Thế giới lao đao vì giá thực phẩm tăng

Giá thực phẩm đang trên đà tăng vọt trên toàn thế giới và ít có dấu hiệu chững lại trong thời gian tới.

tg262 Nhà hàng Connaught Place tại New Delhi (Ấn Độ) đã phục vụ bánh mì và rau quả trong suốt 4 thập niên. Tuy nhiên, vào năm ngoái ông chủ Sanjay Anand liên tục nhận được những lời than phiền không ngớt từ khách hàng. "Họ bực mình vì chúng tôi tăng giá đồ ăn thức uống. Nhưng chúng tôi buộc phải làm vậy vì mọi thứ, từ lúa mì, rau cải, đều tăng giá đồng loạt", Hãng tin AFP dẫn lời Anand, chủ nhà hàng Connaught Place. Những quán ăn nhỏ như của ông Anand, cũng như hàng trăm triệu người khắp Ấn Độ, đang phải chật vật chống đỡ trước tình trạng cầu về thực phẩm tăng cao trên toàn thế giới làm giá cả tăng chóng mặt. Vật giá leo thang khiến chính phủ đất nước Nam Á này vô cùng lo lắng vì không biết còn có thể tiếp tục bảo đảm nguồn cung thực phẩm với giá cả chấp nhận được cho số dân 1,1 tỉ người tại nước này. Ấn Độ chỉ là một ví dụ điển hình về tình trạng giá thực phẩm leo thang trên toàn cầu. Số liệu của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) cho thấy giá thực phẩm thế giới tăng gần 40% trong năm 2007, là một trong những nguyên nhân gây nên các cuộc biểu tình tại Myanmar, Pakistan, Indonesia, Malaysia, Mexico... Giá lúa mì và đậu nành tại một số nơi tăng lần lượt gần 80% và 90%, trong khi giá nhiều loại ngũ cốc khác cũng đạt đến mức cao kỷ lục. Sự tăng trưởng kinh tế tại châu Á và việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ một số thực phẩm là các nguyên nhân chính của tình trạng trên, theo đánh giá của ông Joachim von Braun, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách thực phẩm quốc tế. "Thu nhập đầu người tăng cao, đặc biệt là tại châu Á, làm cầu về thực phẩm tăng", Hãng tin AFP dẫn lời ông Braun. Theo FAO, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu đã tăng 40% trong năm ngoái so với khoảng 9% năm 2006. Giá thực phẩm tăng vọt trở thành mối lo ngại hàng đầu tại nhiều nước. Hãng AFP dẫn lời Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Chương trình Phát triển LHQ tại Hà Nội, cho biết vấn đề giá cả ở Việt Nam cũng đang tăng rất trầm trọng trong khi đó thực phẩm đóng vai trò rất lớn trong chi phí hằng tháng của người nghèo ở Việt Nam. Kinh tế khá lên khiến người dân thích ăn thịt hơn, đẩy giá lương thực lên cao vì thực phẩm nuôi gia súc dựa phần lớn vào ngũ cốc. Mức trung bình tiêu thụ thịt tại Trung Quốc tăng hơn gấp đôi kể từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó, giới chuyên gia đánh giá việc khí hậu thay đổi khắc nghiệt, hạn hán và lũ lụt, giá dầu cao khiến chi phí vận chuyển tăng đã góp phần đáng kể vào việc đẩy giá thực phẩm nhảy vọt. "Tại Úc, do hạn hán, chúng tôi gần như mất trắng trong những mùa vụ gần đây", nhà kinh tế học Katie Dean tại Ngân hàng ANZ nói. Thời tiết lạnh giá đã làm sản lượng ngũ cốc tại châu Âu và Mỹ giảm, trong khi việc bắt buộc tiêu hủy gia cầm do dịch cúm và dịch bệnh đã đánh thẳng vào nguồn cung thịt tại châu Á. Mùa đông khắc nghiệt tại Trung Quốc mới đây đã khiến nước này thiệt hại hơn 20 tỉ USD. Bangladesh vẫn đang cố gắng chống chọi sau khi các cơn lốc xoáy trong năm 2007 đã phá hoại số lúa gạo trị giá 600 triệu USD. "Ngoài ra, còn tình trạng thiếu đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt về khoa học và công nghệ", ông Braun nói. Trong khi đó, người nghèo bị bỏ lại đằng sau sự tăng trưởng ở châu Á. Họ phải chi khoảng 50% đến 70% thu nhập gộp của cả hộ gia đình để mua thức ăn, mà giá cả ngày càng không ổn định. Thông thường, khi giá các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng vọt, giống như thời khủng hoảng năng lượng vào những năm 70, 80 của thế kỷ 20, nền kinh tế châu Á sẽ bị sốc. Xu hướng đô thị hóa và công nghiệp hóa tại châu Á đã "nuốt" dần đất đai nông nghiệp, "hút" cạn nguồn tài nguyên nước vốn khan hiếm. "Chìa khóa giải quyết cho tình trạng trên là tăng sản lượng trên mỗi héc-ta đất nông nghiệp tại châu Á", Duncan Macintosh, thuộc Viện Nghiên cứu gạo quốc tế có trụ sở tại Philippines, nhận xét. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng đây là kế hoạch về lâu dài. Trong thời gian này, để bảo vệ người dân một số nước đã quyết định đóng cửa biên giới, như Ethiopia và Ấn Độ, và cố gắng duy trì mức giá cả trong nước. Tuy nhiên, hành động trên chỉ giúp kéo dài sự chống đỡ trong thời gian ngắn mà thôi.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29628-the-gioi-lao-dao-vi-gia-thuc-pham-tang