Thế chấp vay vốn hay chiêu lừa chiếm đất?

Sau khi thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ-sổ đỏ) để vay tiền, nhiều hộ dân ở xã Hbông (H. Chư Sê, Gia Lai) đã bị người cho vay tự ý "sang tên" sổ đỏ cho người khác mà không hề hay biết. Chỉ đến khi làm việc với chính quyền địa phương, người dân mới hay toàn bộ đất sản xuất, đất ở của mình có nguy cơ mất trắng. Thậm chí vẫn phải trả lãi vay cho chính mảnh đất không còn là của mình.

Người dân trình báo việc với CAH Chư Sê.

Người nghèo "sa bẫy" tín dụng... lừa

Ngồi bần thần trong căn nhà xiêu vẹo, bà Ksor H'pyar (làng Kte 2, xã Hbông) kể với chúng tôi về việc bị "sa bẫy" tín dụng... lừa. Bà Ksor H'pyar thuật lại: Do cần tiền trang trải cho gia đình, đầu tư sản xuất và trả khoản vay ngân hàng trước đó, tháng 10-2016, qua giới thiệu của người khác, vợ chồng bà đến gặp bà Nguyễn Thị Thu (1968, trú thôn Ia Sa, xã Hbông) đề nghị vay tiền. Bà Thu đồng ý cho vay 65 triệu đồng với thời hạn 5 năm, lãi suất 9.000 đồng/triệu đồng/tháng. Để vay được khoản tiền trên, vợ chồng bà phải thế chấp sổ đỏ khoảng 2 ha (cả vườn, rẫy) cho bà Thu, khi nào vợ chồng bà H'pyar trả đủ 65 triệu đồng thì bà Thu sẽ trả lại sổ đỏ. "Bà Thu đến nhà yêu cầu vợ chồng tôi lên công chứng tại thị trấn Chư Sê (H. Chư Sê) để lăn tay vào giấy rồi về nhà bà ấy nhận tiền. Vợ chồng tôi không biết chữ nên tin, làm theo chớ không nghi ngờ gì!", bà H'pyar phân trần. Điều mà vợ chồng bà H'pyar không hề biết là đã lăn tay vào giấy chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất vườn, rẫy cho bà Thu.

Tương tự, ông Rmah Ưih cũng xác nhận ông cũng vừa giao sổ cho bà Thu để vay 40 triệu đồng, lãi suất 9.000 đồng/triệu đồng/tháng. Ông Ưih cho hay, bà Thu cho người chở vợ chồng ông lên Văn phòng công chứng Chư Sê để lăn tay, sau đó mới được nhận tiền tại nhà bà Thu. Ông không hề biết mình đã lăn tay vào tờ giấy có nội dung gì, chỉ cả tin rằng có ký thì mới được nhận tiền và ông cũng không hề hay biết rằng 3,2ha đất của mình cũng đã bị "phù phép" thành đất người khác. Còn hàng loạt người dân khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi thế chấp GCN QSDĐ của mình cho bà Thu để vay, người ít thì vài chục triệu, người nhiều thì 100 triệu đồng.

Chỉ đến khi ông Ksor Jao (làng Kre 2) và ông Kpă Khil (làng Kte 1) biết được sự việc đất của mình đã bị "sang tên" qua cho bà Thu và tiếp tục được "sang tên" cho người khác nên làm đơn tố cáo lên chính quyền địa phương. Tại biên bản làm việc của CAX Hbông với những hộ dân đã thế chấp sổ đỏ để vay tiền của bà Thu, mọi người đều khai họ nhờ bà Thu vay tiền ngân hàng, khi nhận tiền họ có yêu cầu bà Thu đưa xem giấy vay ngân hàng nhưng bà này không đưa mà chỉ đưa giấy viết tay xác nhận có giữ sổ đỏ của họ. Các hộ dân này cũng yêu cầu CAX làm rõ các sổ đỏ của họ đang ở đâu.

Trong khi đó, bà Thu khai báo có cho 3 hộ là Rmah Dân vay 40 triệu đồng, Ksor Huen vay 60 triệu đồng và Ksor Ngot vay 70 triệu đồng giống như trình báo của các hộ này. Hình thức vay là vay tiền của bà chứ không vay ngân hàng (thời hạn vay 4 năm, lãi suất 0,9%/tháng) và phải sang nhượng đất cho bà thì mới cho các hộ này vay. Theo bà Thu, hiện các hộ này đã sang nhượng toàn bộ đất cho bà và 3 sổ đỏ này đang ở Văn phòng công chứng Chư Sê. Tuy nhiên, trong biên bản thỏa thuận giữa 2 bên đều không thể hiện việc yêu cầu sang nhượng để vay vốn. "Nếu sang nhượng cho bà Thu thì giá phải cao hơn chứ, cả mấy héc-ta đất của mình lại sang nhượng giá rẻ mạt thế", ông Rơ Mah Thân (1964, trú làng Kte 1) bức xúc. Ông Thân là người đã thế chấp 3,2ha đất có sổ đỏ để vay của bà Thu 100 triệu đồng, nhưng chỉ mới nhận được 70 triệu đồng.

Bà Ksor H'pyar kể lại sự việc vay tiền của bà Thu.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Qua tìm hiểu của PV, bà Thu cùng chồng là Vũ Đình Bách cũng đã "sang tên" nhiều sổ đỏ của những hộ dân khác. Như hộ ông Ksor Huen đã chuyển nhượng cho ông Vũ Đình Bách và vợ là bà Thu toàn bộ diện tích 20.746 m2 đất được cấp sổ đỏ số T933255 (tại thửa đất số 151, 07; tờ bản đồ số 25, 27) và được Văn phòng Công chứng Chư Sê chứng thực ngày 28-7-2016. Ngày 18-8-2016, Sở TN&MT Gia Lai ký cấp mới 2 sổ đỏ số CĐ 600717 và CĐ600718 mang tên Vũ Đình Bách, vợ là Nguyễn Thị Thu. Đến ngày 12-9-2016, bà Thu lại sang nhượng 2 sổ đỏ này cho bà Hà Thị Toan (trú thị trấn Chư Sê). Đến ngày 23-9, bà Toan đã đem 2 sổ đỏ trên này (thực chất là của ông Ksor Huen) cùng với 2 sổ đỏ khác (1 đứng tên Vũ Đình Bách và 1 đứng tên ông Lê Văn Chương- chồng bà Toan) đi vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Chư Sê với số tiền 2,960 tỷ đồng.

Đối với trường hợp 3,2ha đất (thửa đất số 17, tờ bản đồ 26) của ông Rmah Ưih đã được sang nhượng cho ông Nguyễn Văn Trung và vợ là Bùi Thị Dị (làng Dek, xã Hbông) vào ngày 27-10-2016. Đến ngày 3-11-2016, ông Nguyễn Văn Trung tiếp tục làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để vay vốn ngân hàng. Giấy biên nhận hồ sơ của Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất H. Chư Sê ghi ngày trả kết quả là ngày 17-11. Còn đất của hộ bà Ksor H'pyar cũng đã được sang nhượng cho bà Trần Thị Duyên vào ngày 26-10-2016. Đối với phần diện tích 32.433m2 của ông Ksor Jao (sổ đỏ số T633289) theo hợp đồng chuyển nhượng ngày 2-8-2016 cho bà Nguyễn Thị Thu được dừng lại kịp thời do UBND xã Hbông có văn bản gửi Chi cục Thuế H. Chư Sê tạm dừng thủ tục chuyển nhượng.

Có thể thấy, việc thế chấp sổ đỏ để vay tiền của bà Thu có nhiều dấu hiệu mập mờ, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để tiến hành sang nhượng qua cho bà Thu hoặc người khác. Đến ngày 23-11, cơ quan chức năng xác định trên địa bàn xã Hbông đã có 16 trường hợp thế chấp sổ đỏ để vay tiền từ bà Thu và một người bà con của bà Thu, trong đó 12 trường hợp đã bị chuyển quyền sử dụng đất. Hiện vụ việc đã được CAH Chư Sê và chính quyền địa phương vào cuộc điều tra làm rõ.

Minh Tân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_158180_the-cha-p-vay-vo-n-hay-chieu-lu-a-chie-m-da-t-.aspx