'Thay vì bán giá 0 đồng, điện áp mái cần phân phối theo hợp đồng'

Chuyên gia cho rằng, dự thảo cần loại bỏ những cụm từ 'giá 0 đồng' hay 'không thanh toán', thay bằng nội dung như: điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu có kết nối cần được phân phối theo hợp đồng.

Quy định gây hiểu lầm

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vẫn đang được lấy ý kiến. Một trong những nội dung của dự thảo đang gây nhiều tranh cãi là "nhà nước mua với giá 0 đồng cho sản lượng vượt công suất".

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích, xét theo tính kỹ thuật, văn bản ghi "giá 0 đồng", rồi lại dùng từ "không thanh toán", hai cụm từ này cùng ý nghĩa theo cách hiểu là "đơn vị điện lực ghi nhận với giá 0 đồng và đơn vị điện lực không được thanh toán cho bên bán". Theo ông Tuấn, cách viết 2 cụm từ trên không rõ nghĩa, nên ông kiến nghị thống nhất cách ghi "không mua bán".

Việc dự thảo có quy định "nhà nước mua với giá 0 đồng cho sản lượng vượt công suất" đang gây tranh cãi.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận quy định trên đã làm cho một số người hiểu lầm.

"Do đó, dứt khoát không mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu ở thời điểm này. Còn trong tương lai, nếu đã có thực tiễn vận hành theo cơ chế chính sách đặc biệt này thì chúng ta sẽ có thể có sự điều chỉnh chính sách cho điện mặt trời mái nhà", ông Diên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa, cũng ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong việc phát triển điện mặt trời áp mái. Việc đấu nối chỉ diễn ra trong điều kiện điện áp mái không đủ để dùng trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.

“Nước Nhật mất 40 năm để phát triển năng lượng tái tạo và đến nay thì tổng công suất của năng lượng tái tạo của Nhật trong lưới điện quốc gia mới dao động trong khoảng 30 - 40%. Nhưng chúng ta chỉ trong vòng có 6 năm, tổng công suất của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt 28,5%. Một áp lực khủng khiếp lên lưới điện quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể nào điều độ được”, PGS Nguyễn Việt Dũng phân tích và thông tin thêm.

Cần có hợp đồng

Về dự thảo này, trao đổi với VietnamFinance, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, đề xuất rằng trước tiên, nên điều chỉnh lại nội dung nghị định một cách chi tiết hơn. Cụ thể, bổ sung thêm một số định nghĩa quan trọng về điện mặt trời áp mái, tự sản tự tiêu.

Bên cạnh đó, ông Phong cho rằng phải có chính sách riêng cho phát triển điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu không kết nối và có kết nối. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến điện mặt trời tự sản tự tiêu có kết nối, bởi việc mua với giá 0 đồng sẽ là bất hợp lý, gây lãng phí và không công bằng.

“Thay vì bán giá 0 đồng, điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu dư thừa cần được phân phối theo hợp đồng”

Ông Phong cho rằng, cần loại bỏ những cụm từ “giá 0 đồng” hay “không thanh toán”, thay bằng nội dung như: điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu có kết nối được phân phối theo hợp đồng. Hợp đồng này phải quy định một cách rõ ràng và đa dạng hóa các điều kiện về thời gian, số lượng, chất lượng điện đưa lên, cùng với những cam kết, lợi ích và các điều khoản khác đi kèm. Điều này sẽ khuyến khích người sản xuất điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu lưu trữ điện hoặc phát điện trong khoảng thời gian lâu nhất, từ đó hỗ trợ ngành điện giảm thiểu sức ép thiếu điện.

Cuối cùng, ông Phong nêu quan điểm phải áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần, giúp hạn chế việc đăng kí mua quá số lượng điện nhưng không sử dụng hết, gây dư thừa công suất cũng như lãng phí nguồn điện.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực quản lý ngành điện, đảm bảo khả năng điều phối điện linh hoạt kết hợp với việc đầu tư mạnh mẽ cho các công cụ lưu trú điện bao gồm cả bình ắc quy hay thủy điện tích năng nhằm tạo ra hiệu ứng tổng hợp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng cần có cách nào đó để xử lý sản lượng điện ghi nhận lên hệ thống nhưng không thanh toán tiền điện.

Theo ông Hạnh, đây là tài sản phát sinh, EVN phải đảm bảo các quy định tài chính của Bộ Tài chính, cho nên phải làm sao để họ quyết toán được theo các quy định tài chính.

Thêm vào đó, hiện vùng sâu, vùng xa, hải đảo phải đầu tư nguồn và lưới rất tốn kém, ông Hạnh kiến nghị bổ sung cơ chế khuyến khích cho những vùng này được tận dụng phát triển nguồn điện này.

Việc dự thảo có quy định "nhà nước mua với giá 0 đồng cho sản lượng vượt công suất" đang gây tranh cãi.

“Thay vì bán giá 0 đồng, điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu dư thừa cần được phân phối theo hợp đồng”

Huyền Trang

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thay-vi-ban-gia-0-dong-dien-ap-mai-can-phan-phoi-theo-hop-dong-d110428.html