Thế giới sợ đầu tư Trung Quốc

Chính phủ Đức mới đây đã ngăn chặn Quỹ Đầu tư Phúc Kiến của Trung Quốc mua lại một cơ sở của công ty điện tử Aixtron. Quyết định này cho thấy Berlin cảm thấy bị đe dọa trước dòng vốn đầu tư của Trung Quốc, tính trong 6 tháng đầu năm 2016 đã lên đến 10 tỉ euro.

Trong số ra ngày 27/10, báo "Le Figaro" của Pháp nhận định trên trang nhất, nỗi sợ này không chỉ có riêng ở Đức mà “thói háu ăn của Trung Quốc khiến cả thế giới lo sợ”. Chưa hết năm 2016, các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi đến 200 tỉ USD để đầu tư và mua lại các doanh nghiệp nước ngoài trong mọi lĩnh vực. Con số thống kê sơ bộ này đã khiến nhiều quốc gia châu Âu giật mình và tăng cường kiểm soát, mà Đức là ví dụ mới nhất.

Tuy nhiên, phải nói là Trung Quốc “háu ăn” nhưng có chọn lọc. Tại Pháp chẳng hạn, theo bài xã luận của "Le Figaro", các nhà đầu tư Trung Quốc chi nhiều tỉ USD trong các lĩnh vực nguyên tử, hóa học, công nghệ robot, khách sạn, trang trại trồng nho sản xuất rượu hay câu lạc bộ bóng đá.

Trung Quốc vung tiền “khủng” đầu tư khắp thế giới để tăng “quyền lực mềm”. Ảnh: Tân Hoa xã

Vậy “còn ai khác sợ đầu tư Trung Quốc?”. Trước hết, phải kể đến Australia. Theo "Le Figaro", chỉ riêng quốc gia Thái Bình Dương này đã thu hút đến 1/3 tổng vốn đầu tư ra ngước ngoài của Trung Quốc. Ngay từ cuối thập niên 1990, Australia là một trong những điểm đầu tư được các doanh nghiệp Trung Quốc ưa chuộng nhất, dưới sự chỉ đạo của trung ương, để thâm nhập vào nguồn tài nguyên. Sau đó, Bắc Kinh nhắm đến lĩnh vực chăn nuôi và hệ thống điện lực. Tuy nhiên, gần đây, Canberra đã nhanh chóng ngăn chặn một số thương vụ vì lý do an ninh quốc gia.

Việc các tập đoàn Trung Quốc đổ vốn vào kinh đô điện ảnh Hollywood khiến công luận Mỹ lo ngại. Còn Berlin phải chịu thua trước tập đoàn Midea của Trung Quốc khi họ mua lại công ty Kuka, nổi tiếng trong lĩnh vực robot với các khách hàng quan trọng như Airbus, Audi hay Mercedes.

Nhận thấy sự phản kháng của các nước phương Tây, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, được tổ chức hồi đầu tháng 9/2016, ở Hàng Châu, Bắc Kinh đã “mở lời” mời các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nước bắt đầu tính đến việc tăng cường về mặt pháp lý để có khả năng kiểm tra các thương vụ. Đây cũng chính là nhận định của bài xã luận trên "Le Figaro": “Bảo vệ mô hình tự do không đồng nghĩa với ‘ngây thơ’”. Mỹ hiểu rõ điều này khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Pháp và một số nước khác cũng có những điều khoản đặc biệt để bảo vệ các lĩnh vực được cho là nhạy cảm.

Chiến lược đầu tư của Bắc Kinh được "Le Figaro" cho là để “tìm kiếm bí quyết và ảnh hưởng”, đồng thời tăng cường ảnh hưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với những cơ cấu nhà nước quan trọng, trong đó có lĩnh vực kinh tế.

Theo giải thích của chuyên gia kinh tế Hồ Tinh Đẩu thuộc Đại học Công nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc “có ngân quỹ hơn 3.000 tỉ USD” phục vụ cho “việc đầu tư sinh lợi ở nước ngoài, trong bối cảnh thị trường nội địa ngày càng có ít cơ hội” do nền kinh tế chững lại. Không còn hài lòng là “công xưởng của thế giới”, Bắc Kinh tìm cách bổ sung những gì còn thiếu: kinh nghiệm - bí quyết và các thương hiệu nổi tiếng mà người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Việc đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh nằm trong chiến lược quy mô hơn nhằm khẳng định vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trên mọi lĩnh vực. Với việc thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài, Trung Quốc tham gia vào hội đồng quản trị và có thể tác động đến chiến lược của các doanh nghiệp phương Tây. Một mục tiêu cơ bản là để cải thiện hình ảnh của cường quốc thứ hai thế giới, hay còn gọi là “quyền lực mềm”: một khi nhắc đến những tên tuổi nổi tiếng (các câu lạc bộ bóng đá hay các công ty sản xuất phim ảnh ở Hollywood), người ta buộc phải nhắc đến các tập đoàn Trung Quốc.

“Chính phủ Trung Quốc phản ứng ngay lập tức nếu một doanh nghiệp không được phép kí kết hợp đồng”, theo nhận định của một chuyên gia kinh tế về châu Á - Thái Bình Dương. Anh là ví dụ điển hình. Cuối tháng 7/2016, khi Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra ý định hoãn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point, Đại sứ Trung Quốc tại Anh tức giận, đã công khai dọa nạt Trung Quốc sẽ trả đũa thương mại. Cuối cùng, London đành chấp nhận để Tổng công ty Điện hạt nhân CGN Trung Quốc tiếp tục đầu tư với tập đoàn EDF của Pháp vào dự án điện hạt nhân này.

TTXVN/Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/the-gioi-so-dau-tu-trung-quoc-20161030213651088.htm