Thể dục dụng cụ Việt Nam - từ SEA Games đến ASIAD

Không còn 'cánh chim đầu đàn' Phan Thị Hà Thanh, đội nữ không những không giành được HCV nào mà ngay cả 1 tấm huy chương màu bất kỳ cũng không thể với tới.

Hai năm trước trên đất Singapore, Việt Nam là bá chủ ở môn thể dục dụng cụ khi giành tới hơn một nửa số HCV (9/17), trong đó các nam VĐV đóng góp 6 HCV còn một mình Phan Thị Hà Thanh đóng góp 3 HCV.

Tuy nhiên đến SEA Games lần này, đội tuyển thể dục dụng cụ đã không còn giữ được vị trí số 1 trong khu vực nữa. Tổng cộng Việt Nam chỉ giành được có 5 HCV - bằng với thành tích của chủ nhà Malaysia nhưng xếp sau do ít HCB hơn (3 HCB so với 4 HCB của Malaysia).

Đinh Phương Thành giành HCV xà kép Đinh Phương Thành chính thức giành tấm HCV xà kép trong khi Phước Hưng giành HCB.

Trong khi đội nam vẫn chiếm ưu thế với thành tích ổn định và bảo vệ được 5 tấm HCV (mất 1 HCV do chủ nhà Malaysia bỏ nội dung toàn năng cả nam lẫn nữ) thì đội nữ lại cho thấy sự sa sút nghiêm trọng. Không còn “cánh chim đầu đàn” Phan Thị Hà Thanh, đội nữ không những không giành được HCV nào mà ngay cả 1 tấm huy chương màu bất kỳ cũng không thể với tới. Thành tích khả dĩ nhất của các VĐV nữ chỉ là xếp ở vị trí thứ 4 nội dung cầu thăng bằng của Trương Khánh Vân. Rõ ràng là việc Phan Thị Hà Thanh giã từ sự nghiệp đã để lại cho thể dục dụng cụ nữ Việt Nam một khoảng trống mênh mông mà chưa biết bao giờ các thế hệ đàn em mới có thể khỏa lấp được.

Ở ASIAD lần trước, thể dục dụng cụ Việt Nam đã gây ấn tượng khi lần đầu tiên giành được huy chương. Trên đất Hàn Quốc, chúng ta đã giành được 1 HCB (Hà Thanh ở nội dung cầu thăng bằng) và 3 HCĐ (Hà Thanh ở nội dung nhảy chống, Phương Thành ở nội dung xà kép, Đặng Nam ở nội dung vòng treo).

Đội thể dục dụng cụ nam đang cho thấy được sự ổn định cần thiết.

Đội thể dục dụng cụ nam đang cho thấy được sự ổn định cần thiết.

Tuy nhiên căn cứ vào những gì đã diễn ra ở SEA Games 29 vừa qua thì rất khó có cửa để các VĐV nữ Việt Nam giành được huy chương ở ASIAD 2018. Những Quỳnh Như, Ngọc Huỳnh, Tố Liên, Khánh Vân, Hải Yến chưa chứng tỏ được khả năng của mình ở sân chơi khu vực thì làm sao có thể bước ra được đấu trường châu lục.

Vì thế, mọi hy vọng của thể dục dụng cụ Việt Nam trên đất Indonesia vào năm sau sẽ được đặt lên vai các chàng trai như Đặng Nam, Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành, Phạm Phước Hưng. Rất may là các VĐV nam của chúng ta đang có được thành tích rất ổn định. Trong đó đáng mừng nhất là sự vươn lên của các VĐV trẻ như Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành. Đặc biệt Lê Thanh Tùng đang có những sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn trong thời gian gần đây.

Cách đây 4 tháng, Thanh Tùng đã lên ngôi vô địch ở nội dung nhảy chống tại giải thể dục dụng cụ châu Á tại Thái Lan. Trước đó, tuyển thủ này cũng giành ngôi vô địch nội dung nhảy chống ở Cúp thế giới tại Qatar.Còn ở SEA Games 29 vừa qua, một mình Thanh Tùng giành 3 HCV: 2 ở các nội dung đơn và 1 ở nội dung đồng đội.

Đây sẽ là những niềm hy vọng lớn nhất của thể dục dụng cụ Việt Nam ở ASIAD năm sau.

Hà Phương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/the-duc-dung-cu-viet-nam-tu-sea-games-den-asiad-post777959.html