Thế giới cần chính sách kịp thời đối phó với khủng hoảng lương thực

Ngày 16/11, trong báo cáo chuẩn bị công bố bên lề Hội nghị bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Giơnevơ (Geneva, Thụy Sĩ) vào trung tuần tháng 12 tới, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền có lương thực Ôliviê Đơ Súttê (Olivier De Schutter) kêu gọi thế giới cần nhanh chóng có những phản ứng chính sách trước cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay.

Ông Súttê nhấn mạnh các nước đang phát triển lo ngại chính đáng khi tay họ bị khóa chặt bởi những quy chế thương mại quốc tế. Mặc dù một số biện pháp giúp tăng sản xuất lương thực ở các nước đang phát triển, như tăng thuế đối với lương thực, cấm nhập khẩu tạm thời, trợ cấp nông nghiệp có mục tiêu, nhà nước mua lương thực của nông dân… nhưng sự phức tạp và nguy cơ bị hành động pháp lý thường trực từ các quy chế thương mại của WTO hiện nay hầu như không cho phép các nước đang phát triển thúc đẩy các biện pháp này. Các nỗ lực thiết lập các quỹ dự trữ lương thực nhân đạo ở châu Phi cũng bị cản trở bởi các quy chế thương mại hiện nay của WTO.

Theo ông Súttê, quyền chính đáng có lương thực phải là ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của các cuộc thương lượng trong Hội nghị bộ trưởng WTO tháng 12 tới. Trọng tâm của Hội nghị là tương lai của Vòng đàm phán phát triển Đôha (Doha) về giảm các rào cản thương mại quốc tế và tương lai của hệ thống thương mại toàn cầu. Thế giới cần tận dụng cơ hội này để yêu cầu WTO thiết lập các quy chế thương mại nhằm đảm bảo an ninh lương thực và thực hiện quyền chính đáng được có lương thực của mỗi người. Ông Súttê nhấn mạnh thế giới ngày nay cần môi trường thuận lợi khuyến khích thực hiện các chính sách táo bạo nhằm tăng cường an ninh lương thực.

Trong năm nay, nhập khẩu lương thực toàn cầu tăng tới 1,3 nghìn tỷ USD, trong đó hóa đơn của các nước chậm phát triển nhất thế giới nhập khẩu lương thực chiếm hơn 33%./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=490944&co_id=30576