Thế giới 7 ngày: Trumpcare 'thất thủ', London bị tấn công

Dự luật thay thế Obamacare của Tổng thống Trump bị rút lại, vụ tấn công ở London gây rúng động, phà Sewol được trục vớt sau 3 năm...

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải hứng chịu một thất bại chính trị "cay đắng" ngày 24/3 khi các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đã quyết định rút lại Dự luật về cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe thay thế Obamacare. (Ảnh: Phản ứng của ông Trump khi nghe quyết định này/Reuters).

Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ vui mừng trước việc Dự luật Cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Trump bị rút lại, điều đó có nghĩa là Obamacare sẽ được tiếp tục thực hiện thêm thời gian. (Ảnh: Các nghị sĩ Nancy Pelosi, Steny Hoyer và Eric Swalwell trong cuộc họp báo của đảng Dân chủ/Reuters).

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 18/3 thăm Trung Quốc - chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 3 nước châu Á của nhà ngoại giao này. (Ảnh: Reuters)

Mỹ và Anh áp đặt những hạn chế đối với các thiết bị điện tử cầm tay mang trên máy bay từ một số sân bay ở các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi để đối phó với những nguy cơ an ninh . Theo quy định mới này, các thiết bị như máy tính bảng, máy tính xách tay, máy ảnh… đều bị cấm mang theo hành lý xách tay. Hành khách buộc phải chuyển sang hành lý ký gửi.(Ảnh: Sân bay quốc tế Mỹ tăng cường kiểm tra an ninh/Reuters)

Chiều 22/3 (giờ địa phương), một kẻ tấn công đã dùng một xe tải lao vào dòng người trên cầu Westminster, London (Anh) khiến 4 người tử vong và khoảng 20 người bị thương. Con số này sau đó đã tăng lên là 5 người thiệt mạng và 40 người bị thương. trong số những người thiệt mạng có một cảnh sát, 3 dân thường và kẻ thực hiện vụ tấn công khủng bố. (Ảnh: Một phụ nữ đang cố gắng giúp đỡ người bị thương/Reuters).

Người dân đã cài những bó hoa trên cầu Westminster để tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công (Ảnh: Reuters). Cảnh sát tin rằng, đối tượng thực hiện vụ tấn công này là một kẻ theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan . Hiện, mức độ cảnh báo về nguy cơ khủng bố quốc tế tại London đã được đánh giá ở mức nghiêm trọng.

Nến được thắp sáng trên cầu Westminster, gần hiện trường vụ tấn công ở London. Thị trưởng London Khan nhấn mạnh: “Tôi muốn chia sẻ nỗi đau với những người mất đi người thân của mình và những người bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công khủng bố này". (Ảnh: Reuters)

Cộng đồng thế giới cũng gửi lời chia buồn với nước Anh và gia đình các nạn nhân. Trong ảnh: Cổng Brandenburg ở Berlin (Đức) phủ cờ Anh để chia sẻ với nước Anh về vụ tấn công. (Ảnh: Reuters).

Ngày 22/3 đánh dấu tròn một năm kể từ khi vụ đánh bom kép tại thủ đô Brussels và sân bay Zaventem gây rúng động trên toàn nước Bỉ. Cho đến nay, thảm họa này vẫn còn để lại những ảnh hưởng đáng kể đến đời sống xã hội, kinh tế, chính trị tại đất nước được mệnh danh là "Trái tim châu Âu”. (Ảnh: Mọi người làm trái tim bằng ngón tay trong lễ kỷ niệm/Reuters).

Con phà Sewol bị đắm bắt đầu trồi lên từ dưới mặt nước sáng sớm 23/3 trong chiến dịch trục vớt quy mô lớn của Hàn Quốc, gần 3 năm sau vụ đắm phà khiến hơn 300 người thiệt mạng hoặc mất tích – một trong các thảm họa hàng hải tồi tệ nhất ở quốc gia này. Chính quyền Seoul trước đó quyết định trục vớt nguyên vẹn con phà đắm nhằm bảo vệ các di cốt có thể còn lại trong đó của những người mất tích (Ảnh: Reuters).

Người thân các nạn nhân đã thiệt mạng hoặc mất tích vẫn còn hết sức đau buồn khi đến chứng kiến hoạt động trục vớt phà Sewol. (Ảnh: Reuters)

Mưa lớn và sạt lở đất tại khu vực duyên hải miền Bắc Peru kéo dài suốt tuần qua. Theo số liệu chính thức của Peru, đến nay đã có hơn 100.000 người mất nhà cửa, gần 300 người bị thương và gần 80 người thiệt mạng vì lở đất. (Ảnh: Người dân đang cố gắng vượt qua con đường ngập lụt ở quận Huachipa thuộc Lima/Reuters).

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/the-gioi-7-ngay-trumpcare-that-thu-london-bi-tan-cong-606700.vov