Thế giới 7 ngày: 28 người biểu tình Thái Lan bị thương

VOV.VN -Biểu tình tại Thái Lan biến thành bạo lực, Ai Cập kết thúc trưng cầu dân ý về Hiến pháp, đánh bom tại Afghanistan...

Trong ảnh: Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan Thanasak Patimaprakorn tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quân đội Hoàng gia Thái Lan tại một căn cứ quân sự ở thủ đô Bangkok ngày 18/1 (Reuters)

Hôm nay (19/1), các cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan do thủ lĩnh đối lập Suthep Thaugsuban dẫn đầu tiếp tục diễn ra tại nhiều khu vực ở thủ đô Bangkok. Cuộc biểu tình nhằm lật đổ chính quyền của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra, nhưng đã biến thành bạo lực khi một loạt vụ nổ xảy ra nhằm vào người biểu tình . Theo Trung tâm cứu trợ Bangkok, đã có 28 người bị thương và phải nhập viện. Trong khi đó, những người biểu tình cho biết, 4 người bị thương trong 2 vụ nổ ở quảng trường Chiến thắng mà những người biểu tình dựng trại từ đầu tuần này.

Ngày 19/1, Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan Thanasak Patimaprakorn đã kêu gọi chính phủ Thái Lan và người biểu tình ngồi lại với nhau để tìm ra một giải pháp cho đất nước. Ông Thanasak cũng bác bỏ tin đồn cho rằng ông ta đang có kế hoạch tổ chức đảo chính quân sự để trở thành thủ tướng tiếp theo ở Thái Lan.

Hiện trường vụ đánh bom (Ảnh AP)

Một vụ đánh bom tự sát xảy ra tối 17/1 tại một nhà hàng Lebanon nổi tiếng ở thủ đô Kabul (Afghanistan) khiến 15 người, chủ yếu là người nước ngoài thiệt mạng. Ông Janan Mosazai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Afghanistan đã lên án vụ tấn công và cho rằng, quân nổi dậy đang cố gắng tạo ra một bầu không khí hoảng loạn và sợ hãi trong khu vực.

Phát biểu tại buổi họp báo vào sáng sớm 19/1 (theo giờ Hà Nội), Tổng Thư ký Ban Ki-moon nói đây là một thời khắc đau buồn nữa đối với Liên Hợp Quốc, vì 4 thành viên tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đã bị giết hại trong vụ tấn công Kabul. Tổng Thư ký Ban Ki-moon gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình bốn quan chức và nhân viên Liên Hợp Quốc thiệt mạng trong vụ tấn công. Người đứng đầu Liên Hợp Quốc đồng thời gửi lời thăm hỏi và mong tất cả những người bị thương sớm bình phục.

Người dân Ai Cập vui mừng trước kết quả trưng cầu dân ý về Hiến pháp (Ảnh AP)

Ủy ban bầu cử Trung ương Ai Cập hôm qua (18/1) công bố kết quả chính thức cuộc trưng cầu ý dân ngày 14-15/1 vừa qua, theo đó, tỷ lệ ủng hộ đối với bản hiến pháp mới lên tới 98,1%. Thành công này đã đem lại tia sáng mới, mở đường cho các bước tiếp theo trong tiến trình chuyển tiếp ở Ai Cập, sau gần ba năm sống trong khủng hoảng.

Kết quả này được xem là một chiến thắng pháp lý cần thiết cho chính phủ lâm thời Ai Cập vừa thay thế cựu Tổng thống dân bầu đầu tiên Mohammed Morsi lãnh đạo đất nước sau cuộc lật đổ ngày 30/6.

Tiêu hủy gia cầm tại Chư Ky, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh Reuters)

Ngày 18/1, Cục Y tế Trung Quốc xác nhận ở nước này có thêm 8 ca mới nhiễm virus cúm A H7N9 .
Xác nhận mới này đã nâng tổng số trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở nước này lên con số 200, trong đó 54 người đã tử vong . Trong số 8 ca mới nhất nhiễm virus cúm A H7N9, có 3 trường hợp ở tỉnh Chiết Giang, 2 trường hợp ở tỉnh Phúc Kiến và 3 trường hợp ở tỉnh Quảng Đông.

Trong diễn biến có liên quan, Hàn Quốc cũng đang tăng cường hoạt động tiêu hủy gia cầm cũng như đưa ra các biện pháp đảm bảo ngăn chặn dịch cúm gia cầm lan rộng.

Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết, khoảng 21.000 con vịt tại một trang trại tại tỉnh Bắc Jeolla - cách thủ đô Seoul 300 km về phía Tây Nam đã bị tiêu hủy sau khi phát hiện có trường hợp nhiễm cúm H5N1.

Toàn cảnh Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Bagan, Myanmar (Ảnh TTXVN)

Ngày 17/1, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã diễn ra tại Bagan, miền trung Myanmar.

Với chủ đề “Đoàn kết hướng tới Cộng đồng ASEAN hòa bình và thịnh vượng” của năm 2014, hội nghị tập trung vào bốn nội dung chính là xem xét các biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và các ưu tiên trong năm 2014; xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015; làm sâu sắc hơn quan hệ đối ngoại của ASEAN; trao đổi về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông .

Tổng thống Mỹ Obama phát biểu tại Bộ Tư pháp về an ninh quốc gia ở thủ đô Washington D.C ngày 17/1/2014 (Ảnh Reuters)

Ngày 17/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu tại Bộ Tư pháp về an ninh quốc gia ở thủ đô Washington D.C. Trong bài phát biểu, ông Obama đã đưa ra hàng loạt thay đổi nhằm cải tổ các hoạt động tình báo của nước này 7 tháng sau khi cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ các bí mật “động trời” liên quan đến chương trình do thám trên diện rộng của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Tổng thống Mỹ Obama cũng khẳng định sẽ không thực hiện các chương trình do thám đối với các nước đồng minh thân cận.

Chủ tịch SNC Ahmad Jarba và các thành viên SNC tham gia cuộc họp báo tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/1 (Ảnh AFP)

Liên minh Dân tộc Syria (SNC), nhóm đối lập chính tại Syria, ngày 18/1 đã thông báo sẽ tham gia hội nghị Hòa bình lần thứ hai tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 22/1 tới nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột khốc liệt kéo dài 3 năm qua ở quốc gia Trung Đông này. Quyết định trên được đưa ra sau một cuộc bỏ phiếu kín diễn ra cùng ngày, với 58 phiếu ủng hộ, 14 phiếu chống, 2 phiếu vắng mặt và 1 phiếu trắng.

Như vậy, sau nhiều lần trì hoãn, các đại diện của chính quyền Syria và phe nổi dậy sẽ ngồi vào bàn đàm phán lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Syria cách đây gần 3 năm./.

Bích Đào/VOV online
Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/the-gioi-7-ngay-28-nguoi-bieu-tinh-thai-lan-bi-thuong/306886.vov