Thế giới 7 ngày: Dư luận dõi theo vụ xử nghi phạm sát hại Kim Jong-nam

Nghi án Kim Jong-nam, với 2 nghi phạm Đoàn Thị Hương và Aisyah, tiếp tục có những diễn biến mới thu hút sự chú ý của công chúng thế giới.

1. Bộ trưởng Y tế Malaysia Datuk Seri S. Subramaniam ngày 26/2 cho biết, việc khám nghiệm tử thi người được cho là Kim Jong-nam đã hoàn tất.

Bộ trưởng Y tế Malaysia Datuk Seri S. Subramaniam. Ảnh: AP.

Tờ New Straits Times của Malaysia dẫn lời ông Subramaniam tuyên bố, báo cáo khám nghiệm tử thi người được cho là Kim Jong-nam sẽ sớm được gửi cho cảnh sát nước này.

Cũng theo lời ông Subramaniam, kết quả khám nghiệm sơ bộ cho thấy người được cho là Kim Jong-nam đã thiệt mạng do tiếp xúc với lượng chất độc thần kinh VX quá lớn do 2 người phụ nữ dùng tay áp vào mặt người này khiến cho nạn nhân thiệt mạng chỉ khoảng 20 phút sau đó.

“Lượng chất độc thần kinh VX trong thi thể nạn nhân quá cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim và phổi của nạn nhân. Việc hấp thụ chất độc thần kinh VX xảy ra quá nhanh khiến nạn nhân tử vong trong vòng từ 15-20 phút sau khi tiếp xúc với loại hóa chất chết người này”, ông Subramaniam nói.

>> Hai nữ nghi phạm vụ sát hại ông Kim Jong-nam đối mặt với án tử hình

2. Các lực lượng tinh nhuệ Iraq ngày 26/2 đã giành quyền kiểm soát thêm một khu phố đông dân cư ở phía Tây Mosul.

Giới chức Iraq cho biết, quân đội và các lực lượng an ninh nước này đang mở rộng một chiến dịch tổng tấn công các khu vực ở phía Tây thành phố Mosul, thành trì cuối cùng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tại nước này.

Theo Đại tá Fala al Wazan thuộc Cơ quan Cảnh sát đặc nhiệm Iraq, các lực lượng tinh nhuệ Iraq ngày 26/2 đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn thêm một khu phố đông dân cư ở phía Tây Mosul và nhiệm vụ quan trọng hiện

Với chiến dịch giải phóng Mosul khỏi IS, Mỹ đã điều chỉnh quy tắc can dự vào Iraq khi đưa quân “gần gũi” hơn với lực lượng chiến đấu ở tiền tuyến.

3. Nhà Trắng không cho phóng viên của CNN và NYT tham gia cuộc họp báo thường kỳ, làm dấy lên cáo buộc chính quyền của ông Trump phân biệt đối xử.

Nhà Trắng loại trừ một số hãng truyền thông như CNN và New York Times(NYT) khỏi cuộc họp báo thường ngày 24/2.

Theo AFP, cuộc họp báo cũng không được ghi hình lại như mọi lần.

Nhiều hãng truyền thông bảo thủ nhỏ hơn như One America News Network, Breitbart, Washington Times được dự sự kiện.

Phóng viên AP và Times đã tẩy chay cuộc họp báo để phản đối. Hiệp hội Báo chí Nhà Trắng (WHCA) cũng không chấp nhận hành động của Nhà Trắng. "Hiệp hội sẽ thảo luận thêm về vấn đề này với đội ngũ Nhà Trắng", Jeff Mason, chủ tịch WHCA, nói. WHCA kêu gọi các hãng được tham dự chia sẻ tài liệu.

4. Tối 25/2, một người đàn ông trung niên đã treo cổ tự vẫn bên ngoài chùa Dhammakya (Thái Lan). Trước đó, người đàn ông này đã leo lên cột ăng ten cao 100 mét trước ngôi chùa Dhammakaya, giương ra khẩu hiệu phản đối việc áp dụng Điều 44 hiến pháp lâm thời để phong tỏa ngôi chùa ở tỉnh Pathum Thani này.

Ngày 25/2, Văn phòng Phật Giáo quốc gia (NOB) của Thái Lan đã ra chỉ thị cấm các tăng ni trên toàn quốc đến tụ tập quanh ngôi chùa tỷ đô Dhammakaya ở tỉnh Pathum Thani, cách thủ đô Bangkok khoảng 50km. Đây là tâm điểm của cuộc đối đầu giữa nhà chức trách nước này và các tín đồ của giáo phái Dhammakaya trong hoàn cảnh nhà sư trụ trì ngôi chùa này bị nghi ngờ có các hoạt động rửa tiền.

5. Như đã được ấn định, hôm 27/2 Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tổ chức phiên xem xét luận tội cuối cùng đối với nữ Tổng thống Park Geun hye liên quan đến vụ bê bối tham nhũng đang làm chao đảo chính trường nước này.

Trước đó, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc nêu rõ cho dù bà Park Geun hye có tham dự hay không thì phiên tòa vẫn sẽ diễn ra đúng lịch.

Một ngày trước phiên tòa, hàng trăm nghìn người thuộc hai phe ủng hộ và phản đối tiếp tục đổ xuống đường biểu tình tại Thủ đô Seoul. Chính quyền địa phương phải huy động hàng chục nghìn cảnh sát chống bạo động để trấn áp. Những người tham gia tuần hành cho biết họ hi vọng vào phán quyết sáng suốt của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc.

6. Trung Quốc đã cấm tất cả các công dân nước này du lịch tới Hàn Quốc để đáp trả việc Hàn Quốc đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống THAAD tại nước này.

Một số doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc cho biết, Tổng cục Du lịch Trung Quốc (CNTA) đã triệu tập cuộc họp với các công ty du lịch tại Bắc Kinh trong ngày 2/3 và chỉ thị dừng hoàn toàn việc cung cấp các dịch vụ du lịch tới Hàn Quốc .

Theo đó, tất cả các đoàn khách du lịch muốn đến Hàn Quốc sẽ bị cấm mua vé máy bay và cấm xuất cảnh tới Hàn Quốc, bất kể thông qua các công ty lữ hành hay du lịch tự do. Tổng cục Du lịch Trung Quốc yêu cầu từ trung tuần tháng 3 này hủy bỏ các gói du lịch tới Hàn Quốc, kể cả các gói hợp đồng đặt trước.

Trung Quốc vốn luôn chỉ trích mạnh việc triển khai THAAD, cho rằng hệ thống này đe dọa những lợi ích chiến lược của Trung Quốc và qua đó làm tổn hại an ninh khu vực Đông Á. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng nhiều lần khẳng định lập trường của Trung Quốc về vấn đề này.

7. Ngày 2/3, dưới sự hỗ trợ của Nga và Iran, quân đội Syria đã lấy lại quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra từ tay tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Quân đội Syria và các lực lượng đồng minh đã tiến vào bên trong Palmyra sau khi IS rút các tay súng của nhóm này khỏi thành phố.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cũng xác nhận quân đội Syria đã tiến vào các quận phía Tây của Palmyra. Trong khi đó, hãng thông tấn Nga Ria cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thông báo cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc thành phố Palmyra của Syria đã hoàn toàn giải phóng.

Trung Hiếu/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/the-gioi-7-ngay-du-luan-doi-theo-vu-xu-nghi-pham-sat-hai-kim-jongnam-599524.vov