạo qua da, không cần mổ mở, cho một bệnh nhân nhi (14 tuổi, ở Hà Nội) có tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp tứ chứng fallot.

Bệnh nhi may mắn đầu tiên được các bác sĩ Khoa Tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E thực hiện kỹ thuật thay van động mạch phổi nhân tạo qua da này mắc bệnh tim bẩm sinh tứ chứng fallot và đã phẫu thuật sửa toàn bộ tại một bệnh viện tuyến trung ương, lúc 6 tháng tuổi.

Tuy nhiên, gần đây, các bác sĩ phát hiện cháu bé bị hở van động mạch phổi gây suy thất phải. Theo các bác sĩ, đây là diễn tiến tự nhiên thường gặp sau phẫu thuật điều trị tứ chứng fallot. Vì vậy, các bác sĩ đã chỉ định thay van động mạch phổi qua da cho bệnh nhi này.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đắc Đại, Trưởng Khoa Tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết, thông thường đối với các trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp tứ chứng fallot tại Việt Nam nói chung và Bệnh viện E nói riêng, các bác sĩ hay lựa chọn mổ cưa xương ngực và thay ống van động mạch phổi nhân tạo (conduite) cho người bệnh.

Người bệnh thường phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn như: Gây mê hồi sức, cưa xương ức, liệt tim… và cắt thân động mạch phổi, khoét phễu thất phải để thay conduite động mạch phổi. Người bệnh đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm như nhiễm trùng, rối loạn chức năng tim, hẹp các miệng nối và những nguy cơ của chạy máy tim phổi nhân tạo.

Nhưng đối với bệnh nhi này, các bác sĩ quyết định lựa chọn thực hiện can thiệp thay van động mạch phổi qua da cho người bệnh. Bởi vì những ưu điểm vượt trội của kỹ thuật này là người bệnh không trải qua một cuộc phẫu thuật nguy hiểm, không phải cưa xương ức thêm lần nữa và không gây liệt tim, không phải chạy máy tim phổi nhân tạo…

Sau can thiệp 2 giờ, người bệnh tỉnh và sức khỏe ổn định, có thể đi lại vào ngày hôm sau. Bệnh nhân được xuất viện sau 2 ngày, tái khám sau xuất viện một tuần. Hiện người bệnh đã hồi phục sức khỏe, hết khó thở, hết mệt mỏi khi gắng sức và có thể trở lại học tập, sinh hoạt bình thường.

Theo Tiến sĩ Trần Đắc Đại, hiện tại có rất nhiều người bệnh nhi có chỉ định thay van động mạch phổi sau phẫu thuật tim bẩm sinh. Việc áp dụng thành công kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da giúp người bệnh có thêm lựa chọn điều trị ít xâm lấn nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thay-van-dong-mach-phoi-qua-duong-ong-thong-tu-tinh-mach-dui-160430.html