Thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất từ năm 1945

Giám đốc nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 10-3 cho biết, thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất, kể từ khi LHQ được thành lập vào năm 1945 đến nay.

Phụ nữ Yemen cầm một biểu ngữ phản đối chiến tranh, khi họ tham gia biểu tình trước tòa nhà của LHQ ở Sanaa, Yemen, ngày 8-3- 2017

"Đến đầu năm nay chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ khi LHQ được thành lập vào năm 1945. Hiện có hơn 20 triệu người ở 4 quốc gia đang phải đối mặt với nạn đói. Nếu không có sự chung sức, nỗ lực toàn cầu, rất nhiều người sẽ chết vì đói, vì bệnh tật", ông Stephen O'Brien nói với Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời kêu gọi một khoản viện trợ khẩn cấp cho Yemen, Nam Sudan, Somalia và đông bắc Nigeria, mong muốn sự tiếp cận an toàn ở những khu vực này, cũng như hoạt động viện trợ nhân đạo không bị cản trở.

"Chính xác là chúng ta cần 4,4 tỷ đô la Mỹ đến tháng 7-2017. Nếu không có một khoản tiền lớn, trẻ em sẽ bị còi cọc do suy dinh dưỡng nặng, chúng sẽ không có đủ sức khỏe để đi học, lợi ích trong phát triển kinh tế sẽ bị đảo ngược, và ‘sinh kế, tương lai, hy vọng’ sẽ bị mất", ông O'Brien chỉ rõ.

Theo giám đốc nhân đạo của LHQ, cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất là ở Yemen, nơi 2/3 dân số cần viện trợ, và hơn 7 triệu người đang phải chịu cảnh đói khát, không biết bữa ăn tiếp theo của họ sẽ đến từ đâu. Quốc gia nghèo nhất thế giới này đang chìm trong cuộc xung đột, hơn 48.000 người đã bỏ chạy khỏi chiến tranh chỉ trong hai tháng qua.

“Trong năm 2017 phải cần đến 2,1 tỷ đô la Mỹ để giúp đỡ và bảo vệ sự sống cho 12 triệu người Yemen, nhưng đến nay chỉ đáp ứng được 6%”, ông O'Brien cho biết.

Được biết, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ chủ trì một hội nghị cam kết cho Yemen vào ngày 25 - 4 tới đây tại Geneva.

Trong chuyến thăm gần đây tới Yemen, ông O'Brien đã gặp gỡ và thảo luận với các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ và phe nổi dậy Houthi, lực lượng đang kiểm soát thủ đô Sanaa.

Tuy nhiên, theo lời ông O'Brien, tất cả các bên trong cuộc xung đột đều tự ý phủ nhận việc tiếp cận nhân đạo lâu dài và chính trị hóa viện trợ.

"Nếu hành động của họ không được thay đổi ngay bây giờ, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về nạn đói không thể tránh khỏi, về những cái chết không đáng có", ông O'Brien nhấn mạnh.

Giám đốc nhân đạo của LHQ cũng đã viếng thăm Nam Sudan, nước mới nhất trên thế giới đã bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến kéo dài 3 năm.

"Tình hình ở quốc gia này tồi tệ hơn bao giờ hết. Hơn 7,5 triệu người cần viện trợ, tăng 1,4 triệu người so với năm 2016, và khoảng 3,4 triệu người ở Nam Sudan phải di dời do chiến tranh, trong đó có khoảng 200.000 người đã trốn khỏi đất nước kể từ tháng 1-2017", ông O'Brien nói.

Tại Somalia, nơi ông O'Brien cũng đã đến thăm, hơn một nửa dân số - 6,2 triệu người - cần được hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ, trong đó có 2,9 triệu người có nguy cơ phải chịu đói, cần được giúp đỡ ngay.

Quan chức cấp cao của LHQ cảnh báo gần 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ bị suy dinh dưỡng cấp tính trong năm nay.

Ở phía đông bắc Nigeria, một cuộc nổi dậy kéo dài 7 năm của nhóm cực đoan Hồi giáo Boko Haram đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người, khiến 2,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tháng trước, một điều phối viên nhân đạo của LHQ cho biết, suy dinh dưỡng ở người lớn tại vùng đông bắc Nigeria đã khiến họ không còn sức để đi lại, và một số cộng đồng đã không giữ nổi mạng sống của tất cả trẻ mới biết đi, do suy dinh dưỡng nặng.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/the-gioi-dang-doi-mat-voi-cuoc-khung-hoang-nhan-dao-lon-nhat-tu-nam-1945/720976.antd